Binh sĩ Ukraine chụp ảnh selfie trong khi bắn pháo ở tiền tuyến Kharkov trong cuộc xung đột với Nga, ngày 3/9. (Nguồn: AP) |
Theo người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit, trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Scholz đã thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine.
Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, giải pháp ngoại giao phải dựa trên việc ngừng bắn, rút hoàn toàn binh sĩ Nga và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.
Người phát ngôn Hebestreit nói: "Thủ tướng liên bang cũng nhấn mạnh rõ rằng, các bước sáp nhập tiếp theo của Nga sẽ không được thừa nhận và sẽ không được công nhận trong bất kỳ trường hợp nào".
Cuộc điện đàm cũng đề cập nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, trong đó Thủ tướng Scholz nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo an toàn cho công trình, tránh mọi bước leo thang và thực thi đầy đủ các biện pháp theo khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Một chủ đề nữa cũng được thảo luận trong cuộc điện đàm là tình hình lương thực toàn cầu, vốn căng thẳng do cuộc chiến ở Ukraine. Thủ tướng Đức kêu gọi Tổng thống Putin tiếp tục thực thi đầy đủ thoả thuận về ngũ cốc được Liên hợp quốc bảo trợ.
Cũng theo ông Hebestreit, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục giữ liên lạc.
Kể từ cuối tháng 5, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin không tiến hành liên lạc với nhau.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng thông tấn Ritzau, ngày 13/9, sau cuộc gặp người đồng cấp Ukraine tại Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov tuyên bố, Copenhagen đồng ý tiến hành huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ quốc gia Bắc Âu này.
Theo nguồn tin, Bộ trưởng Bodskov không cho biết cụ thể số lượng binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện, cũng như thời điểm hay địa điểm huấn luyện.
Ông Bodskov nói: "Tôi không thể đi vào chi tiết, song sẽ có sự huấn luyện cho quân nhân Ukraine ở Đan Mạch". Hiện Bộ Quốc phòng Đan Mạch chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
Hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết nước này sẽ ủng hộ một chương trình huấn luyện do Anh đi đầu với khoảng 130 binh sĩ. Copenhagen đã hỗ trợ các sứ mệnh huấn luyện của cả Anh và Canada ở Ukraine kể từ năm 2015 cũng như cung cấp vũ khí và hỗ trợ về an ninh mạng cho Kiev kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự hồi đầu năm nay.