Cho đến giữa tháng 9, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã ở mức 12 triệu %. Theo Reuters, chỉ số đó trong tháng 6 là 11,27 triệu % và có nghĩa là giá cả sau một năm đã tăng gấp 100.000 lần. Chi phí gia tăng đang buộc những người bán lẻ phải tăng giá nhiều lần trong ngày. Hàng hóa được mua bán bằng những tờ giấy bạc có giá trị hàng trăm triệu ZWD. Giá những mặt hàng nhu yếu phẩm như bánh mì tăng đến 30-40% mỗi ngày. Cứ cách 3 ngày, một khách sạn 3 sao ở Thủ đô lại tăng giá phòng lên 300%, lần tăng gần đây là từ 4.000 tỷ ZWD lên 10.000 tỷ ZWD. Vào tháng 5/2008, ngân hàng trung ương đã phát hành loại tiền giấy 500 triệu ZWD, trị giá khoảng 2 USD vào thời điểm đó. Điều này hoàn toàn tương phản với tình hình năm 1980, khi 1 ZWD có giá trị hơn 1 USD.
Lỗi hệ thống
Cách nay chưa lâu, Zimbabwe còn là vựa lúa mì của châu Phi. Sau khi các điền chủ người da trắng bị đuổi khỏi nước này, Zimbabwe đã thiếu hầu hết mọi thứ hàng tiêu dùng, trầm trọng nhất là nhiên liệu và thực phẩm. Năm nay là năm thứ 10, Zimbabwe chìm trong suy thoái. Thu nhập ròng năm ngoái ở mức âm 6%, nay chắc hẳn còn tồi tệ hơn. Nước này không thể in tiền, họ chỉ tăng thêm nhiều số 0 vào giá trị của tiền tệ một cách thiếu suy nghĩ. Lạm phát siêu phi mã cứ thế lồng lên và ngân hàng nước này buộc áp dụng biện pháp bỏ đi 10 số 0 trong giá trị của mỗi tờ bạc giấy. Từ 1/8, cứ 10 tỷ ZWD chỉ còn ăn 1 USD. Cùng với đó là đưa trở lại chu chuyển tiền xu vốn bị cấm sử dụng từ năm 2002. Những người còn giữ được đồng xu cũ bỗng chốc giàu lên.
Thế nhưng, mọi thứ trở thành mây khói bởi lạm phát cứ tăng cao. Người dân muốn mua một lát bánh mì phải trả cả một cốc đựng tiền xu. Một nhà kinh tế Zimbabwe yêu cầu giấu tên cho biết: “Cái mà chúng tôi cần bây giờ là nguồn tiền từ bên ngoài, sự ổn định chính trị và tiến hành cải cách cơ cấu trong ngành năng lượng”.
Về việc gạch bỏ 10 số 0 trong giá trị tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này cho biết: Sở dĩ phải làm vậy vì các hệ thống điện tử và quầy thanh toán không đủ sức để tính toán các phép tính lên đến hàng tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ. Việc lưu hành đồng tiền có giá trị bớt đi 10 số 0 được chính quyền giải thích là một biện pháp chống lại khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, người dân lại cho rằng điều này chứng tỏ Chính phủ không còn kiểm soát được tình hình. Một người bán hàng phát biểu với Reuters : Chính quyền giả vờ như mọi chuyện đều ổn trong khi đất nước đang lâm nguy. Những tờ giấy bạc mới có giá 1 ZWD đến 500 ZWD sẽ cùng lưu hành với các đồng tiền cũ cho đến cuối năm nay.
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc Chính phủ phải đàm phán với phong trào chống đối để chia sẻ quyền lực. Tổng thống Robert Mugabe cho rằng sở dĩ đất nước bất ổn là do mưu đồ của những kẻ lũng đoạn quốc tế. Trong khi đó, giới chuyên gia lại cho rằng nguyên nhân là do lãnh đạo nước này trục xuất những người da trắng và lấy tài sản của họ để chia cho dân bản địa. Theo nhà kinh tế hàng đầu của châu Phi John Robertson, đồng bạc mới không hề có ảnh hưởng tốt đẹp gì đối với Zimbabwe đang lâm nạn. Cái mà nước này cần là phải thay đổi chính sách, thay đổi cách đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài và thực sự tôn trọng quyền sở hữu của cá nhân.
Những tuần qua, các lực lượng chính trị ở Zimbabwe đã có một số thỏa hiệp với hy vọng sẽ cứu nước này khỏi bờ vực suy sụp.
Tuyết Mai