Xung đột Nga-Ukraine: Trừng phạt và trả đũa, Nga đang rung hồi chuông báo tử với USD? (Nguồn: Dreamstimes) |
Chỉ hai tuần sau khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Versailles để cảnh báo nguy cơ các nền dân chủ đang bị đe dọa. Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa lại có giọng điệu rất khác. Ông viết trên Twitter: “Cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin đã nhận cuộc gọi của tôi hôm nay, để tôi có thể hiểu được tình hình hiện tại giữa Nga và Ukraine”.
Tổng thống Nam Phi không đơn độc trong việc theo đuổi một lập trường cân bằng đối với cuộc xung đột. Sau khi sự kiện này xảy ra, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói: “Chúng tôi sẽ không đứng về phía nào. Chúng tôi sẽ duy trì lập trường trung lập và tiếp tục giúp đỡ các bên nếu có thể”.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cũng từ chối tham gia các lệnh trừng phạt đang được áp đặt đối với Nga. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ hình thức trả đũa kinh tế nào vì chúng tôi muốn có quan hệ tốt với tất cả các chính phủ trên thế giới.
Tiếp đó là Trung Quốc, một đồng minh ngày càng thân thiết của Nga.
Phương Tây đã biến đồng USD thành vũ khí?
Hầu hết các nước trên thế giới dường như đều chỉ trích cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng không có liên minh toàn cầu nào có những hành động chống lại Nga. Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của nền tài chính quốc tế trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều có phản ứng đối với động thái mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh nhằm đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga.
John Smith, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ và hiện là đồng lãnh đạo bộ phận an ninh quốc gia của công ty luật Morrison & Foerster, thừa nhận: “Các lệnh trừng phạt đã gây ra nỗi kinh hoàng. Phương Tây đã phá vỡ khuôn khổ tài chính toàn cầu”.
Sức mạnh của các lệnh trừng phạt đối với Nga dựa trên sự thống trị của đồng USD, đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong hoạt động thương mại, giao dịch tài chính và dự trữ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, việc Mỹ và đồng minh biến đồng USD thành vũ khí theo cách thức rõ ràng này có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội tới mức làm suy yếu đồng tiền của Mỹ và đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào cuộc cạnh tranh giữa các khối thù địch.
Zoltan Pozsar, chuyên gia phân tích tại ngân hàng Credit Suisse, cho biết: “Các cuộc chiến tranh làm suy yếu vai trò thống trị của tiền tệ sẽ thúc đẩy sự ra đời của các hệ thống tiền tệ mới”.
Đặc biệt, Trung Quốc có chiến lược dài hạn nhằm nâng cao vị thế của Nhân dân tệ trong hệ thống tài chính quốc tế. Bắc Kinh coi vị trí thống trị của đồng USD và quyền kiểm soát các đại dương của lực lượng hải quân là những điểm mạnh tạo nên quyền lực Mỹ, điều mà họ luôn muốn vượt qua. Xung đột Ukraine sẽ củng cố quan điểm này.
Trong một bài phát biểu cuối tháng 3/2022, bà Trương Yến Linh, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, cho biết, các lệnh trừng phạt về lâu dài sẽ làm giảm uy tín của Mỹ và làm suy yếu quyền bá chủ của đồng USD. Bà cho rằng, Trung Quốc nên giúp thế giới nhanh chóng thoát khỏi sự chi phối của đồng tiền này.
Và trong bối cảnh đồng USD bắt đầu suy giảm, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Nga có thể được xem là một cách thức mới mẻ và táo bạo để gây áp lực cho đối thủ.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, các ví dụ trước đây về chiến tranh tài chính chủ yếu liên quan đến việc ngăn chặn dòng tiền cho các tổ chức khủng bố hay chương trình hạt nhân của Iran.
Mitu Gulati, giáo sư luật tài chính tại Đại học Virginia, cho rằng việc nhắm mục tiêu vào một quốc gia có quy mô và sức mạnh lớn chưa từng có đòi hỏi một kế hoạch chi tiết. Ông nói: “Việc thay đổi các quy tắc đối với Nga đồng nghĩa với việc thay đổi các quy tắc toàn cầu. Một khi các quy tắc này thay đổi, hệ thống tài chính quốc tế cũng sẽ thay đổi”.
Các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh đối với Nga khiến phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng. Phản ứng kinh tế của phương Tây đối với cuộc chiến đã gây ngạc nhiên cho Moscow và khiến đồng tiền Nga giảm giá khoảng 50% so với thời điểm đầu năm, xuống mức 135 Ruble/USD - mức từng bị cho là không thực tế.
Tháng 3/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Không ai dự đoán được các biện pháp trừng phạt mà phương Tây có thể áp đặt nhằm đóng băng các khoản dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga. Đó giống như hành vi trộm cắp”.
Tình hình có vẻ đã khác - ít nhất là bề ngoài. Sau khi lệnh trừng phạt đầu tiên được công bố, đồng Ruble đã khôi phục phần lớn giá trị đã mất, khiến một số quan chức Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt đã thất bại.
Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nói: “Đây là sự khởi đầu của việc đồng USD mất đi vị thế độc quyền trên thế giới. Hiện tại, những người giữ tiền bằng USD khó có thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ không ăn cắp tiền của họ”. Ông nói thêm: “Phương Tây hy vọng có thể thông qua các biện pháp trừng phạt làm sụp đổ nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống ngân hàng của Nga. Nhưng các biện pháp trừng phạt của họ không có tác dụng”.
Nhưng theo các nhà phân tích, sự phục hồi phần lớn giá trị của đồng Ruble là kết quả của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và việc tăng lãi suất mà Nga đã tiết lộ như những hành động đáp trả.
Cũng theo họ, tác động kinh tế chắc chắn sẽ nghiêm trọng, bất kể tình hình diễn biến thế nào. Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của WB, nói: “Bức tranh toàn cảnh rất ảm đạm.
Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cho thấy Nga có thể tìm cách đối phó với các biện pháp trừng phạt mà bỏ qua hệ thống tài chính dựa trên đồng USD của Mỹ.
Một lĩnh vực điển hình là thương mại. Ấn Độ, quốc gia mong muốn duy trì sự độc lập trong chính sách đối ngoại, đã và đang ấp ủ ý tưởng cung cấp một giải pháp thanh toán thay thế cho Nga. Các quan chức Ấn Độ cho biết, chính phủ và ngân hàng trung ương nước này đã xem xét khả năng tiến tới một thỏa thuận về đồng Rupee - cơ chế mà hai nước đã sử dụng trong thời Liên Xô liên quan đến hoạt động trao đổi dầu mỏ và nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, các quan chức cũng nhấn mạnh, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Một trong số họ còn cảnh báo những thỏa thuận như vậy không dễ gì được hoàn tất trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Khởi đầu của sự thay đổi?
Một số người lo ngại chiến tranh là khởi đầu của một sự thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu. Trong bức thư gửi cổ đông hàng năm, Giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock, tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới với khối tài sản 10 tỷ USD, đã viết: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chấm dứt quá trình toàn cầu hóa của chúng ta trong ba thập kỷ qua”.
Ông Fink cho rằng, kết quả có thể là việc sử dụng nhiều hơn các loại tiền kỹ thuật số - một lĩnh vực mà chính quyền Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị đáng kể.
Ngay cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tin rằng, vai trò thống trị của đồng USD có thể giảm sút do sự phân mảnh của hệ thống, cho dù đây có thể vẫn sẽ là loại tiền tệ được sử dụng chủ yếu trên toàn cầu.
Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy điều đó khi một số quốc gia đàm phán lại đơn vị tiền tệ mà họ có thể sử dụng để thanh toán trong hoạt động thương mại”.
Các biện pháp trừng phạt cũng có thể đẩy nhanh những thay đổi trong cơ sở hạ tầng của hệ thống tài chính quốc tế. Là một phần của nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ thống do Mỹ kiểm soát, Trung Quốc đã dành nhiều năm để phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ (CIPS) với số lượng thành viên hiện đã lên tới 1.200 tổ chức thuộc 100 quốc gia.
CIPS vẫn còn nhỏ so với SWIFT, hệ thống thanh toán có trụ sở tại châu Âu và là một phần quan trọng của chế độ trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các ngân hàng lớn nhất của Nga bị loại khỏi SWIFT đã mang lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho Trung Quốc.
Eswar Prasad, một cựu quan chức cấp cao của IMF hiện làm việc tại Viện Brookings, cho biết: “CIPS có khả năng thay đổi cuộc chơi. Trung Quốc đang thiết lập cơ sở hạ tầng cho hệ thống thanh toán và nhắn tin thanh toán. Một ngày nào đó, họ có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính quốc tế do phương Tây chi phối, đặc biệt là SWIFT”.
Trước khi xung đột xảy ra, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong thành phần dự trữ của các ngân hàng trung ương - một trong những trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế. Trong phần lớn thế kỷ qua, nợ chính phủ Mỹ là hình thức cất giữ tiền ưa thích của các ngân hàng trung ương đề phòng rủi ro, do quy mô và sức mạnh của Mỹ, tính an toàn và khả năng giao dịch của các khoản nợ và vai trò thống trị của đồng USD trong hệ thống thương mại và tài chính quốc tế.
Vào những năm 1960, cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing đã gọi đây là “đặc ân cắt cổ” của Mỹ. Thế nhưng, đặc ân đó đã bị mai một trong những thập kỷ gần đây. Theo dữ liệu mới nhất của IMF, đồng USD chiếm khoảng 50% trong tổng số 12 tỷ USD dự trữ ngoại tệ mà các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ vào cuối năm 2021. Con số này giảm so với mức 71% vào năm 1999, khi đồng Euro được tung ra thị trường.
Theo Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Berkeley, đồng Euro là đồng tiền thay thế chủ yếu - nó chiếm 20% dự trữ của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển đổi rõ rệt sang các loại tiền tệ có giá trị nhỏ hơn, như AUD của Australia, Won Hàn Quốc và nổi bật là Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Trong một báo cáo viết cùng với IMF, Eichengreen gọi đây là “sự xói mòn ngấm ngầm vai trò thống trị của đồng USD” và cho rằng đó là “gợi ý về cách thức phát triển của hệ thống quốc tế trong tương lai”.
Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ đẩy nhanh quá trình này. Ông nói: “Đó là một thỏa thuận lớn. Việc đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga là một bất ngờ đối với tôi và hẳn cũng sẽ là một bất ngờ đối với cả Tổng thống Putin. Những vấn đề này luôn xuất hiện bất cứ khi nào các từ ‘vũ khí hóa’ và ‘đồng USD’ được nói ra. Người ta lo lắng rằng điều này sẽ làm phật lòng các ngân hàng Mỹ và làm xói mòn đặc quyền của đồng USD”.
Dư Vĩnh Định, nhà kinh tế hàng đầu thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc và là cựu cố vấn của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết, các lệnh trừng phạt cơ bản đã làm suy yếu uy tín quốc gia trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Việc rung hồi chuông báo tử với đồng USD lúc này có thể là quá sớm. Tuy nhiên, bất chấp những suy đoán về tác động của các lệnh trừng phạt, vẫn có những lý do để tin rằng, những lệnh trừng phạt này sẽ không thúc đẩy sự thay đổi về nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu - ít nhất là trong tương lai gần.