Nhiều đảng chính trị Nga ủng hộ quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Trong ảnh: Bên trong tòa nhà Duma Quốc gia Nga. (Nguồn: TASS) |
Ngày 24/2, TASS dẫn các phát biểu của lãnh đạo các đảng phái lớn ở Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga bày tỏ ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động.
Ông Yevgeny Revenko, Phó Chủ nhiệm phe Nước Nga Thống nhất tại Duma Quốc gia, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của ông Putin về việc tiến hành một chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo chính trị gia này, “đơn giản là không có lựa chọn nào khác”.
Đại diện đảng Dân chủ tự do (LDPR) cho biết, quyết định tiến hành một chiến dịch đặc biệt của ông Putin ở Ukraine là ví dụ về một chính sách có tầm nhìn xa và chủ động.
Chủ tịch đảng Nước Nga công bằng - Vì sự thật Sergei Mironov tuyên bố: “Ông Vladimir Putin đã đưa ra giải pháp khả thi duy nhất để bảo vệ không chỉ người dân Donbass, mà toàn bộ nước Nga, nơi có thể bị đặt ‘dưới họng súng’ của NATO”.
Trong khi đó, Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili nói rằng nước cộng hòa này đoàn kết với người dân Ukraine và kêu gọi các bên ngừng hoạt động quân sự.
Liên quan tình hình, trong một tuyên bố, Bộ Kinh tế Đức khẳng định không thấy có triển vọng khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong trung hạn.
Còn Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Ankara hạn chế tàu chiến Nga qua eo biển Bosphorus và sông Dardanelles.
Thủ tướng Czech Petr Fiala lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Ông viết trên Twitter: “Việc Nga tấn công Ukraine đã trở thành một hành động hoàn toàn phi lý chống lại một quốc gia độc lập, mà Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thể không phản ứng”.
Ngày 24/2, Italy đã triệu Đại sứ Nga sau khi Điện Kremlin tiến hành cuộc tấn công trên không và trên bộ vào Ukraine, động thái mà Rome coi là “hành động gây hấn phi lý và vô cớ”.
Bộ Ngoại giao Italy cho biết, cuộc tấn công “cực kỳ nghiêm trọng” của Moscow nhằm vào nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.
Về phần mình, Thái Lan cho biết nước này đang theo sát những diễn biến ở Ukraine và đặc biệt là sự leo thang căng thẳng ở châu Âu với sự lo ngại sâu sắc.
Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 24/2 khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực đang diễn ra nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình thông qua đối thoại”.
Theo truyền thông sở tại, bộ trên cũng đã lên kế hoạch sơ tán 250.000 người Thái Lan đang sống ở Ukraine trong bối cảnh căng thẳng với Nga leo thang.
Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc thông báo đã thiết lập đường dây liên lạc khẩn cấp với các công ty của nước này đang hoạt động tại Nga.
Hàn Quốc cũng đã mở văn phòng tư vấn cho các doanh nghiệp để giảm thiểu tác động tiềm tàng từ chiến dịch quân sự do Moscow phát động nhằm vào Ukraine đối với các công ty này.
Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đang lên kế hoạch sơ tán công dân nước này tại Ukraine tới thủ đô Kiev.
Người phát ngôn bộ trên Teuku Faizasyah cho biết, Đại sứ quán Indonesia tại Ukraine đã thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ công dân Indonesia tại quốc gia Đông Âu.
Cục trưởng Cục Bảo hộ công dân thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Judha Nugraha cho hay, đã liên lạc với hàng trăm công dân Indonesia tại Ukraine, trong đó có những người đang sống tại Kiev, Odessa và khu vực miền Đông.
Ông Judha nói: “Chúng tôi đã nhận được các tin nhắn WhatsApp rằng họ đang ở trong tình trạng an toàn và bình tĩnh. Theo kế hoạch dự phòng, các công dân được yêu cầu tập trung tại Đại sứ quán Indonesia ở Kiev.
Chúng tôi đang làm việc với một số cơ quan đại diện như Đại sứ quán Indonesia tại Warsaw và đã chuẩn bị kế hoạch bảo hộ công dân Indonesia ở đó... Chúng tôi đã thiết lập được liên lạc với họ, yêu cầu họ di chuyển gần hơn, tập trung tại Đại sứ quán Indonesia ở Kiev.
Nếu không đến được Kiev, chúng tôi yêu cầu họ ở lại Odessa và đang tìm kiếm lộ trình xử lý an toàn để sơ tán công dân”.
Theo ông Judha, kế hoạch dự phòng nói trên được xác định dựa vào sự phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Kiev. Sau khi tất cả công dân Indonesia tập trung tại Đại sứ quán, sẽ có quy trình tiếp theo để sơ tán.
Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, Jakarta đã tiếp xúc với cả hai nước và bày tỏ quan điểm ưu tiên hòa bình.
Người phát ngôn Faizasyah nhấn mạnh: “Indonesia không ngừng tin tưởng rằng hòa bình là cách tốt nhất; các nước liên quan tránh leo thang và quay trở lại bàn đàm phán”.