Tổng thống Nga Putin đánh giá đề xuất về vũ khí hạt nhân của người đồng cấp Ukraine Zelensky là “hành động khiêu khích nguy hiểm”. (Nguồn: Independent) |
Ông Zelensky nhấn mạnh, phái đoàn Ukraine tại Mỹ đã thảo luận cụ thể về hai điểm trong cái gọi là "kế hoạch chiến thắng" - đó là mời Ukraine gia nhập NATO và tăng cường Lực lượng vũ trang Ukraine.
Phát biểu trên chương trình truyền hình gây quỹ toàn quốc ngày 18/10, Tổng thống Zelensky khẳng định: "Phản hồi đã được nhận gần như ngay lập tức... Tôi đang mong đợi nhóm Nhà Trắng tại Kiev, chúng tôi đang chờ đợi và trong tương lai gần, họ sẽ có mặt ở đây với những câu trả lời chắc chắn".
Ông cho biết, mặc dù vấn đề mời Ukraine gia nhập NATO thường được thảo luận, nhưng vẫn có những quốc gia không có ý định đóng cửa đối thoại với Nga. Theo Tổng thống Zelensky, đặc biệt, người Đức vẫn còn hoài nghi.
Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố các cuộc đàm phán liên quan "kế hoạch chiến thắng" với Pháp đang diễn ra rất tích cực. Ông Zelensky nêu rõ: "Vào cuối tháng 11, lữ đoàn (đang được huấn luyện tại Pháp) sẽ có mặt tại Ukraine".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Zelensky, coi đây như một tập hợp các khẩu hiệu không mạch lạc sẽ đẩy NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc khi Kiev nhận ra chính sách của mình "vô dụng".
* Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này và Ukraine ngày 18/10 đã trao đổi tổng cộng 190 tù binh, với 95 người mỗi bên, theo thỏa thuận được hoàn tất thông qua vai trò trung gian của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trên kênh Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các quân nhân được trao trả của nước này đang được kiểm tra y tế ở Belarus - một trong những đồng minh thân cận nhất của Moscow trong cuộc xung đột quân sự kéo dài gần 3 năm qua.
Hiện nay, phía Ukraine chưa đưa ra tuyên bố xác nhận vụ trao đổi tù binh nêu trên.
Lần trao đổi tù binh gần đây nhất Nga và Ukraine diễn ra hồi tháng 9, với tổng cộng 103 người của cả hai bên.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/10 đánh giá đề xuất của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Kiev sẽ tìm kiếm vũ khí hạt nhân nếu không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “hành động khiêu khích nguy hiểm”.
Phát biểu trước báo giới từ các quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Tổng thống Putin tuyên bố: “Đây là hành động khiêu khích nguy hiểm. Bất kỳ bước đi nào theo hướng này đều sẽ gặp phải phản ứng tương xứng”.
Tại buổi họp báo, nhà lãnh đạo Nga cũng xác nhận, ông sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến tổ chức tại Brazil trong tháng 11 tới.
* Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 18/10 tái khẳng định lập trường ủng hộ vững chắc dành cho Ukraine, song nhấn mạnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được trở thành một bên tham chiến.
Phát biểu họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Berlin, Thủ tướng Đức bày tỏ: “Chúng tôi sát cánh với Ukraine đến khi nào còn cần thiết”, đồng thời nêu rõ các hành động đã được phối hợp hết sức chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Về phần mình, Tổng thống Biden lưu ý Mỹ và Đức sẽ tổ chức các cuộc tham vấn để thảo luận về những nỗ lực đang diễn ra nhằm tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraine, củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của quốc gia Đông Âu và giúp Kiev phục hồi thông qua biện pháp sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga.
Tổng thống Biden đã đến Berlin vào tối 17/10, lần cuối cùng trước khi rời nhiệm sở.
* Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/10 thừa nhận chính quyền của ông chưa đạt được sự đồng thuận về việc dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trước khi lên chuyên cơ Air Force One rời Berlin (Đức), khi được hỏi liệu có khả năng thay đổi quyết định về vũ khí tầm xa hay không, Tổng thống Biden đáp: “Trong chính sách đối ngoại, không bao giờ có chuyện ‘Tôi không bao giờ thay đổi ý kiến’. Hiện tại, chưa có sự đồng thuận về vũ khí tầm xa”.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia thành viên NATO không chỉ thảo luận về khả năng cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Moscow, mà về cơ bản đang quyết định có trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine hay không. Theo ông, sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột Ukraine và Moscow sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa mới đối với nước Nga.
* Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Sean Savett ngày 18/10 đã bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng, Triều Tiên đã điều động quân đội sang hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc đề cập diễn biến này.
Trả lời câu hỏi từ hãng thông tấn Yonhap về thông tin trên, ông Savett bày tỏ: “Chúng tôi lo ngại trước những thông tin về việc binh lính Triều Tiên chiến đấu thay mặt Nga. Nếu đúng như vậy thì động thái này sẽ đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong mối quan hệ quốc phòng giữa Triều Tiên và Nga”.
* Một thông tin mới nhất liên quan tình hình Ukraine, Ban Điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18/10 đã thông qua khoản giải ngân 1,1 tỷ USD cho Ukraine, với mục đích hỗ trợ ngân sách cho quốc gia Đông Âu bị xung đột quân sự tàn phá.
Khoản vay trên là đợt giải ngân mới nhất trong chương trình tài trợ 4 năm trị giá 15,5 tỷ USD mà IMF đã phê duyệt cho Ukraine hồi tháng 3/2023. Khoản vay lần thứ 5 này nâng tổng số tiền đã giải ngân cho Ukraine kể từ đó lên 8,7 tỷ USD.
Trong tuyên bố, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gây ra những tổn thất nặng nề về mặt xã hội và kinh tế. Mặc dù diễn ra xung đột, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính vẫn được duy trì nhờ các chính sách khéo léo của chính quyền Ukraine, cũng như sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài. Nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi, bất chấp thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng năng lượng, phản ánh khả năng thích ứng liên tục của các hộ gia đình và doanh nghiệp”.
IMF khẳng định, Ukraine đã đáp ứng mọi mục tiêu liên quan, trong đó có các chương trình cải cách cơ cấu về ưu đãi thuế, doanh nghiệp công và cải cách hải quan. Theo tổ chức này, nền kinh tế Ukraine đã “phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến” trong nửa đầu 2024, với các số liệu tích cực ở trong nước “được củng cố bởi sự hỗ trợ đáng kể và liên tục từ bên ngoài”.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo triển vọng từ nay đến cuối năm sau đã xấu đi, “chủ yếu do những đợt tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và tình trạng vô định về cuộc xung đột”. IMF cũng nhận định triển vọng kinh tế Ukraine vẫn phải đối mặt với “sự bất ổn đặc biệt cao”.