Xe quân sự của lực lượng giữ gìn hòa bình Nga di chuyển tới thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực xung đột Nagorno-Karabakh ngày 14/11. (Nguồn: AFP) |
Trong một cuộc họp về Nagorno-Karabakh ngày 20/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang giám sát hiệu quả lệnh ngừng bắn ở khu vực xung đột này và tình hình tại đây ổn định.
Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta đang giám sát hiệu quả lệnh ngừng bắn, và cả hai bên đều tuân thủ cơ chế này. Tình hình nhìn chung đã ổn định”.
Ông cũng nhấn mạnh việc giải quyết các cuộc xung đột như Nagorno-Karabakh có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga.
Theo Tổng thống Putin, các phái đoàn của Nga sẽ sớm được cử đến Armenia và Azerbaijan để thảo luận việc thực hiện tuyên bố 3 bên mà lãnh đạo các nước đã đạt được ngày 9/11 vừa qua, đồng thời hy vọng các cuộc tham vấn sắp tới sẽ giúp đạt được tiến bộ thực sự về vấn đề này.
Tổng thống Putin cũng cho biết hoạt động nhân đạo của Nga sẽ mang lại lợi ích cho cả Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) noi theo Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) và tích cực hoạt động hơn nữa tại Nagorno-Karabakh.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov cho biết nước này đã tăng cường lực lượng biên phòng ở Armenia, đồng thời đảm bảo thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh.
Ông Bortnikov thông báo với Tổng thống Putin tại một hội nghị trực tuyến rằng việc triển khai thêm lính biên phòng nói trên được thực hiện theo yêu cầu của Armenia nhằm duy trì hòa bình ở Nagorno-Karabakh. Sứ mệnh này có sự tham gia của 188 binh sỹ cùng khí tài quân sự. Theo một điều khoản trong hiệp ước năm 1992, lính biên phòng Nga đồn trú tại Armenia sau khi Liên Xô tan rã.
Nga đã triển khai gần 2.000 binh sỹ gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh trong hai tuần qua sau khi thỏa thuận hòa bình 3 bên đã chấm dứt hơn một tháng giao tranh giữa các lực lượng Azerbaijan và Armenia.
Trong khi đó, theo thông cáo báo chí ngày 20/11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đề nghị cử một phái đoàn đến Nagorno-Karabakh để giúp bảo vệ các địa danh văn hóa ở đó. Bà Azoulay cũng đã gặp đại diện của Armenia và Azerbaijan.
Thông cáo báo chí cho biết bà Azoulay đã chính thức đề xuất UNESCO hỗ trợ kỹ thuật. Với sự nhất trí của tất cả các bên liên quan, các quan chức của UNESCO sẽ thực hiện một chuyến công tác sơ bộ nhằm lập một bản kiểm kê các tài sản văn hóa quan trọng nhất, như một điều kiện tiên quyết để bảo vệ hiệu quả các di sản của khu vực.
Đầu tuần này, các chuyên gia văn hóa hàng đầu của Nga đã gửi thư ngỏ cho UNESCO đề nghị đưa các di tích tại Nagorno-Karabakh vào danh sách di sản thế giới để cứu những di tích này trước nguy cơ bị phá hủy trong xung đột.
Tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh có rất nhiều di sản văn hóa và công trình kiến trúc Cơ đốc giáo, trong số đó có một tu viện từ thế kỷ IX ở Kalbajar, một nhà thờ xây dựng từ thế kỷ XIII ở Hadrut, pháo đài Tigranakert được xây dựng vào thế kỷ I trước Công nguyên, khu định cư cổ Tigranakert.