Sau khi Tổng cục KTTV trình lên Ủy ban Bão quốc tế, 10 cái tên bão đã được duyệt là: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Trami, Halong và Vamco. (Nguồn: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) |
Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, thuật ngữ "bão" có nhiều cách gọi khác nhau tùy thuộc vào khu vực phát sinh bão.
Theo đó, bão hình thành trên biển Đại Tây Dương gọi là "Hurricanes"; Bão hình thành trên biển Thái Bình Dương gọi là "Typhoon"; Bão hình thành trên biển Ấn Độ Dương gọi là "Tropical Cyclones".
Các cơn bão có thể tồn tại trên biển trung bình từ 7 - 8 ngày hoặc lâu hơn. Trên cùng một khu vực, cùng một thời gian có thể có từ 2 đến 3 cơn bão tồn tại, thậm chí có thể nhiều hơn. Vì vậy, người ta đã đặt tên cho các cơn bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra các thông tin về từng cơn bão.
Các cơn bão trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (bao gồm cả Biển Đông của Việt Nam) được đặt tên theo tên phụ nữ chính thức bắt đầu từ năm 1945, và đến năm 1979 thì bắt đầu sử dụng cả tên của nam giới.
Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới và rất khác nhau. Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là thành viên Uỷ ban Bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão. Danh sách được đặt thường là tên các vị thần, loài hoa, loài động vật hiếm, cây cỏ và thậm chí là tên các món ăn đặc trưng của từng quốc gia.
Tại Việt Nam, Tổng cục KTTV từng đề xuất 20 tên gọi cho bão là tên tiếng Việt. Sau khi trình lên Ủy ban Bão quốc tế, 10 cái tên được duyệt là: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Trami, Halong và Vamco.
Danh sách tên bão không được sắp xếp theo thứ tự các chữ cái mà sắp xếp theo thứ tự đề xuất của các nước. Dựa theo danh sách đề cử, sau bão Vamco (bão số 13 năm 2020), cơn bão tiếp theo hình thành tại Tây Bắc Thái Bình Dương sẽ có tên là Krovanh, tên một dãy núi nổi tiếng ở Campuchia.
Một điều cần lưu ý là sau một vài năm tổng kết, với các cơn bão gây ra thiệt hại nặng nề cho các nước đóng góp tên thì tên các cơn bão đó sẽ được đưa ra khỏi danh sách tên bão và được thay thế bằng một tên mới. Do vậy danh sách các tên bão trên là không cố định và luôn có sự bổ sung.
Năm 2020, Việt Nam đã hứng chịu ảnh hưởng của 13 cơn bão (tên ở ô màu vàng) với 6 cơn nối nhau trong tháng 10-11, gần nhất là bão Vamco. (Nguồn: JMA). |
Theo đó, mới đây, Tổng cục KTTV đã gửi đề xuất lên Ủy ban Bão quốc tế xóa bỏ tên bão Linfa (bão số 6 năm 2020) trong danh sách những cái tên được đặt cho các cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và vùng biển Đông Nam Á.
Tên bão Linfa do Macao (Trung Quốc) đề cử, đã từng được sử dụng để đặt tên cho các cơn bão hình thành vào các năm 2003, 2009 và 2015.
Bão nhiệt đới Linfa (số hiệu quốc tế là TS 2015) hay còn được biết đến với tên gọi bão số 6 (năm 2020) được hình thành ở giữa Biển Đông từ ngày 9/10/2020 và đã đổ bộ vào khu vực miền Trung của Việt Nam vào khoảng 10h sáng ngày 11/10/2020.
Do ảnh hưởng bởi mưa lớn trong và sau cơn bão Linfa đã gây nên thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tác động mạnh đến toàn bộ khu vực miền Trung Việt Nam.
Thống kê, đánh giá thiệt hại đến chiều ngày 26/10/2020, ảnh hưởng của bão Linfa đã làm 148 người chết và mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà bị sập; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập lụt gây thiệt hại lớn về người và của cho khu vực miền Trung.
Ngoài ra, bão còn làm hơn 1.400 ha lúa và gần 8.000 ha hoa màu bị thiệt hại; hàng trăm nghìn gia súc chết hàng loạt khiến nền kinh tế nông nghiệp ở miền Trung bị thiệt hại nặng nề.
Để chia sẻ với những mất mát và thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân vùng lũ bão trong thiên tai do bão Linfa gây ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Bão quốc tế xem xét loại bỏ tên bão Linfa trong danh sách tên bão sử dụng đặt tên cho các cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình dương và vùng biển Đông Nam Á.
Trước đó, Việt Nam đã từng đề xuất xóa tên bão Saomai (Sao Mai) và Lekima. Sau đó, tên bão Saomai được thay thế bằng tên bão Sontinh (Sơn Tinh). Hiện nay, Tổng cục KTTV Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất tên bão thay thế cho tên bão Lekima.
Trong thời gian xảy ra chiến tranh Thế giới thứ II, các nhà Khí tượng Lục quân và Hải quân Mỹ đã dùng tên của phụ nữ để đặt tên cho các cơn bão. Các cơn bão ở Đông Bắc Thái Bình Dương được đặt theo tên phụ nữ từ năm 1959 - 1960, đến năm 1978 sử dụng cả tên nữ giới và nam giới. Ở vùng Bắc Ấn Độ Dương, các cơn bão nhiệt đới không được đặt tên. Ở Tây Nam Ấn Độ Dương bão bắt đầu được đặt tên từ năm 1960. Ở vùng Australia và nam Thái Bình Dương, bão bắt đầu được đặt tên (theo tên phụ nữ) từ năm 1964, đến năm 1973 thì sử dụng cả tên nam giới. |
| Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (17-18/11): Đêm mưa vài nơi trên toàn quốc; Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ lạnh về đêm và sáng sớm TGVN. Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều ... |
| Truyền thông - 'Nét bút' định hình dư luận ở Biển Đông TGVN. Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, lần đầu tiên các nhà báo được mời tham gia với tư cách ... |
| Thế giới đã sẵn sàng cho việc vận chuyển vaccine Covid-19? TGVN. Thế giới đang chạy đua để tìm ra vaccine Covid-19. Tuy nhiên, khi vaccine đã sẵn sàng, việc vận chuyển số lượng lớn vaccine ... |