📞

Xung đột Nga-Ukraine: Trung Quốc khuyên Mỹ; EU nêu lý do cấp vũ khí cho Kiev, tính 'sờ gáy' ngành dầu mỏ Nga

Bảo Hà 17:28 | 06/04/2022
Trung Quốc cho rằng, Mỹ nên "ngừng đổ thêm dầu vào lửa", trong khi Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn chiến sự ở Ukraine kết thúc sớm nhất có thể.
Hòa đàm Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3. Trung Quốc cho rằng, Mỹ cần thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev. (Nguồn: Anadolu)

Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, Mỹ nên ngừng đổ thêm dầu vào lửa cũng như ngừng áp đặt trừng phạt Nga, nếu Washington thực sự nghiêm túc trong việc giúp giải quyết xung đột Ukraine.

Theo ông Triệu, Mỹ cần thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết, khối này mong muốn cuộc chiến ở Ukraine kết thúc sớm nhất có thể, nhưng không phải theo bất kỳ cách nào.

Phát biểu với Nghị viện châu Âu (EP), ông Borrell nói: "Nếu sẽ có một đất nước bị tàn phá, bị chia cắt về mặt lãnh thổ và bị trung lập hóa, với hàng triệu người lưu vong và hàng triệu người thiệt mạng, thì không, chúng ta không muốn cuộc chiến này kết thúc như vậy".

Theo quan chức EU, đó cũng là lý do tại sao khối này "phải tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine... Cung cấp thêm vũ khí, đó là những gì người Ukraine mong đợi ở chúng ta".

Lưu ý việc EU tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga đã mang lại cho Moscow số tiền lớn hơn nhiều lần so với khoản viện trợ tài chính mà khối này đã cung cấp cho Ukraine, ông Borrell nêu rõ: "Chúng ta đã cung cấp cho Ukraine 1 tỷ Euro, nhưng 1 tỷ Euro là số tiền Nga thu được mỗi ngày nhờ việc bán năng lượng cho chúng ta".

Cũng tại phiên họp của EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga theo gói mới nhất được công bố hôm 5/4.

Theo bà, "các biện pháp trừng phạt này sẽ không phải là biện pháp trừng phạt cuối cùng của chúng tôi. Bây giờ chúng ta phải nhắm vào dầu mỏ và doanh thu mà Nga có được từ nhiên liệu hóa thạch".

(theo Reuters, Sputnik)