TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Ted Osius và một chuyến đi, nhiều điểm đến ở Phú Thọ | |
Đại sứ Mỹ đạp xe thăm Hà Giang |
Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Ted Osius đã có buổi trò chuyện ấm áp cùng phóng viên báo chí, chiều ngày 2/11.
Điều gì khiến Đại sứ ấn tượng nhất trong những năm sống và làm việc tại Việt Nam, với ông cuộc sống ở Việt Nam có gì khác biệt?
Thuận lợi của tôi khi là Đại sứ tại đất nước các bạn là tôi khá am hiểu về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt, đồng thời, tôi cũng vô cùng tôn trọng những điểm đó. Việc đảm nhiệm cương vị Đại sứ khiến tôi hài lòng, hạnh phúc. Có thể nói, tôi muốn đến Việt Nam làm việc hơn bất cứ nơi nào khác.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Ted Osius đến chào từ biệt ngày 31/10. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước quyết tâm phát triển quan hệ song phương và đã làm việc liên tục với nhau trong những năm qua để xây dựng lòng tin từ hai phía trên cơ sở Đối tác toàn diện. Tôi muốn chia sẻ một hình ảnh mang tính biểu tượng cho quan hệ hai nước. Đó là khi đi khắp nơi, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay bất kỳ nơi nào ở Việt Nam, những người đi xe máy không nhìn bên trái, bên phải và càng không nhìn về phía sau, họ luôn nhìn thẳng về phía trước. Điều đó cho thấy người dân Việt Nam luôn luôn hướng về tương lai, không bị ảnh hưởng bởi quá khứ. Tôi ngưỡng mộ họ về điều đó.
Trong những năm qua,đâu là điều khiến Đại sứ cảm thấy hài lòng cũng như điều Đại sứ còn trăn trở?
Tôi đã có cơ hội đạp xe tới rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, tới Hà Giang, Thái Nguyên, Huế, Cần Thơ, Đà Nẵng,… tôi đã đặt chân tới cực Bắc và thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thành mong muốn đặt chân tới cực Nam khi làm việc tại miền Nam Việt Nam. Tôi muốn cùng gia đình tới tới Bến Tre, Côn Đảo…
Việc tôi còn trăn trở liên quan tới Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Tòa nhà Đại sứ quán tại Láng Hạ, đã được xây dựng từ 22 năm trước, chúng tôi luôn mong muốn xây dựng một toà nhà đẹp hơn, có kiến trúc nổi bật, là biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Tôi là Đại sứ thứ 6 của Mỹ tại Việt Nam và hiện công việc này chưa hoàn tất, tôi hy vọng Đại sứ thứ 7 tại Việt Nam sẽ hoàn thành được công việc này.
Làm việc cùng các nhà ngoại giao Việt Nam, với Đại sứ hẳn sẽ rất nhiều điều thú vị.
Thời gian của tôi được chia đều cho các hoạt động, gặp gỡ với các lãnh đạo Việt Nam, gặp gỡ công chúng, tham gia các hoạt động ngoại giao. Tôi gặp gỡ các bạn học sinh, sinh viên, các bạn ấy quan tâm tới rất nhiều vấn đề và đưa ra nhiều câu hỏi khó. Tôi từng có thời gian ngắn làm giáo viên và yêu thích công việc này, tôi hy vọng có thể tái duyên với công việc này vào thời gian tới.
Theo tôi, Việt Nam hiện có chất lượng ngoại giao đẳng cấp thế giới khi tăng cường hoạt động ngoại giao trong những năm vừa qua, điển hình như việc đăng cai Năm APEC 2017 ở nhiều thành phố khác nhau. Đây là dịp Việt Nam cho thế giới thấy sự năng động của của mình. Tới đây, không chỉ tôi, người vốn đã yêu thích Việt Nam, càng nhiều người sẽ dành tình yêu mến cho đất nước các bạn. Nền ngoại giao Việt Nam cũng luôn luôn hướng về phía trước, luôn đặt câu hỏi phải tiếp tục làm việc với nhau trong những lĩnh vực gì để phát triển mối quan hệ. Sự thực tế có trong các nhà ngoại giao Việt Nam là điều mà người Mỹ chúng tôi rất thích.
Đại sứ có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch của mình trong tương lai?
Tôi rất yêu Việt Nam và gia đình tôi sống rất vui vẻ tại đây. Vừa qua, tôi đã có cuộc gặp gỡ với các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tôi thấy mình không phải là Đại sứ Mỹ duy nhất muốn ở lại với đất nước này. Tôi muốn tiếp tục nuôi dạy những đứa con của mình tại nơi chúng đã lớn lên từ nhỏ.
Mặt khác, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình, vì vậy, giáo dục đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tôi muốn đóng góp vào sự phát triển giáo dục của Việt Nam, trong đó các sinh viên được tự do đặt câu hỏi về các vấn đề họ quan tâm, được khuyến khích tham gia vào quá trình đổi mới, sáng tạo. Tôi tin rằng chất lượng giáo dục tăng lên sẽ đóng góp vào tương lai Việt Nam thịnh vượng, mạnh mẽ và độc lập hơn. Khi tôi nhận được lời mời tham gia vào việc phát triển giáo dục Việt Nam, tôi đã nhận lời ngay lập tức. Tôi sẽ tới thành phố Hồ Chí Minh vào 2/1 năm tới và bắt đầu công việc với vai trò Phó Chủ tịch của Đại học Fulbright Việt Nam, đồng thời là Giám đốc của chương trình “Các thử thách lớn” của Đại học Fulbright.
Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ - Đại sứ Lê Văn Bàng từng nói rằng quan hệ hai nước được hàn gắn dựa trên lòng nhân đạo. Theo ông, đâu là yếu tố để quan hệ hai nước khăng khít như hiện tại?
Đại sứ Lê Văn Bàng đối với tôi là người hùng. Tôi cho rằng điểm mấu chốt đối với quan hệ song phương đó là lòng tin, chúng ta đã học cách xây dựng lòng tin với nhau và dựa vào nhau. Thêm nữa, chúng ta cần thành thực với quá khứ, từ đó mở ra một loạt cơ hội mới cho tương lai như vấn đề dioxin, vật liệu chưa phát nổ.
Xin cám ơn Đại sứ và chúc Đại sứ tiếp tục thành công ở Việt Nam!
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius chào từ biệt Ngày 31/10, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại ... |
Ông Daniel Kritenbrink trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ngày 26/10, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua việc bổ nhiệm ông Daniel Kritenbrink làm Đại sứ Mỹ mới tại Việt Nam, thay ... |