Sự kiện này quy tụ 79 vận động viên đến từ 10 nước châu Âu, gồm Pháp, Đức, Anh, Italy, Bỉ, Ba Lan, Belarus, Romania, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Các vận động viên sẽ tham gia tranh tài trong các trận đối kháng và các bài thi quyền, binh khí như: Ngũ môn quyền, Long Hổ quyền, Tứ tượng côn pháp...
Poster của Giải Vô địch Vovinam châu Âu lần III tại Ba Lan năm 2014. (Nguồn: Liên đoàn võ thuật Việt Nam) |
Võ sư Tân Rousset, Chủ tịch Liên Đoàn Việt võ đạo Thuỵ Sĩ nhấn mạnh: “Giải vô địch Việt võ đạo châu Âu lần thứ IV tại Geneva là cơ hội để quảng bá về môn võ có nguồn gốc Việt Nam tại Thụy Sĩ, cũng như để tăng cường giao lưu giữa các vận động viên, huấn luyện viên đến từ khắp châu Âu. Công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được Liên đoàn Vovinam Thụy Sĩ tiến hành từ 1 năm trở lại đây. Trong 3 ngày diễn ra giải đấu, có khoảng 70 tình nguyện viên sẽ tham gia vào các hoạt động tổ chức, hậu cần cho Giải.
Linh hồn của Liên đoàn Việt Võ Đạo Thụy Sĩ - võ sư Tân Rousset (68 tuổi), đã dành rất nhiều tâm huyết cho môn võ khởi nguồn từ quê hương ông. Bắt đầu tập luyện Việt Võ Đạo từ hơn 30 năm nay, võ sư Tân đã truyền nhiệt huyết đam mê Vovinam cho hàng trăm võ sinh nhiều thế hệ tại Thụy Sĩ. Với ông, Vovinam không chỉ là một môn phái võ, mà hơn cả là một nghệ thuật sống mà ông say mê. Năm 2005, võ sư đã thành lập Liên đoàn Việt Võ Đạo Thụy Sĩ với mục đích truyền bá môn võ của Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Đến nay, sau hơn 10 năm thành lập, Liên đoàn Thụy Sĩ có tổng số 8 võ đường, chủ yếu đóng tại các bang phía Tây Thụy Sĩ như Fribourg, Geneva - nơi có trụ sở của Liên đoàn Việt Võ Đạo Thụy Sĩ, với khoảng 120 môn sinh. Liên đoàn cũng là một tổ chức hiếm hoi được chính quyền bang Geneva chính thức công nhận.
Từ Giải vô địch Vovinam châu Âu lần thứ I vào năm 2010 tại Tây Ban Nha, sự kiện đã trở thành hoạt động đều đặn hai năm một lần của Liên đoàn Vovinam châu Âu với 12 thành viên của châu lục. Hai năm trước, giải vô địch châu Âu lần thứ III đã được tổ chức tại Ba Lan.
Việt Võ Đạo là môn võ thuật do cố võ sư Sáng Tổ Nguyễn Lộc (1912-1960) sáng lập từ năm 1938. Trên cơ sở lấy võ và vật dân tộc làm nồng cốt, đồng thời nghiên cứu, khai thác những tinh hoa của các môn võ khác trên thế giới để bổ sung vào nền tảng kỹ thuật của Việt Võ Đạo theo nguyên lý cương nhu phối triển.
Việt Võ Đạo được phát triển với hệ thống, chương trình huấn luyện khoa học, được thống nhất trong và ngoài nước, mang đậm bản sắc dân tộc với những kỹ thuật khéo léo, mềm dẻo, chính xác kết hợp giữa cương và nhu phù hợp với mọi người nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong việc rèn luyện sức khỏe, khả năng tự vệ, nâng cao thể chất, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc “Học Võ Việt – Yêu nước Việt”
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Vovinam thu hút khoảng 200.000 môn sinh theo tập trên 55 quốc gia (40.000 môn sinh tập luyện thường xuyên tại Việt Nam).
Về mặt hệ thống tổ chức, Liên đoàn Vovinam Thế giới, Liên đoàn Vovinam châu Á, Liên đoàn Vovinam châu Âu, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Liên đoàn Vovinam châu Phi đã lần lượt được thành lập từ năm 2008 đến 2012.
Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ I được tổ chức năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Giải vô địch Vovinam thế giới được tổ chức 2 năm/lần. Gần đây nhất, giải Vô địch Vovinam thế giới lần IV đã được tổ chức năm 2015 tại Algeria.
* Vovinam - Việt võ đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập. Năm 1938, Vovinam mới đem ra công khai đồng thời ông đề ra chủ thuyết “cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần. Vovinam được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới. Dựa trên nguyên lý Cương Nhu Phối Triển, môn sinh Vovinam được tập luyện những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối cho đến các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt... Ngoài ra, môn sinh còn được học cách đối phó với vũ khí bằng tay không, các lối phản đòn, khóa gỡ và các đòn vật. Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển quy mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Italy, Australia, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha, Algerie,… |