📞

Xung quanh bản quyền vaccine Covid-19: Vẫn là bài toán khó giải

SƠN TRÀ 14:26 | 13/05/2021
Quyết định của Mỹ về việc ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19 được nhiều người ủng hộ nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc này không giúp cải thiện khả năng tiếp cận vaccine của các nước đang phát triển.
Một địa điểm tiêm vaccine Covid-19 tại Los Angeles, Mỹ (Nytimes)

Ước vọng chia sẻ công nghệ

Trong hơn 3 thập niên là nghị sĩ quốc hội, Thượng nghị sĩ Brazil Paulo Paim luôn là tiếng nói đại diện cho những người nghèo. Ông Paim đã đề xuất các đạo luật thiết lập mức lương tối thiểu và đảm bảo sự bình đẳng cho người da đen và người khuyết tật.

Ông Paim nói: “Tôi năm nay 71 tuổi và đã chiến đấu trên nhiều mặt trận. Nhưng không mặt trận nào quan trọng hơn cuộc chiến này”.

Thông điệp của Nghị sĩ Paim được in bằng chữ màu xanh lam trên chiếc áo phông trắng mà ông đang mặc: “Từ bỏ bằng sáng chế sẽ cứu lấy sinh mạng con người!”.

Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Hơn 400.000 người đã thiệt mạng ở Brazil trong khi chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc đang diễn ra chậm chạp. Chỉ chưa đầy 10% dân số Brazil được tiêm chủng đầy đủ. Do nguồn cung hạn chế, nhiều thành phố lớn đã tạm dừng việc tiêm liều vaccine thứ hai trong những ngày gần đây.

Brazil không phải là quốc gia duy nhất rơi vào tình trạng trên. Toàn bộ khu vực châu Mỹ Latinh đang thiếu hụt vaccine, giống như ở châu Phi và Ấn Độ, nơi đang phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm chưa từng thấy.

Ông Paim chỉ vào chiếc áo phông của mình và nói: “Chỉ có một con đường thoát khỏi thảm họa này. Cần phải tăng cường năng lực sản xuất trên khắp thế giới và thúc đẩy sản xuất vaccine. Để làm được điều đó, các công ty dược phẩm phải chia sẻ kiến thức và công nghệ của họ để các quốc gia như Brazil có thể tự sản xuất với số lượng lớn”.

Hiện nhiều quốc gia giàu có sở hữu lượng vaccine dồi dào đang trên đà quay trở lại trạng thái bình thường tương đối. Các quan chức đã bắt đầu nói về việc triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm chủng bắt đầu từ năm 2022.

Ở các quốc gia nghèo hơn và thiếu hụt vaccine, đại dịch có vẻ như sẽ kéo dài đến năm 2023 hoặc thậm chí là năm 2024. Những đợt phong tỏa, đóng cửa trường học, khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp hàng loạt, cùng với hàng nghìn người thiệt mạng vẫn là kịch bản không phải không xảy ra.

Chừng nào virus SARS-CoV-2 còn lây lan, nó sẽ tiếp tục tạo ra các biến thể mới có thể gây hậu quả thảm khốc cho toàn thế giới, ngay cả với những người đã được tiêm chủng.

Quyết tâm biến ước vọng thành hiện thực

Ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế muốn tạm thời giành quyền kiểm soát bằng sáng chế vaccine từ tay các công ty dược phẩm. Họ hy vọng rằng việc sản xuất vaccine có thể được mở rộng nhanh chóng mà không phải lo lắng về quyền sở hữu trí tuệ, phí cấp phép hoặc các thách thức pháp lý.

Những người ủng hộ việc tạm thời miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19 đưa ra ví dụ dẫn chứng về đại dịch HIV/AIDS. Khi liệu pháp điều trị kháng virus HIV (ARV) xuất hiện trên thị trường ở các nước giàu vào những năm 1990, nó gần như ngay lập tức ngăn chặn các ca tử vong do AIDS. Nhưng mức giá cao của phương pháp điều trị này khiến nó trở nên khó tiếp cận đối với các bệnh nhân HIV ở châu Phi và hầu hết các nước nghèo khác, nơi hàng triệu người sau đó đã tử vong.

Tháng 11/2001, một chiến dịch quốc tế chống lại sự bất bình đẳng này cuối cùng đã có kết quả. Kể từ khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đưa ra Tuyên bố Doha, việc sao chép và bán thuốc điều trị HIV/AIDS ở hơn 50 quốc gia nghèo đã được hợp pháp hóa. Chi phí điều trị bình quân đầu người giảm 99% ở nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi, giúp các bệnh nhân có thể chi trả cho phương pháp điều trị này.

Kể từ đó, Brazil thậm chí còn cung cấp miễn phí thuốc điều trị HIV/AIDS.

Ấn Độ và Nam Phi đang yêu cầu áp dụng nguyên tắc tương tự đối với vaccine phòng Covid-19. Hai nước này đã đệ đơn lên WTO vào tháng 10/2020. Đại hội đồng WTO đã thảo luận về vấn đề này trong tháng 5/2021 tại Geneva, nhưng sự đồng thuận cần thiết để đáp ứng yêu cầu này dường như nằm ngoài tầm với cho đến khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tuyên bố thay đổi lập trường một cách ngoạn mục vào ngày 5/5.

Sự hoài nghi từ ngành dược phẩm

Các công ty dược phẩm tỏ ra không hài lòng với quyết định này. Trong nhiều tháng, các công ty đi đầu trong ngành sản xuất vaccine đã nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể tiếp tục các dự án nghiên cứu lâu dài nếu kiếm được tiền từ chúng. Họ cho rằng việc rút lại bản quyền sẽ không khuyến khích đầu tư vào các dự án nghiên cứu lâu dài và có thể làm chậm các tiến bộ y tế.

Với hàm ý hăm dọa, Hiệp hội các công ty dược phẩm dựa trên nghiên cứu ở Đức cảnh báo rằng nếu không có bảo hộ bằng sáng chế, các nhà sản xuất ban đầu sẽ không còn động lực sản xuất vaccine nhanh nhất có thể để phân phối trên toàn thế giới.

Một số nhà kinh tế đồng ý với họ. Họ cho rằng thế giới nên trợ cấp thêm cho các công ty dược phẩm để sản xuất thêm vaccine. Họ cho rằng một cơ chế khuyến khích như vậy sẽ hiệu quả hơn việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế.

Dù bị nhận những chỉ trích về việc sản xuất vaccine chậm chạp nhưng những thành quả thời gian qua của các công ty sản xuất vaccine cũng đã là một kỳ tích. Theo các nhà phân tích của công ty tư vấn Airfinity có trụ sở tại London, các công ty dược phẩm đã cung cấp 1,3 tỷ liều vaccine chỉ nửa năm sau khi loại vaccine đầu tiên được phê duyệt khẩn cấp.

Họ cũng thể hiện một mức độ linh hoạt khác thường khi ký hơn 150 hợp đồng với các nhà sản xuất bên ngoài để mở rộng sản xuất.

Ví dụ, vaccine AstraZeneca đang được sản xuất ở Ấn Độ, Brazil và Argentina. Gã khổng lồ dược phẩm Sanofi của Pháp đang hỗ trợ Moderna và BioNTech đóng gói vaccine. Công ty hóa chất đa quốc gia Bayer, vốn không có kinh nghiệm sản xuất vaccine, đang hỗ trợ công ty Curevac có trụ sở tại Tübingen sản xuất và giao hàng.

Khoảng cách từ mong muốn đến thực thi

Nhưng không phải mọi biện pháp có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau.

Năm 2020, Moderna thông báo họ sẽ không thực thi các quyền về bằng sáng chế của mình trong thời gian xảy ra đại dịch. Hãng Moderna nhận được “cơn mưa” lời ca ngợi nhưng có vẻ những lợi ngợi khen đến hơi sớm.

Cho đến nay, Moderna vẫn chưa làm được gì nhiều để chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine mRNA với các công ty khác.

Matt Linley, một nhà phân tích của Airfinity, cho biết: “Nếu không có hướng dẫn và chuyên môn thích hợp, khả năng tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ không có nghĩa là vaccine sẽ được sản xuất nhiều hơn”.

Đây là trở ngại chính, đặc biệt trong sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA, vốn đã được chứng minh là có hiệu quả cao và có thể được sản xuất nhanh chóng với số lượng lớn, chí ít là trên lý thuyết.

Điều đó xuất phát từ thực tế rằng việc sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA rất phức tạp. Đây là loại vaccine hoàn toàn mới và thế giới thiếu nhân lực có chuyên môn về chu trình sản xuất và thành phần liên quan. Trái ngược với các phương pháp điều trị AIDS, chỉ đăng công thức trên mạng Internet là chưa đủ.

Ví dụ, vaccine BioNTech-Pfizer do Mỹ sản xuất cần 280 thành phần của 86 nhà cung cấp tại 19 quốc gia. Tất cả những thành phần đó chỉ có thể được kết hợp để tạo ra vaccine hiệu quả khi chúng được vận chuyển đến đúng địa điểm, đúng thời điểm và có chất lượng tốt. Chỉ một sai sót trong quá trình sản xuất sẽ khiến toàn bộ lô vaccine bị loại bỏ.

Công việc đấu tranh của Thượng nghị sĩ Paulo Paim để các công ty dược phẩm chia sẻ kiến thức và công nghệ để các quốc gia đang phát triển có thể sản xuất vaccine với số lượng lớn rất đáng để ca ngợi và khuyến khích.

Nhưng sự dè dặt của các công ty dược phẩm và nhiều nhà chuyên môn cũng có cái cái lý của họ.

(theo Der Spiegel)