Một trong ba vấn đề chính được đề cập tại cuộc Đối thoại cấp cao về quan hệ hợp tác kinh tế Mỹ - Trung diễn ra vào trung tuần tháng Sáu tại New York là quan hệ thương mại “đầy gai góc”. Tuy nhiên, hai bên đã đạt được tiến bộ bước đầu khi đi đến thống nhất một “Kế hoạch 100 ngày” - nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, cũng như giải quyết những vấn đề quan ngại lớn giữa hai nước.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều biết họ cần phải làm gì để không quá thua thiệt, cũng như không làm gì để đối tác phật lòng. (Nguồn: The Guardian). |
Kế hoạch 100 ngày
Kế hoạch 100 ngày được kỳ vọng có thể đóng vai trò chủ chốt và tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế bước sang kỷ nguyên mới, đặc biệt trong việc thu hẹp cán cân thương mại song phương. Với đánh giá cho rằng quan hệ thương mại và kinh tế Mỹ - Trung đang ở thời kỳ quyết định, tại cuộc đối thoại kéo dài một ngày, Chính phủ hai nước được hối thúc tạo điều kiện thuận lợi sớm hoàn tất các cuộc thương lượng về Hiệp định đầu tư song phương giữa Mỹ và Trung Quốc (BIT), khởi động các cuộc đàm phán sâu rộng hơn về Hiệp ước đầu tư và thương mại khi thời cơ chín muồi để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ.
Ngoài một số thỏa thuận mang tính nguyên tắc, hai bên đã cam kết về một số vấn đề từng được coi là nhạy cảm. Theo đó, tới ngày 16/7, hai bên sẽ hoàn tất các thủ tục để Trung Quốc cho phép nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, trong khi Washington sẽ công bố nguyên tắc cho phép nhập khẩu thịt gia cầm chín từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ ban hành những hướng dẫn cần thiết cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử 100% sở hữu Mỹ bắt đầu quy trình xin cấp phép. Các nhà cung cấp dịch vụ của Trung Quốc sẽ tiếp tục được cung cấp các thẻ ngân hàng thanh toán bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ...
Sau Đối thoại, Hội đồng Thương mại Mỹ - Trung tỏ ra khá hài lòng với những bước tiến bộ đạt được và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền để bảo đảm những kết quả này sẽ được hiện thực hóa, cũng như giải quyết những vấn đề còn tồn đọng khác. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross còn bảo đảm sẽ “đóng băng” bất kỳ hành động đơn phương nào chống Trung Quốc trong giai đoạn 100 ngày này. Người ta nói rằng, Bộ trưởng Ross bị thuyết phục rằng, Trung Quốc cũng có cùng mong muốn thu hẹp thặng dư thương mại, vì lo ngại thâm hụt sẽ tác động tới dòng tiền và gây ra lạm phát.
Vì “chúng ta cần nhau”
Trên thực tế, mâu thuẫn mậu dịch Mỹ - Trung không phải là câu chuyện hôm nay mới có, mà chỉ là đã lên tới cao độ, theo cách lập luận gay gắt của Chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng theo giới phân tích, quan hệ này chằng chịt đến độ những mối tương quan khác dường như trở thành thứ yếu. Bởi nhìn vào thực lực kinh tế đôi bên hoàn toàn có thể tính toán được sức mạnh mà họ sở hữu và họ cần phải làm gì để không quá thua thiệt, cũng như không làm gì để đối tác phật lòng.
Đi theo chiến lược lấy đầu tư và xuất khẩu làm động lực tăng trưởng, dù đã gặt hái được những thành quả ngoạn mục, cuối cùng Bắc Kinh vẫn “mất đà” và lệ thuộc lớn vào xuất khẩu. Đến nay, xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện chiếm 22% GDP thay cho 35% như trước, nhưng tiêu thụ nội địa của nước này chưa đủ mạnh để làm đầu máy tăng trưởng. Bởi vậy, Trung Quốc vẫn có thể gặp rủi ro lớn nếu gặp khó khăn với Mỹ - nơi tiếp nhận đến 20% tổng lượng hàng xuất khẩu.
Về phần mình, Mỹ thừa biết rằng, hơn 20% hàng hóa nhập khẩu đến từ Trung Quốc, nhưng hiện đang đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cả giới tiêu thụ Mỹ ham hàng rẻ. Về tương quan lực lượng thì Trung Quốc cần bán hàng cho Mỹ, ngược lại, Mỹ cũng cần nhập khẩu hàng rẻ từ Trung Quốc. Nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ, đôi bên đều thiệt. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc có thể bất lợi hơn và lâu hồi phục hơn. Trong khi, Mỹ chỉ cần thời gian để tìm kiếm và thay thế các mặt hàng từ Trung Quốc.
Nhiều người Mỹ hỏi: “Tại sao lại giúp chính đối thủ cạnh tranh với mình?” câu trả lời đơn giản chỉ là do các vấn đề của Trung Quốc cũng là những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến nước Mỹ. Hơn nữa, mối quan hệ đầu tư giữa hai cường quốc cũng là đôi bên cùng có lợi. Khi đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tăng lên, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng tăng theo. Kể cả khi người Mỹ không thích các công ty của mình bị nước ngoài thâu tóm thì việc đó vẫn đang tạo ra tăng trưởng và việc làm cho nước Mỹ.
Trên thực tế, từ ba thập niên qua, có những lúc quan hệ hai nước căng thẳng, nhưng đều được giải quyết ôn hòa và không làm tổn hại đến trao đổi thương mại giữa hai bên. Khi nhìn vào tương lai, việc hợp tác thay vì đối đầu với Trung Quốc, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho nước Mỹ.
Đó là điều lý giải cho việc, trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump đã mạnh mẽ lên án chính sách giao thương của Trung Quốc. Nhưng rồi một ngày đẹp trời tại Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, với nụ cười và cái bắt tay thân mật, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quên hẳn lời hứa với cử tri rằng sẽ gán cho Trung Quốc cái mác “kẻ thao túng tiền tệ” hay “cướp việc làm của người Mỹ”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ tập trung “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và dần rút lui khỏi các sân khấu chính trị quan trọng, hiện giới bình luận đang nói tới việc Trung Quốc đã thành công hơn Mỹ trong việc vẽ nên một cường quốc “tự do, trách nhiệm và toàn cầu”.