📞

Xung đột ở Ukraine, trừng phạt kinh tế Nga-phương Tây đang làm đau thế giới, tất cả đều bị tổn thương

Hải An 15:04 | 25/07/2022
Thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Thế nhưng giờ đây, xung đột Nga-Ukraine đang đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Xung đột Nga-Ukraine đang đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trong ảnh: Người dân tập trung tại trụ sở chính của ngân hàng VTB ở Moscow, Nga, ngày 22/7, để gặp đại diện của ngân hàng, yêu cầu được hoàn trả các khoản đầu tư bị mất do các lệnh trừng phạt. (Nguồn: Reuters)

Trả đũa kinh tế

Trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chiến lược của Mỹ và phương Tây là áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Moscow. Tính đến nay, đã có tất cả 7 gói trừng phạt được triển khai.

Một trong những đòn trả đũa mạnh mẽ của phương Tây là đóng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Đường ống mới này được xây dựng từ Nga đến Bắc Âu (chủ yếu để cung cấp khí đốt cho Đức), đi qua lãnh thổ Ukraine.

Theo tính toán, nếu Đức mua khí đốt của Nga qua Nord Stream 2, giá sẽ là 270 USD/1.000 feet khối. Nhưng nếu Berlin mua khí đốt từ Mỹ, sẽ phải trả giá gần gấp 5 lần, ở mức 1.000 USD/feet khối.

Việc dừng Nord Stream 2 sẽ khiến châu Âu bị tổn thương nặng nề, đặc biệt là Đức và Pháp. Berlin đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng đường ống này và được hưởng lợi nhiều nhất, vì về mặt không gian, khí đốt của Nga gần với Đức và Tây Âu nhất.

Ngoài ra, phương Tây còn áp đặt loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm: Ngăn chặn hoàn toàn đối với các ngân hàng lớn, công ty năng lượng, công ty quốc phòng và các dự án dầu mỏ; đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga trong các ngân hàng Mỹ và châu Âu (khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 630 tỷ USD); trừng phạt các nhà lãnh đạo chủ chốt và giới tài phiệt Nga.

Phương Tây cũng loại trừ Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Bước đi này được coi là tương đương với một “quả bom hạt nhân” về kinh tế và là phương án cuối cùng.

Sự chuẩn bị của Nga

Để đề phòng hậu quả các lệnh trừng phạt, Moscow đã tích lũy khoản ngoại hối khổng lồ (630 tỷ USD) dựa trên việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dầu với giá cao.

Nga đưa ra hàng loạt biện pháp đối phó, chẳng hạn như tìm cách bán càng nhiều dầu khí cho Trung Quốc và các nước châu Á khác càng tốt.

Theo nhận định, mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây hoàn toàn không thể ngăn cản Moscow tiếp tục chiến dịch ở Ukraine.

Phương Tây bị bất ngờ. Ban đầu, các biện pháp trừng phạt kinh tế dường như đã tạo ra tác động rất lớn.

Thị trường chứng khoán Nga lao dốc và đã phải ngừng giao dịch trong một thời gian. Đồng Ruble giảm mạnh so với USD, từ 80 Ruble mua 1 USD xuống hơn 160 Ruble mua 1 USD.

Một số công ty đa quốc gia phương Tây rời thị trường Nga, gây ra tình trạng chia cắt quy mô lớn và mất việc làm.

Phương Tây tìm cách phong tỏa các ngân hàng và hệ thống tài chính để đối phó Nga. Lạm phát ở nước này tăng mạnh.

Tuy nhiên, là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, Nga chắc chắn có sự chuẩn bị, tính toán tới kịch bản chiến tranh kinh tế và đưa ra một số phương án ứng phó.

Các biện pháp phòng thủ gồm: Xây dựng kho dự trữ ngoại hối lớn; kiểm soát vốn (ngăn chặn việc di chuyển vốn khỏi đất nước); tăng lãi suất lên đến 20%; chuyển đổi vốn cưỡng bức (buộc thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble).

Các biện pháp trên đã ngăn chặn đà giảm mạnh của đồng Ruble và trên thực tế, đồng nội tệ này đã quay trở lại mức 80 Ruble mua một USD.

Nga hiểu rõ rằng châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của nước này, không chỉ để phục vụ sinh hoạt của người dân mà còn để vận hành các ngành công nghiệp luyện kim và sản xuất điện.

Moscow cung cấp gần 13% lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu. Việc ngừng bơm dòng nhiên liệu này ra thị trường một cách đột ngột chắc chắn sẽ có những tác động lớn về khả năng gián đoạn nguồn cung và đẩy giá tăng cao.

Trên thực tế, giá dầu và khí đốt tăng mạnh đã giúp Nga thu về nguồn ngân sách lớn. Chính châu Âu tiếp tục mua dầu và khí đốt của nước này và đóng góp nhiều nhất vào ngân quỹ Nga.

Khủng hoảng giá

Hiện nay, sau cú sốc Covid-19, xung đột tại Ukraine đang đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Có 7.000 tỷ USD đã “bay màu” trên thị trường chứng khoán nước này.

Các công ty kỹ thuật Mỹ bị thiệt hại lớn, ước tính tới 3.000 tỷ USD. Nền kinh tế số 1 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, lạm phát lên tới 10% và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1,4% trong hai quý đầu năm 2022.

Việc Mỹ ngừng khai thác dầu khí để chuyển sang năng lượng tái tạo cũng góp phần khiến nguồn cung dầu và khí đốt giảm, giá cả tăng lên ngay cả trước khi xung đột ở Ukraine bắt đầu.

Tuy nhiên, chính châu Âu lại đang chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến kinh tế này.

Về mặt cấu trúc, châu Âu phụ thuộc lớn vào dầu khí của Nga. Có 50% lượng dầu thô, 65% sản phẩm xăng và 90% khí đốt của Nga được chuyển đến châu Âu. Để “thoát Nga” về năng lượng, châu Âu cần một vài năm để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nền kinh tế toàn cầu đã hội nhập quá sâu và sự gián đoạn gây ra bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng khiến các nền kinh tế phương Tây bị đứt gãy.

Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch và ngô) cũng như phân bón. Ukraine cũng xuất khẩu một lượng lớn dầu hướng dương.

Từng là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, tuy nhiên, hiện nay, tất cả các bờ biển của Ukraine đều bị phong tỏa.

Kiev đã mất các cảng quan trọng Sevastopol, Mariupol và Kherson, và cảng Odessa, nơi xuất khẩu một lượng lớn ngũ cốc, đang bị hải quân Nga phong tỏa, dù ngày 22/7 vừa qua, một thỏa thuận đã được ký kết nhằm xuất khẩu lương thực qua cảng này.

Nguồn cung phân bón từ Ukraine cũng bị gián đoạn. Giá phân bón hiện trên 60 USD cho mỗi 1.000 feet khối.

Nguồn cung cấp thực phẩm và phân bón giảm có thể ảnh hưởng đến khoảng 6 tỷ người trên toàn cầu, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Khoảng 2 tỷ người có thể phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng do hậu quả của xung đột.

Nền kinh tế toàn cầu đã hội nhập quá sâu và sự gián đoạn gây ra bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga cũng khiến các nền kinh tế phương Tây bị gián đoạn. (Nguồn: Rappler)

Tác động kinh tế dài hạn

Theo dự tính, mỗi ngày, Moscow chi gần 1 tỷ USD cho chiến dịch ở Ukraine. Nghịch lý thay, điều này được bù đắp bằng việc châu Âu mua dầu và khí đốt của Nga với giá trị gần 1 tỷ USD mỗi ngày.

Nga đã áp dụng biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt, tăng lãi suất và ngừng tháo chạy vốn. Do giá năng lượng tăng cao và liên tục xuất khẩu dầu và khí đốt, Moscow có thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 95,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2022.

Các biện pháp trừng phạt đã không thể ngăn chặn hoặc thậm chí làm chậm lại chiến dịch của Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực trong dài hạn. Moscow có thể phải đối mặt với việc GDP giảm 15%.

Đối với Ukraine, ngoài thiệt hại lớn về con người, cơ sở hạ tầng cơ bản cũng bị phá hủy. Khoảng 40 thành phố và thị trấn tại nước này đã bị san bằng.

Hậu quả nặng nề nhất là Kiev mất 80% đường bờ biển và các cảng chính. Điều này đã khiến 90% lượng lúa mì và ngũ cốc xuất khẩu và 50% nguồn cung cấp năng lượng của nước này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.

Ukraine đã trở thành một quốc gia không giáp biển, dự kiến mất 40-50% GDP.

Còn với châu Âu, các lệnh trừng phạt dường như phản tác dụng. Hậu quả nặng nề là lạm phát, ở mức 8%, trong thời gian ngắn đã chạm 10%.

Châu lục này cũng phải đối mặt với giá thực phẩm, năng lượng tăng cao, khoản chi phí nhà ở, thức ăn và phúc lợi cho khoảng 5-6 triệu người tị nạn từ Ukraine; viện trợ quốc phòng, phí tái thiết sau xung đột.

Với toàn cầu, xói mòn niềm tin vào quản trị tài chính, khả năng phi hạt nhân hóa thương mại dầu mỏ, giá năng lượng tăng sẽ dẫn đến lạm phát cao và có thể xảy ra suy thoái, nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực và nạn đói.

Trong khi đó, các gói kích thích kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã hạn chế nghiêm trọng không gian tài chính để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào.

(theo sundayguardianlive.com)