10 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT năm 2023. (Nguồn: TP) |
Sẽ có một số điều chỉnh chính sách về giáo dục Đại học
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, có nhiều thách thức đặt ra cho năm 2023.
Một trong những thách thức lớn là thực hiện thành công năm trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mà cụ thể là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và đúng lộ trình đặt ra.
Để thực hiện công cuộc đổi mới thành công cần rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực về mặt tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn lực này giúp các địa phương có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất: Trường học, lớp học, trang thiết bị phòng học, thực hành, dụng cụ học tập…
Nếu như các địa phương, các tỉnh thành phố không tập trung nguồn lực cho công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Chúng tôi coi đó là những thách thức và đã có những kiến nghị đối với các bộ, ngành, đồng thời đề nghị cũng như phối hợp với các địa phương để cố gắng xử lý tốt những việc này. Bên cạnh đó, những vấn đề như đảm bảo giáo viên cho đổi mới, đặc biệt là đảm bảo đội ngũ giáo viên cho những môn học mới trong chương trình cũng được xem là những thách thức trong quá trình đổi mới. Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành cùng sự chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm địa phương thì những khó khăn thách thức đó có thể sớm được giải quyết", Bộ trưởng nói.
Năm 2023, có những nhiệm vụ mới và cả những nhiệm vụ tiếp nối những gì đã và đang làm. Trong đó có một số việc thuộc trách nhiệm giải trình của ngành Giáo dục và Đào tạo trước đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông, đến vấn đề sách giáo khoa…
"Dịp này, chúng tôi sẽ đề xuất với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc có thể điều chỉnh vài chính sách để phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với giáo dục đại học, đây là một năm mà ngành Giáo dục sẽ có một vài điều chỉnh chính sách, để làm cho tự chủ đại học trong thời gian sắp tới đi vào chiều sâu, đầy đủ hơn và tạo thêm điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đây cũng là năm mà ngành phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước.
Ngoài ra, còn có những nhiệm vụ, chương trình, đề án Chính phủ giao cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới như: tăng cường văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm an toàn trường học, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Ngành Giáo dục mong rằng, Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, là cơ sở chăm lo, chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.
Cô Ngọc Lan và các bạn nữ lớp 4A6 trường Tiểu học Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Lan) |
10 nhiệm vụ trọng tâm của Giáo dục năm 2023
Xác định năm 2023, khối lượng công việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ rất lớn và thách thức nhân lên, mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quyết tâm phải đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT rà soát, điều chỉnh một số nội dung như hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, học phí, tự chủ đại học và triển khai xây dựng Luật Nhà giáo…
Dưới đây là 10 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện trong năm 2023:
Thứ nhất, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai các kế hoạch, nghị quyết về chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 khi được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó, ưu tiên rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành giáo dục và thực hiện tự chủ đại học.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ năm, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non mới. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiệu quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.
Đồng thời, đa dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời. Ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt. Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ sáu, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học.
Nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai xây dựng Luật Nhà giáo.
Thứ bảy, trình ban hành và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện tự chủ đại học, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam; đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; bảo đảm và kiểm định chất lượng và hội nhập quốc tế.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất, và y tế trường học và sức khỏe học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, trong đó tiếp tục hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường và triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thứ chín, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập trung triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học tại những vùng có nhu cầu.
Thứ mười, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.