Vaccine Sputnik V đã được hơn 50 quốc gia phê duyệt sử dụng. (Nguồn: EPA) |
Lô vaccine Sputnik V là quà tặng của Liên bang Nga được ông Nikolai Patrushev, Thư ký hội đồng an ninh Liên bang Nga mang tới Việt Nam vào sáng ngày 16/3, trong chuyến công tác hai ngày tại Hà Nội.
Ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho biết, sáng nay Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vaccine này từ sân bay Nội Bài, ngay sau đó vaccine được chuyển vào kho lạnh của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương để bảo quản.
Lô vaccine gồm 1.000 liều. Thời gian tới việc điều phối lô vaccine này sẽ do Chính phủ quyết định, có thể điều tiết về Bộ Y tế hoặc các đơn vị khác. Đây là những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trong năm nay Việt Nam đã chắc chắn có 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ chương trình cung ứng vaccine toàn cầu COVAX, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các hãng dược Pfizer, Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga)… để có thêm vaccine.
Ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng đã đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm hai vaccine phòng Covid-19 ngoài AstraZeneca.
Đó là vaccine của công ty Moderna (Mỹ) và vaccine Sputnik Vcủa Công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Kế hoạch mục tiêu của Việt Nam là có đủ 150 triệu liều vaccine trong năm nay trước khi những lô vaccine ngừa Covid-19 trong nước có thể được sản xuất diện rộng vào cuối năm nay, đầu năm tới.
Sputnik V là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vaccine Sputnik V khi vaccine này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Tuy nhiên, đến nay vaccine Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet, vaccine Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %, riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2.