Giám đốc IEA Birol cảnh báo: “Thế giới của chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng với độ sâu và phức tạp như hiện nay. (Nguồn: Shutterstock) |
Ai là nạn nhân lớn nhất?
Trong bài viết trên trang oilprice.com, tác giả Haley Zaremba cho biết, theo một báo cáo mới đây từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thế giới đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên”.
Hiện nay, châu Âu là tâm điểm của sự biến động thị trường và khan hiếm năng lượng. Vấn đề này còn có ảnh hưởng sâu và rộng hơn thế.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu” còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất, mà hầu hết những nước đó lại không thuộc châu lục này.
Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng này, không có gì đáng ngạc nhiên, chính là các nước mới nổi và đang phát triển.
Đặc biệt, các quốc gia nhập khẩu dầu ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, do giá nhiên liệu tăng vọt so với đồng tiền tương đối yếu của họ.
Hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng đối với các quốc gia nhập khẩu dầu, trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt. Do đó, các nước đang phát triển và mới nổi lại nối dài danh sách những khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt.
Báo cáo nêu rõ: “Giá hàng hóa cao hơn gây ra những thách thức bắt nguồn từ lạm phát và nợ tăng cao, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 không đồng đều và xung đột ở một số quốc gia”.
Thị trường năng lượng toàn cầu đã thay đổi khi các nền kinh tế trên thế giới phải vật lộn để phục hồi và đạt trạng thái cân bằng sau làn sóng giãn cách xã hội đầu tiên để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sự phục hồi này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, ngay từ trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.
Trong những tháng tiếp theo, phương Tây đã áp dụng loạt biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin. Moscow cũng ngưng dòng khí đốt tự nhiên đến Đức thông qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc).
Chiến thuật “ăn miếng trả miếng” này đã gây ra những làn sóng chấn động khắp các thị trường năng lượng trong khu vực và toàn cầu, khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng đáng kể khi bước vào một mùa Đông dài lạnh giá.
Không chỉ là khủng hoảng năng lượng
Vừa qua, một số hãng truyền thông nổi tiếng đang đưa tin rằng “cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã kết thúc” và “ảnh hưởng năng lượng của Nga đối với châu Âu ‘sắp kết thúc’”.
Tuy nhiên, theo ông Birol, vẫn chưa có lý do gì để châu Âu ăn mừng. Chừng nào Nga còn duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine thì thị trường năng lượng còn tiếp tục biến động và tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) còn diễn ra trên toàn thế giới.
Hơn nữa, thỏa thuận gần đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) nhằm cắt giảm mạnh sản lượng khai thác chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, quyết định này lại mang về nhiều tiền hơn cho các quốc gia sản xuất dầu.
Bất kể có những tiến bộ nào đạt được ở châu Âu, đối với phần còn lại của thế giới, cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu.
Giám đốc IEA Birol cảnh báo: “Thế giới của chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng với độ sâu và phức tạp như hiện nay.
Rõ ràng, đằng sau khủng hoảng năng lượng còn tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng lương thực và nó sẽ có những tác động lâu dài.
Vì phân bón công nghiệp là sản phẩm từ ngành hóa dầu, khủng hoảng năng lượng sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng phân bón. Điều này được dự báo làm giảm sản lượng lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm nạn đói, đặc biệt ở các nước vốn phụ thuộc vào viện trợ lương thực.
Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại sẽ gây ra nỗi đau lớn cho các hộ gia đình vốn đang gặp khó khăn về kinh tế. Không chỉ vậy, nó sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển của các quốc gia nghèo nhất.
Khủng hoảng năng lượng sẽ dẫn đến khủng hoảng phân bón. Điều này được dự báo làm giảm sản lượng lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm nạn đói, đặc biệt ở các nước vốn phụ thuộc vào viện trợ lương thực. (Nguồn:earth.org) |
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, có thể ghi nhận một tín hiệu tích cực. Sự gia tăng mạnh mẽ của giá nhiên liệu hóa thạch và sự biến động trong chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và tạo ra một lực đẩy lớn, hướng tới phát triển năng lượng sạch.
Ở châu Âu, việc lắp đặt các hệ thống năng lượng Mặt trời đã phá vỡ kỷ lục trong suốt mùa Hè.
Ở Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD đã được Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào tháng 8, sau gần 1 năm đàm phán và tranh luận.
Đạo luật tập trung vào 3 lĩnh vực chính là khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe, trong đó, dành 370 tỷ USD cho nỗ lực nhằm chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, thúc đẩy năng lực sản xuất điện gió, pin mặt trời và xe điện trong nước.
Lần đầu tiên, IEA dự đoán rằng, nhu cầu toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh hoặc chững lại trong tương lai gần.
Khi cánh cửa về cơ hội giảm lượng khí thải dường như bị đóng lại, việc đầu tư mạnh và đột ngột vào các giải pháp năng lượng sạch thay thế ở phút chót cũng mang lại một chút thoải mái, dù rằng thế giới vẫn đang đối mặt với một tiên lượng không mấy khả quan.