Các chuyên gia nhấn mạnh, lượng dầu dự trữ Mỹ tung ra thị trường vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Nga. Trong ảnh: Các bể chứa dầu tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Giá dầu đang giảm mạnh sau thông tin Mỹ giải phóng một lượng dầu kỷ lục từ kho dự trữ của nước này trong nỗ lực giảm bớt sức ép đối với nguồn cung dầu thô do xung đột Nga-Ukraine.
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Chốt phiên cuối tháng Ba, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2022 giảm 7,54 USD (7%), xuống 100,28 USD/thùng, sau khi có lúc "rơi" xuống mức 99,66 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 5,54 USD (4,8%), xuống 107,91 USD/thùng.
Giá dầu cũng chịu sức ép do dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc sẽ giảm, khi nước này áp dụng các hạn chế mới ở các thành phố lớn như Thượng Hải để chống lại sự lây lan của dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, nguồn cung tăng và nhu cầu giảm sẽ là công thức để giá dầu tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vẫn có những hoài nghi rằng quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ của Mỹ có thể thay đổi cơ cấu của thị trường trong một thời gian dài.
Damien Courvalin, chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định, về mặt lý thuyết, đồng thái của Mỹ sẽ giúp ích cho thị trường dầu mỏ, song đây không phải là giải pháp cung cấp dầu mỏ lâu dài cho những năm tới.
Các chuyên gia nhấn mạnh, lượng dầu dự trữ Mỹ tung ra thị trường vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm dầu thô của Nga.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung bổ sung từ Mỹ sẽ chỉ thay thế 1/3 sản lượng bị hụt từ Nga.
Trong khi đó, tại cuộc họp ngày 31/3 tại Vienna (Áo), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì chính sách về sản lượng dầu hiện tại, đồng thời nâng sản lượng "một cách khiêm tốn" lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 tới.
Theo các chiến lược gia của công ty dịch vụ tài chính Hà Lan ING, việc Mỹ giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày không có khả năng bù đắp cho nguồn cung sụt giảm từ Nga và sẽ không thể thúc đẩy giá dầu thấp hơn một cách bền vững.