VTIN LIÊN QUAN | |
Facebook tăng gấp đôi lợi nhuận trong Quý IV/2016 | |
Bạo lực học đường: Phòng bệnh hơn chữa bệnh? |
TS. Đặng Hoàng Giang |
Tha thứ không phải ủng hộ, che giấu cái sai
Theo TS. Giang, tiềm năng của mạng xã hội là cực lớn. Mạng xã hội là diễn đàn nơi mọi thứ được truyền đạt ở đấy. Một giáo viên cũng có thể post ảnh học sinh phải qua sông, qua suối bằng túi ni long và sau đấy thì chính quyền can thiệp và thay đổi. Đó là mặt tốt của mạng xã hội.
Tuy nhiên, gần đây nhiều mặt tiêu cực của mạng xã hội đang lấn lướt, nên tiềm năng dân chủ có nguy cơ bị phá hủy. Nhiều người sợ không dám lên mạng, một chuyện nhỏ cũng trở thành cuộc “thánh chiến”.
TS. Giang cho rằng, công nghệ và mạng xã hội hiện nay rất quan trọng trong cuộc sống. Nó lan tỏa rất nhanh và đang kiểm soát chúng ta. Nếu không tỉnh táo, chính chúng ta lại trở thành nô lệ của nó và ngược lại.
“Chúng ta nghĩ rằng bây giờ văn minh hơn, nhưng thực tế tác động của mạng xã hội đã chạm đến những cái xấu xí bên trong chúng ta. Chúng ta có thể hỉ hả, sung sướng khi cô bảo mẫu Thiên Lý bị phạt tù, bị lôi ra để chúng ta cười đùa, làm những hình minh họa. Chúng ta không biết đằng sau số phận một cô gái 19 tuổi nhân phẩm bị chà đạp như thế nào? Chính vì công nghệ tách biệt giữa mình và nạn nhân, sự vô danh, ẩn danh của mình làm chúng ta quên mất người kia là một con người. Nó làm cho chúng ta không kiềm chế được yếu tố xấu xí trong mình” - TS. Giang trăn trở.
Nếu hiểu sai về tha thứ thì chiến lược sống của chúng ta cũng sẽ bị sai. Anh tự bạch: “Tôi nghĩ rằng khi mình ý thức được chiến lược ấy thì sẽ tự vỡ vạc ra nhiều điều, tự thuyết phục mình rằng có nên tha thứ hay không?”.
"Thông thường nhiều người cho rằng tha thứ là chúng ta xuê xoa, bỏ qua cái xấu, cái hại, coi như nó không tồn tại. Đó là cách hiểu tha thứ sai lầm. Tha thứ không phải là ủng hộ, che giấu, chấp nhận cái sai, cái xấu. Tha thứ tức là có ý thức về nó nhưng mà không mang trong mình lòng hận thù, sự căm ghét. Nạn nhân của một vụ hiếp dâm nếu như không tha thứ được thì nó sẽ theo cô ấy cả đời. Nó sẽ phá hủy cuộc đời cô ấy, sẽ là ung nhọt trong cuộc đời cô ấy, kể cả khi kẻ đó đã vào tù. Mang ung nhọt ấy trong người và nạn nhân ấy có thể sẽ truyền cả cho đời con của mình", TS. Giang phân tích.
TS. Đặng Hoàng Giang tại buổi ra mắt cuốn sách "Thiện, Ac và Smartphone". (Ảnh: Phong Thu) |
Cư dân mạng – cơ quan kiểm duyệt quyền lực nhất?
Kể về cảm giác từng là một nạn nhân của "cơn bão" trên mạng, đồng thời để trả lời cho câu “tại sao trên mạng xã hội bây giờ người ta lại có thể lăng nhục nhanh, dễ dàng và nhiều đến như vậy?”, TS. Giang tâm sự, anh đã thực sự bị tổn thương khi bị lăng nhục trên mạng xã hội. Anh băn khoăn với suy nghĩ, chúng ta đang sống trong một không gian bị kìm kẹp, bị kiểm duyệt về mặt văn hóa. Mà theo anh, cơ quan kiểm duyệt quyền lực nhất hiện nay chính là các cư dân mạng, các "dân phòng" trên mạng.
TS. Giang chia sẻ: “Bạn sẽ bị đánh cho be bét, đánh cho bầm dập và bạn sẽ không dám lên tiếng nữa”. Có nhiều người khuyên anh đừng lên tiếng nữa nhưng anh lật ngược câu hỏi: “Vậy công nghệ này để làm gì nếu như không cho phép chúng ta lên tiếng?”.
Đồng thời, anh cũng mong muốn tiềm năng dân chủ của mạng xã hội được sử dụng một cách tốt đẹp hơn thay vì nó là công cụ kiểm soát và đàn áp con người một cách gay gắt. “Những cá nhân như cô bảo mẫu sẽ phải đeo cái sẹo cả đời nếu như không đủ mạnh mẽ, không có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng thì sẽ bị gục ngã, sợ hãi trước thế lực khổng lồ bên ngoài”- TS. Giang băn khoăn.
Đưa dẫn chứng về việc có người không thể vượt qua được “búa rìu dư luận”, đó là cô bé T (15 tuổi) sau khi bị lộ clip sex, phải hứng chịu nhiều “gạch đá” đã uống thuốc sâu tự tử. Vấn đề được đặt ra, việc like, share, comment của chúng ta liệu góp bao nhiêu phần vào cái chết của cô bé ấy, là điều đáng phải suy nghĩ.
"Mỗi người nên thận trọng khi đánh giá"
Chia sẻ về quan điểm của mình, TS. Giang cho biết: “Tôi không bảo vệ hành vi của một ai cả. Tôi cũng không nói hành vi của cô bảo mẫu là đúng. Tôi chỉ nói rằng hành vi chà đạp lên nhân phẩm của người khác là sai, kể cả đó là người tử tù. Tôi lên án hành vi chà đạp, lăng nhục người khác của một bộ phận cộng đồng, không có nghĩa là tôi bảo vệ và dung túng cho hành vi sai trái của những cá nhân như cô bảo mẫu, của người ăn cắp kính... Chúng ta có quyền gì để trừng phạt họ, làm nhục họ? Bởi họ cũng là con người”.
Thực tế, ở Việt Nam và một số nước châu Á vẫn còn rơi rớt chân lý rằng, khi giáo dục người khác thì phải trừng phạt. Nhưng theo TS. Giang, lăng nhục không có tác dụng giáo dục. Giáo dục con người nên được thực hiện trong sự tôn trọng, yêu thương. “Chừng nào bạn chà đạp lên nhân phẩm của người ấy, bạn nói họ là người vô dụng, sẽ không có giá trị gì cả và bạn đã đi ngược lại hoàn toàn mục tiêu giáo dục. Đồng thời, sẽ tạo nên con người hoặc họ tin họ vô giá trị, là đồ vô dụng, hoặc họ sẽ phản kháng lại xã hội, sẽ lại tạo thành những kiểu xã hội nhỏ để chống cự lại những cái xã hội lớn hơn” – TS. Giang nhắn nhủ.
Trả lời cho câu hỏi “Khi like và chia sẻ trên mạng thì chúng ta nên như thế nào để có được hành vi đúng đắn?”, TS. Giang cho rằng, không chỉ trên mạng xã hội mà ngay trong cuộc sống đời thường, mỗi người nên thận trọng khi đánh giá. Đồng thời, anh cũng chỉ ra rằng bản thân mỗi người đều không muốn người khác phán xét mình thông qua một vài hành vi hay lời nói.
Đối thoại với bạn đọc. (Ảnh: Phong Thu) |
Trao đổi về tựa sách mới “Thiện, Ác và Smartphone”, TS. Giang tiết lộ, cuốn sách nói về quyền con người của những cá nhân bị những cộng đồng "nhất định" hắt hủi. “Tôi cho rằng chúng ta không thể nói về nhân quyền, về dân chủ, văn minh xã hội trong khi chúng ta cho mình cái quyền đẩy một số cá nhân nhất định ra ngoài, cho rằng họ không xứng đáng được hưởng những quyền ấy” - TS Giang bày tỏ quan điểm.
"Cuốn sách không chỉ là bài học đạo đức"
"Trong cuốn sách này có “cơn bão” thịnh nộ, cơn bão căm ghét đám đông, nó dữ dội, nó nhắm vào một vài đối tượng, ta xem họ làm ô uế cộng đồng hay họ phạm chuẩn? Cơn bão ấy được hình thành trên một bạo lực, đó là bạo lực ngôn từ. Nó nhờ vào tính hiện đại của các công nghệ để được khuếch tán mạnh mẽ, được hiện diện như một công lý đám đông thực thi quyền lực của mình. Nhiều người có thể nghĩ rằng cuốn sách này như một bài học đạo đức, một bài học cuộc sống. Tôi nghĩ tác giả đã có sự dịch chuyển tương đối linh hoạt. Tôi thấy tác giả biết giữ cho lý trí của mình đủ độ lạnh, tách ra bên ngoài đối tượng để nhìn vấn đề nhiều chiều. Trong cuốn sách này có nói đến "bạo lực trong ngôn từ". Ngôn từ là thứ dễ sát thương người khác nhất. Xã hội có nhiều người thông minh nhưng chúng ta đang thiếu nhất những người nào? Cá nhân tôi thấy người thông minh có thể khiến con người ta trở nên sắc sảo về mặt tư duy nhưng cuộc sống không chỉ cần dùng tư duy để hiểu, chúng ta cần cảm nhận. Sự đúng sai của cuộc đời này là ranh giới bất định. Rất có thể chúng ta cũng sai. Về bản chất, chúng ta phải học, học để đối thoại, lắng nghe nhau để thấy chúng ta còn thiếu cái gì? Chúng ta thường rất dễ nhìn ra cái sai, cái xấu của người khác. Bạo lực có thể bắt đầu bằng ngôn ngữ, nhưng bạo lực cũng có thể hóa giải bằng ngôn ngữ. Tha thứ không phải buông bỏ mà là khơi dậy ý thức đạo đức tự thân. Liệu dự án trắc ẩn này chỉ là con người với con người hay chúng ta có thể phát triển hơn, để chúng ta công bằng hơn, từ sự thay đổi ở một vài cá nhân để có thể lan tỏa”. TS. Trần Ngọc Hiếu (Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) |
Tốc độ "khủng khiếp" của internet chuẩn 5G Tốc độ internet có thể nhanh đến mức chúng ta tải xuống phim, trò chơi, phần mềm và bất kỳ loại nội dung lớn nào ... |
Bảo vệ trẻ trước các "cạm bẫy" từ Internet Làm sao để bảo vệ trẻ khi chúng đang phải lớn lên trong thế giới internet nhiều cạm bẫy là câu hỏi khiến không ít ... |
Trên bục giảng thời số hóa… Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giảng dạy có thể được thực hiện một cách chất lượng, hiệu quả và thuận ... |