Xung đột Nga-Ukraine: Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Ruble lao dốc, người dân đối mặt với viễn cảnh giá cả leo thang. Trong ảnh: Người dân xếp hàng dài tại các ngân hàng và máy ATM, ngày 25/2. (Nguồn: AP) |
Nếu tính theo sức mua tương đương ở hiện tại, Nga sẽ là nền kinh tế lớn thứ 22 trên thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không lớn hơn nhiều so với bang Ohio của Mỹ.
Thực trạng này khác xa so với trước đây, khi Nga là một cường quốc kinh tế thực sự. Theo dữ liệu của nhà sử học kinh tế Angus Maddison, Nga từng là là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 1913, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Đức và Anh. Năm 1957, khi vượt qua Mỹ về công nghệ - đánh dấu bằng sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian, Liên Xô là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Vị thế kinh tế của Nga đã giảm
Ông Putin lần đầu tiên đắc cử Tổng thống Nga vào năm 2000, sau sự tan rã của Liên Xô cũ và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Thời điểm đó, nền kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng trì trệ, cảnh nghèo đói xuất hiện khắp nước, những cú sốc tài chính, đỉnh điểm vào năm 1998, nước Nga vỡ nợ, đồng nội tệ sụp đổ và phải cần đến sự cứu giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Khi đó, GDP theo giá trị thị trường của Nga chạm đáy ở mức 210 tỷ USD, tụt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới, sau Áo (theo số liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2021 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố). Và Tổng thống Putin đã cam kết với các cử tri của mình về một tương lai tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhờ hàng loạt chính sách kinh tế đúng đắn, nước Nga dần phục hồi sau khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện, nền kinh tế Nga liên tục tăng trưởng cao dưới thời của Tổng thống Putin, với tỷ lệ tăng trưởng năm 2000 đạt 10% và trong các năm sau đó luôn đạt từ 6,5 đến 7,3%.
Kinh tế phục hồi giúp cho đời sống người dân Nga ngày càng ổn định, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng. GDP của Nga tính theo tỷ giá thị trường đã tăng gấp 10 lần, đưa Nga trở lại vị trí cường quốc kinh tế và gia tăng sức mua cho tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu Nga tăng lên đáng kể, chiếm đến 1/5 tổng số dân. Số lượng tỉ phú Nga đứng trong hàng top 5 của thế giới.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu về Nga cho rằng, khi nền kinh tế bắt đầu đi lên, đỉnh cao là năm 2013, Nhà lãnh đạo Nga đã tập trung nhiều hơn vào chính sách đối ngoại, nhằm thiết lập lại địa vị như một "cường quốc". Những nỗ lực này đã được thể hiện bằng hành động sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Nhưng ở thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, kinh tế không còn là điểm mạnh - với GDP theo tỷ giá thị trường đã bốc hơi 1/3 giá trị (trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020), ít nhất là sau cú sốc đại dịch Covid-19. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính không ngừng của phương Tây được dự đoán sẽ đẩy nhanh sự suy thoái đối với nền kinh tế này.
Chứng khoán Nga giao dịch trên thị trường Anh đã giảm tới 98%, lấy đi 572 tỷ USD của cải, trong khi cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Nga vẫn bị tạm đình chỉ. Đồng Ruble đã nhanh chóng tụt dốc chỉ còn 155 Ruble/USD - giảm hơn 50% so với 75 Ruble/USD trước xung đột Nga-Ukraine. Nếu không nhờ các biện pháp kiểm soát tiền vốn gần đây và giá cả hàng hóa tăng cao – hệ quả từ chính các lệnh trừng phạt - vốn chiếm phần lớn xuất khẩu của Nga, thì giá trị đồng nội tệ sẽ còn giảm hơn nữa.
Mặc dù có nhiều cách khác để đo lường GDP, nhưng khi nói đến thương mại và đầu tư toàn cầu - và sức mạnh kinh tế - thì tỷ giá thị trường mới là được coi là xác thực nhất.
GDP theo sức mua tương đương của Nga vào năm 2021 là 1,65 nghìn tỷ USD, đủ để đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, sau Hàn Quốc. Nhưng nếu quy đổi GDP ước tính năm 2021 của Nga vào ngày 7/3/2022, thì thứ hạng đã thay đổi, nền kinh tế Nga trượt xuống vị trí thứ 22, nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Ba Lan.
Sự sụt giảm này có khả năng còn thấp hơn. Giá trị đồng Ruble giảm khiến tỷ giá hối đoái của Nga đối với USD giảm theo, khi tính toán GDP. Ngoài ra, chính nền kinh tế suy yếu cũng trực tiếp kéo giảm tăng trưởng GDP. Và trong trung hạn, sự cô lập của Nga trong nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm xói mòn khả năng cạnh tranh kinh tế của nước này, kéo khoảng cách còn xa hơn nữa.
Theo nhận định của giới phân tích trên trang The Conversation, GDP không tính đến nhiều thứ mà chúng ta quan tâm - như y tế và giáo dục. Sự sụt giảm GDP theo sức mua tương đương của Nga vẫn không thể mô tả hết thảm kịch con người đang diễn ra ở cả Ukraine và Nga.
Nga có thể vỡ nợ?
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt tài chính gay gắt nhất đã được áp đặt lên Nga, với hơn 1/2 số dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) bị đóng băng. Các chuyên gia phân tích Mỹ dự đoán, trong một tháng nữa, Nga sẽ vỡ nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này khó xảy ra, bởi các chủ nợ nước ngoài sẽ được trả bằng đồng Ruble.
Các biện pháp trừng phạt đã dẫn đến thực tế là về mặt khách quan, Nga không thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ bằng USD và Euro. Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley dự báo Nga có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 15/4 tới, khi khoản thanh toán nợ công 700 triệu USD đến hạn. Đây là lúc thời điểm kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày đối với các khoản lãi trái phiếu chính phủ Nga đáo hạn năm 2023 và 2043. "Nếu các quy tắc này không được tuân thủ, đây là một vụ vỡ nợ", theo chuyên gia phân tích Mikhail Bespalov tại KSP Capital.
Vì lý do này phương Tây đã đóng băng các tài khoản ngoại hối của BoR. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ở Nga, không có lý do kinh tế nào dẫn đến việc phá sản, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nhấn mạnh. Nga hoàn toàn có thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ công bởi các quỹ cần thiết cho việc này luôn sẵn sàng.
Thật vậy, tỷ lệ nợ (478,2 tỷ USD)/GDP (1.650 tỷ USD) không vượt quá 25%, điều này cho thấy sự ổn định tài chính của Nga.
Ngoài ra, nếu không sử dụng điều khoản “không có khả năng thanh toán bằng USD và Euro vì lý do bất khả kháng”, Nga vẫn có những công cụ đặc biệt để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Ví dụ, có thể sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong IMF - quyền này không bị trừng phạt.
Mặc dù vậy, Nga vẫn có ý định thanh toán các khoản nợ, cho dù chính phương Tây đang ngăn chặn các khoản thanh toán này. Bộ Tài chính Nga chấp thuận thủ tục tạm thời để trả nợ công bằng đồng Ruble, theo tỷ giá của ngân hàng trung ương. Theo Bộ trưởng Siluanov, đối với trái phiếu của châu Âu (Eurobonds) được phát hành từ năm 2018, khả năng này được ghi rõ trên các trái phiếu. Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh cho phép các khu vực và thành phố trực thuộc trung ương cũng như người dân Nga trả cho các chủ nợ nước ngoài bằng đồng Ruble.
Còn theo chuyên gia Valery Korneichuk từ Viện Quản trị tài chính: "Bất chấp việc phương Tây phong tỏa một nửa số vàng và dự trữ ngoại hối của Nga, phần vàng và tài sản định giá bằng Nhân dân tệ vẫn cho phép nước này thực hiện nghĩa vụ trả nợ".
Phần nợ lớn nhất của Nga là các khoản nợ phải trả bằng Ruble, trong khi nợ phải trả bằng ngoại tệ là không lớn. Quỹ Phúc lợi quốc gia (NWF), với nguồn thu gia tăng nhờ giá dầu tăng cao, sẽ làm dịu các đòn trừng phạt. Quỹ này chỉ dành cho thời kỳ khủng hoảng và với khoản đệm tài chính trị giá 13.600 tỷ Ruble (tính đến ngày 1/2), quỹ này hiện rất hữu ích.
Và cuối cùng, theo chuyên gia Anastasia Tarasova, người đứng đầu Quỹ đầu tư Maerli Capital, "Đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ, chính phủ có thể tuyên bố không trả được nợ nước ngoài để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến người dân Nga theo bất kỳ cách nào, ngoại trừ những người đã đầu tư vào Eurobonds".