Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad trong chuyến thăm hữu nghị Ấn Độ, ngày 2/5/1958. (Ảnh tư liệu) |
Năm nay đánh dấu 70 năm diễn ra Hội nghị Geneva, kết quả của Hội nghị đã mang lại một sự thay đổi lớn, đánh dấu mốc thành công trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc của các quốc gia Đông Dương. Ấn Độ không phải là thành viên của Hội nghị Geneva nhưng là nước tham gia tích cực, góp phần đạt được thỏa thuận.
Trước khi giành được độc lập, Ấn Độ coi cuộc đấu tranh giành tự do của mình là một phần không thể thiếu trong cuộc đấu tranh lớn hơn của các quốc gia khác chống lại sự thống trị của thực dân. Với sự kết nối sâu sắc về mặt lịch sử và văn minh giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Dương, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ tình đoàn kết đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia này.
Điều này được thể hiện rõ ràng qua sự ủng hộ của Ấn Độ về mặt chính trị dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc. Ấn Độ làm chủ tịch Ủy ban quốc tế về thực thi Hiệp định Geneva nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Việt Nam.
Nhà quan sát có ảnh hưởng
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Liên Xô tổ chức tại Berlin từ ngày 25/1-18/2/1954, quyết định tổ chức hai hội nghị tại Geneva từ ngày 26/4; một về vấn đề Triều Tiên và một về Đông Dương. Ấn Độ cũng quan tâm tích cực đến những diễn biến ở Đông Dương vì nó có tác động tới an ninh của nước này. Ấn Độ hoan nghênh hội nghị Berlin vì đây là nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán thay vì biện pháp quân sự. Phát biểu tại Quốc hội Ấn Độ vào tháng 4/1954, Thủ tướng Nehru kêu gọi ngừng bắn và đề nghị đối với xung đột cần “…nỗ lực ngăn chặn sự mở rộng và tăng cường…” đồng thời thúc đẩy các xu hướng để có thể đạt được một giải pháp hòa bình.
Ấn Độ đề xuất kế hoạch sáu điểm kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức; bảo đảm độc lập hoàn toàn cho tất cả các nước Đông Dương; đàm phán trực tiếp giữa Pháp, các nước liên kết và Việt Minh; và không can thiệp từ bên ngoài dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Thành viên phái đoàn Việt Minh dự Hội nghị Geneva hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nehru. Nhận được các phản ứng thuận lợi, Thủ tướng Nehru đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa bình và đàm phán, những điều cần thiết để giúp giảm căng thẳng quốc tế.
Ấn Độ kêu gọi tổ chức Hội nghị Colombo tại Kandy (Srilanka) họp ngày 28/4/1954 và kết thúc ngày 2/5. Thủ tướng của 5 quốc gia châu Á - Myanmar (lúc đó là Miến Điện), Sri Lanka (lúc đó là Ceylon), Ấn Độ, Indonesia và Pakistan - đã gặp nhau để trao đổi quan điểm và thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Đông Dương. Các đại biểu dự hội nghị đã nhất trí hoàn toàn ở một điểm, đó là chủ nghĩa thực dân phải bị loại bỏ khỏi Đông Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru cùng các thành viên của Ủy ban Giám sát Quốc tế Đông Dương, gồm các đại diện từ Ấn Độ, Canada và Ba Lan, trong một cuộc họp tại New Delhi. (Nguồn: Gettyimages) |
Thông cáo ban hành ngày 2/5 liên quan đến vấn đề Đông Dương, hoan nghênh những nỗ lực nghiêm túc được thực hiện tại Geneva nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề thông qua đàm phán, và hy vọng rằng thông qua thảo luận sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình. Họ cho rằng giải pháp cho vấn đề Đông Dương đòi hỏi phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Các Thủ tướng cảm thấy rằng giải pháp cho vấn đề đòi hỏi phải đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan chủ yếu là Pháp, ba nước Đông Dương và Việt Minh, cũng như các bên khác được mời theo thỏa thuận.
Kế hoạch được thông qua tại Hội nghị Colombo của Ấn Độ đã chuẩn bị cho nước này một vai trò trong Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu vào tháng 4/1954. Ấn Độ không phải là khách mời mà tham gia Hội nghị Geneva với tư cách quan sát viên khi vào ngày 22/5, nhà ngoại giao Ấn Độ V K Krishna Menon đến Geneva tham gia các cuộc đàm phán không chính thức.
Hội nghị khai mạc ngày 26/4/1954 và đến ngày 8/5, trọng tâm Hội nghị chuyển sang thảo luận các vấn đề ở Đông Dương khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa Việt Nam ngày 7/5 đã đánh bại quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông tại Điện Biên Phủ. Ấn Độ đã trở thành một thành viên có ảnh hưởng tại Hội nghị Geneva và thông qua các nỗ lực ngoại giao của mình đã đóng một vai trò quan trọng như một cầu nối giữa các phái đoàn. Sau nhiều tuần đàm phán tại phiên họp toàn thể lần thứ tám và phiên cuối cùng về Đông Dương diễn ra vào ngày 21/7 đã giúp lập lại hòa bình với ba hiệp định riêng biệt – một hiệp định cho mỗi quốc gia Đông Dương.
Ý nghĩa đối với quan hệ Ấn Độ-Việt Nam
Hiệp định được ký ngày 20/7/1954 đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Sau đó, ngày 21/7/1954, các bên tham gia đã cùng đồng thuận đưa ra Tuyên bố cuối cùng về Hội nghị Geneva. Trong Hiệp định chấm dứt chiến sự ở Việt Nam do Pháp và Việt Nam DCCH ký kết, hai bên nhất trí ngừng bắn ngay lập tức, độc lập cho Việt Nam và tạm thời chia đất nước thành hai khu vực tách biệt với một khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17. Hai bên nhất trí không đưa thêm quân nước ngoài vào Việt Nam, không trả thù cựu chiến binh phía đối phương và tổ chức tổng tuyển cử trong vòng hai năm để thành lập chính phủ cho một nước Việt Nam thống nhất.
Để giám sát việc thực hiện các điều khoản này và theo dõi việc vi phạm chúng, Hiệp định có điều khoản thành lập một Ủy ban hỗn hợp cho Việt Nam với các đại diện từ Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn nữa, để thực hiện hiệu quả, Hiệp định cũng quy định thành lập Ủy ban Giám sát quốc tế (ISC). Điều 34 quy định việc thành lập ISC bao gồm các đại diện từ Canada, Ba Lan và Ấn Độ để giám sát việc thực hiện Hiệp định.
Tiến sĩ Temjenmeren Ao, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar (IDSA). |
Trong số các nước Đông Dương, Việt Nam đóng vai trò lớn hơn và quan trọng hơn về mặt chiến lược. Ấn Độ luôn ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ hoan nghênh việc thành lập nước Việt Nam DCCH vào năm 1945. Từng trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập dưới ách thống trị của ngoại bang, Ấn Độ tích cực ủng hộ quyết tâm giải phóng của Việt Nam. Ấn Độ duy trì quan hệ cấp lãnh sự quán với cả Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam và sau đó thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam vào ngày 7/1/1972.
Thủ tướng Jawaharlal Nehru có chuyến thăm lịch sử tới Hà Nội vào tháng 10/1954, sau Hiệp định Geneva được ký kết. Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 2/1958 mở ra một chương mới trong quan hệ. Với tư cách là thành viên ISC, Ấn Độ tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi sớm giải quyết xung đột ở Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Geneva.
Ấn Độ tiếp tục ủng hộ chính sách một Việt Nam như Ngoại trưởng Swaran Singh đã nêu tại Quốc hội Ấn Độ ngày 26/4/1972. Ấn Độ hoan nghênh chiến thắng của Việt Nam và công nhận sự thống nhất của Việt Nam vào năm 1976, điều này giúp quan hệ song phương có được chỗ đứng mới vững chắc.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ và đặc biệt sau khi Việt Nam thống nhất, hai nước hợp tác sâu rộng hơn nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện và lâu dài. Hơn nữa, chính sách mở cửa được Việt Nam khởi xướng năm 1986 và chính sách hướng Đông do Ấn Độ đưa ra năm 1994 đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của cả hai quốc gia và tạo cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Các nguyên lý trung tâm của mối quan hệ vẫn hướng tới thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong và ngoài khu vực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ tại Hà Nội vào ngày 16/10/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam tiếp tục phát triển trong bối cảnh môi trường địa chính trị và địa kinh tế đang thay đổi. Quan hệ đối tác song phương dựa trên sự hợp tác chung và bền vững tạo thuận lợi cho hai bên thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007, sau đó nâng cấp lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016.
Quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực hợp tác. Cả Ấn Độ và Việt Nam vẫn duy trì cam kết xây dựng một cấu trúc khu vực cởi mở, hiệu quả và dựa trên luật lệ. Ngày nay, mối quan hệ đối tác này bao gồm thương mại và đầu tư, hợp tác năng lượng, an ninh và quốc phòng, hỗ trợ phát triển, ủng hộ về mặt chính trị và giao lưu nhân dân. Ngoài ra còn tập trung vào sự hợp tác lớn hơn dựa trên sự phát triển của công nghệ mới, sáng tạo và số hóa để mang lại khả năng quản trị tốt và trao quyền cho người dân.
Với những mối liên hệ lịch sử và cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân, cả hai quốc gia trong quá khứ thường đứng về cùng một phía thông qua sự tham gia tích cực vào Phong trào Không liên kết, Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á-Phi và sự coi trọng nền tảng hòa bình ở Việt Nam dựa trên cơ sở thực hiện Hiệp định Geneva.
Sự tham gia chủ động này thông qua các cấu trúc đa phương khác nhau và việc duy trì cam kết với hiệp định Geneva cho thấy sự tương đồng về các nguyên tắc được chia sẻ giữa hai quốc gia. Kinh nghiệm trong quá khứ này đã giúp củng cố mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam trong tương lai.
| Một mốc son lịch sử của nền Ngoại giao Việt Nam Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong ... |
| Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva Sáng nay, 25/4, Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024) chính ... |
| Vai trò của lực lượng vũ trang đối với thành công của Hiệp định Geneva Cách đây 70 năm, thành công của Hội nghị Geneva khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang, không chỉ trên mặt trận quân ... |
| Hiệp định Geneva và triết lý đối ngoại mang đậm bản sắc ‘cây tre Việt Nam’ Thắng lợi của Hiệp định Geneva 1954 là một trong những thực tiễn sinh động cùng với truyền thống lâu đời của ngoại giao Việt ... |
| ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Hiệp định Geneva - sức mạnh mềm trong đối ngoại Việt Nam Việc đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva 70 năm trước có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng Việt Nam, để lại ... |