📞

1 năm xung đột Nga-Ukraine: Kinh tế Đức nơi lãi to, chỗ 'bay' 100 tỷ Euro chờ sinh tồn, người dân 'lõm túi'

Chu Văn 18:53 | 21/02/2023
Hầu như ai cũng biết rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Đức nói chung và “túi tiền” của mỗi người dân nói riêng, khi giá năng lượng phi mã và lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 70 năm trong năm 2022.
1 năm sau xung đột Nga-Ukraine với nhiều đòn trừng phat và trả đũa qua lại giữa Nga và châu Âu, kinh tế Đức vẫn nhận tin tốt bất ngờ, dù 'bay' 100 tỷ Euro, người dân 'lõm túi' 2.000 Euro. (Nguồn: Euractiv)

Gần một năm sau khi nổ ra cuộc xung đột, quy mô thực sự của những tác động đối với kinh tế Đức đã quá rõ ràng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Rheinische Post, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) Marcel Fratzscher cho biết, cuộc xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng năng lượng đã khiến Đức mất gần 2,5%, tương đương 100 tỷ Euro (106,7 tỷ USD), sản lượng kinh tế trong năm 2022.

Đức nên có biện pháp đối phó ngay bây giờ

Chuyên gia Fratzscher chỉ ra rằng, ngoài phụ thuộc vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng năng lượng do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung của Nga, đặc biệt một phần rất lớn các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiều khí đốt.

Nhà kinh tế Fratzscher dự đoán, cuộc xung đột sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng cho nền kinh tế Đức, cảnh báo chính phủ và các doanh nghiệp Đức nên có biện pháp đối phó ngay bây giờ để giảm bớt thiệt hại trong tương lai.

Ông Fratzscher nói: “Trong bất cứ trường hợp nào, Chính phủ Đức không nên tiếp tục chọn giải pháp trợ giá lớn cho nhiên liệu hóa thạch”.

Cú sốc giá năng lượng do đó thật đau đớn nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cần thiết, hy vọng đưa nền kinh tế Đức chuyển đổi nhanh hơn. Ông Fratzscher khẳng định: “Sự tàn phá nền kinh tế Đức có thể chưa xảy ra, nhưng nó sẽ đến nếu các công ty không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, môi trường và kinh tế”.

Theo Phòng Công nghiệp và thương mại Đức (DIHK), tác động đối với toàn bộ nền kinh tế dẫn đến việc mỗi người dân Đức mất đi khoảng 2.000 Euro tài sản. Con số này là do tăng trưởng kinh tế giảm 1,8%, như đã được dự báo ban đầu trong năm 2022 - mức tăng trưởng bị giảm sút này tương ứng với khoảng 170 tỷ Euro, tương đương với mức thiệt hại khoảng 2.000 Euro/người.

Viện nghiên cứu kinh tế (IW) Cologne dự đoán cuộc xung đột ở Ukraine cũng sẽ gây tổn thất khoảng 2.000 Euro tài sản mỗi người dân Đức trong năm 2023.

Nơi lãi to, nơi chờ sinh tồn

Mặc dù có những tín hiệu tiêu cực, song đó không phải là “tin xấu” đối với mọi lĩnh vực trong nền kinh tế Đức.

Không có gì ngạc nhiên khi một ngành được hưởng lợi nhuận cao nhất về mặt tài chính từ cuộc xung đột chính là quốc phòng.

Trong báo cáo thường niên mới nhất cho năm 2022, Tập đoàn Quốc phòng lớn nhất của Đức Rheinmetall đã báo cáo số lượng đơn đặt hàng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo các nhà phân tích tài chính của Rheinmetall và các nhà phân tích tài chính, số liệu cả năm vẫn đang chờ xử lý, nhưng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Các công ty quốc phòng khác cũng đang báo cáo doanh thu và lợi nhuận tăng, thậm chí dự báo “sự bùng nổ vũ khí” có thể còn tiếp tục trong ít nhất vài năm nữa.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Đức cũng tăng trưởng trong suốt năm 2022. 40 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Đức DAX, như Adidas, Deutsche Bank và Siemens - đều tăng kỷ lục trong năm ngoái.

Theo số liệu thống kê của công ty kiểm toán Ernst and Young (EY), quý III/2022, tổng doanh thu của tất cả các công ty trên DAX đã tăng khoảng 25% so với năm trước, đạt gần 45 tỷ Euro, lợi nhuận của DAX thậm chí cao hơn bao giờ hết trong quý III/2023.

Tốc độ tăng trưởng của các công ty DAX cho thấy hậu quả của cuộc xung đột Ukraine đang tác động không đồng đều đến nền kinh tế Đức như thế nào.

Giám đốc điều hành EY Henrik Ahlers Large cho rằng, trong khi các tập đoàn lớn đang chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn hoặc tập trung vào một nơi để vận hành với chi phí thấp hơn, thì các công ty vừa và nhỏ vẫn phải chịu áp lực lạm phát.

Người đứng đầu EY chỉ rõ “đối với các ngành sử dụng nhiều năng lượng, giá điện và khí đốt đang trở thành vấn đề sinh tồn”.

Nếu năng lượng vẫn đắt đỏ, có nguy cơ Đức ngày càng mất nhiều công ty sử dụng nhiều năng lượng do một số chuyển ra nước ngoài, số khác phá sản.

(theo Rheinische Post, TTXVN)