Một phương tiện quân sự của lực lượng Ukraine bị phá hủy bởi một vụ pháo kích vào ngày 12/4 tại Bakhmut. (Nguồn: Getty) |
Theo những báo cáo gần đây, phương Tây đã tập trung duy trì và sửa chữa các loại vũ khí bị hư hỏng trong xung đột Nga-Ukraine thay vì cung cấp thêm các vũ khí mới cho Kiev. Một quan chức hàng đầu phụ trách mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng, sự thay đổi chiến lược này ngầm thừa nhận rằng, cuộc xung đột dự kiến sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài.
Politico dẫn lời Giám đốc Bộ phận mua sắm quốc phòng của Lầu Năm Góc William LaPlante cho biết: “Chúng tôi đang thiết lập thêm các cơ sở sửa chữa ở châu Âu, biên dịch các tài liệu hướng dẫn sử dụng và sửa chữa vũ khí gửi cho Ukraine”.
Ưu tiên hàng đầu
Kể từ khi Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công trước Nga, một số trang thiết bị được phương Tây tài trợ như xe chiến đấu Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức bị mất hoặc hư hỏng. Trong khi đó, các tuyến phòng thủ của Nga lại tỏ ra khó xâm nhập hơn so với dự đoán và các lực lượng Ukraine đã phải đối mặt với các bãi mìn dày đặc.
Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy, hàng trăm phương tiện bọc thép cứng cáp được phương Tây viện trợ đã cứu sống và giảm thiểu tổn thương tối đa cho nhiều binh sĩ Ukraine. Politico cho rằng, nếu được sửa chữa, những phương tiện này có thể trở lại chiến đấu và nên ưu tiên việc này lên hàng đầu.
Phóng viên tờ The Times của Anh đã khảo sát một cơ sở sửa chữa bí mật gần tiền tuyến, nơi họ nhìn thấy những bằng chứng về các phương tiện bọc thép được cung cấp bởi phương Tây đang được cấp tốc sửa chữa để đưa trở lại chiến trường, bao gồm cả các phương tiện đã trúng đạn xe tăng, nhưng chỉ bị hư hỏng nhẹ.
Trung úy Serhii Ivanov đang giám sát sửa chữa chiếc xe bọc thép Wolfhound do Anh chế tạo chia sẻ: "Thành thật mà nói, tất cả các binh sĩ đều ngạc nhiên về khả năng chịu nhiệt của những chiếc xe này... Chúng thực sự đã cứu mạng người. Sau vài lần sử dụng những phương tiện này trên thực địa, không ai muốn quay trở lại với các loại xe BTR cũ của Liên Xô hay bất kỳ loại xe nào tương tự".
Ngoài ra, các phương tiện chiến đấu bọc thép kháng mìn do Mỹ sản xuất được quân đội Ukraine ca ngợi là "gần như không thể phá hủy".
Một nhóm công tác gồm đại diện từ 22 quốc gia được dẫn đầu bởi Mỹ, Ba Lan và Anh đang nỗ lực làm việc để duy trì hoạt động của các thiết bị quân sự trị giá hàng tỉ USD để Ukraine có thể tiếp tục tiến hành chiến dịch phản công. Nhóm này đã điều phối các cơ sở sửa chữa và cung ứng cho Kiev các phụ tùng thay thế.
Xe bọc thép Mastiff - một trong những vũ khí Ukraine được viện trợ từ phương Tây. (Nguồn: Wiki) |
Thách thức từ trang thiết bị hàng tỷ USD
Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nhiều quốc gia đã cam kết gửi các trang thiết bị hàng tỷ USD đến Ukraine. Tuy nhiên, chính sự đa dạng của các thiết bị đến từ nhiều nguồn cung cấp lại đang mang lại những thách thức cho Kiev.
Tỷ lệ sẵn sàng của các trang thiết bị cũng là một mối lo ngại khác đối với Ukraine, vì họ chủ yếu sử dụng các thiết bị và vũ khí đã có tuổi đời hàng chục năm của Liên Xô hoặc những vũ khí vẫn còn tương đối mới đối với họ.
Ngoài ra, một số trang thiết bị do các đồng minh phương Tây gửi đến Ukraine cũng trong tình trạng cần được sửa chữa và hầu hết các công việc sửa chữa lớn đều cần được di chuyển đến ở những cơ sở ở Ba Lan hoặc CH. Czech. Trong khi đó, Nga có lợi thế với kho dự trữ trang thiết bị quân sự lớn hơn nhiều và vẫn đang tiếp tục sử dụng.
Bất chấp gặp nhiều thách thức, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã khẩn trương thiết lập các cơ sở sửa chữa trong năm qua để các binh sĩ Ukraine có thể “ngay lập tức khắc phục”.
Ông LaPlante nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng, Ukraine có tất cả những gì họ cần. Và nếu linh kiện đó phải vận chuyển từ quốc gia cách nửa vòng Trái đất, chúng tôi vẫn đảm bảo nó sẽ được giao đúng địa chỉ. Vì vậy, việc bảo trì và duy trì thực tế là công việc đang được tiến hành ngay bây giờ".