Neil Armstrong vẫy tay chào khi phi hành đoàn đi tới chiếc xe sẽ đưa họ đến Trung tâm vũ trụ Kennedy ở đảo Merritt, Florida, Mỹ, ngày 16/7/1969. (Nguồn: NASA) |
Ngày 20/7/1969, 600 triệu người trên khắp thế giới đã xem trên truyền hình trực tiếp khi các phi hành gia của tàu Apollo 11, gồm Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước những bước chân lịch sử đầu tiên lên Mặt trăng. Nhưng cho đến tận ngày hôm nay, một số câu chuyện hấp dẫn nhất từ tàu Apollo 11 vẫn chưa được biết đến hoặc chưa được hiểu rõ.
Sự kiện vĩ đại này đã được đưa vào lịch sử, vô số bài báo, quyển sách, chương trình TV, phim tài liệu và kể cả phim điện ảnh. Tuy nhiên, một số chi tiết hấp dẫn nhất từ Apollo 11 vẫn chưa được biết đến hoặc chưa được hiểu rõ.
Ngày 16/7/1969, tên lửa đẩy Saturn V đã giúp phi thuyền Apollo 11 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida) tiến thẳng lên Mặt Trăng. Apollo 11 khi đó gồm 3 bộ phận: Mô-đun Điều khiển - Mô-đun Phục vụ - Mô-đun Mặt Trăng. Sau hành trình dài 384.400km của 76 giờ bay, phi thuyền Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng. |
Ví dụ, trong bộ phim tiểu sử "Người đàn ông đầu tiên" của Neil Armstrong phát hành năm 2018, người ta lần đầu tiên biết rằng, Armstrong đã đặt chiếc vòng đeo tay của con gái Karen lên Mặt trăng để tưởng nhớ đến người con gái 2 tuổi của mình đã qua đời vào năm 1967. Đây dường như không phải là một chi tiết chỉ có trong những bộ phim của Hollywood. Trong quãng thời gian "dạo chơi" trên Mặt trăng, dường như Armstrong đã đi đường vòng và không liên lạc với trung tâm điều khiển trong 3 phút. Có thể, trong chính thời điểm đó, ông đã đặt chiếc vòng đeo tay của Karen lên hành tinh này? “Tôi rất hy vọng như vậy”, Armstrong Hoffman, em gái của Neil Armstrong trả lời trong một cuộc phỏng vấn với báo chí vào năm 2005.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện còn chưa được biết tới xung quanh Apollo 11. Dưới đây là 10 câu chuyện lần đầu được kể về chuyến đi lịch sử này.
1. Tổng thống Mỹ Kennedy không thực sự quan tâm đến Mặt trăng
Trước mặt công chúng, Tổng thống John F. Kennedy đã có những bài phát biểu ‘cao vút’, tuyên bố rằng việc lên Mặt trăng sẽ chứng minh cho những năng lực và kỹ năng tốt nhất của con người.
Tuy nhiên, vào năm 1962, trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, Tổng thống Kennedy đã nói với Quản trị viên James Webb của NASA rằng, tất cả mọi thứ chúng ta làm nên gắn liền với việc lên Mặt trăng trước người Nga. “Tôi không quan tâm đến không gian” - ông Kennedy khẳng định.
2. Phi hành đoàn Apollo 11 đã phải rất khó khăn để mua bảo hiểm trước chuyến đi lịch sử
Mua bảo hiểm rõ ràng là không dễ khi bạn chuẩn bị một thực hiện một chuyến bay vào không gian bằng một tên lửa đẩy. Không có lựa chọn nào tốt hơn, Armstrong, Aldrin và Michael Collins, những thành viên phi hành đoàn Apollo 11 đã dùng đến một cách chưa từng có tiền lệ. Họ đã ký vào hàng trăm chiếc phong bì và sau đó nhờ bạn bè gửi đóng dấu bưu điện vào ngày 20/7 với hy vọng rằng chữ ký của họ sẽ trở nên đắt giá, mang lại một khoản tiền cho người thân họ trong trường hợp những người đàn ông không quay trở lại.
Đây thực sự là một sáng kiến không tồi. Các phong bì Apollo 11 này sau đó đã được bán với giá lên tới 28.500 USD mỗi chiếc.
3. Bộ quần áo dành cho phi hành gia được tạo ra bởi một công ty đồ lót
Playtex, một công ty may mặc nổi tiếng với việc phát minh ra chiếc áo ngực Cross Your Heart, được thuê để tạo ra những bộ đồ bảo vệ các phi hành gia khỏi môi trường không khí và nhiệt độ trên Mặt trăng. Quyết định đó đã dẫn tới một cuộc chiến thời trang bí mật.
Chỉ huy tàu Apollo 11 Neil Armstrong và kỹ thuật viên NASA Troy Stewart vào ngày 16/7/1969. (Nguồn: NASA) |
Như Nicholas de Monchaux kể lại trong cuốn sách "Spacesuit" năm 2011, các nhà quản lý của NASA đã buộc nhân viên Playtex phải làm việc dưới sự giám sát của một công ty hàng không vũ trụ có tên Hamilton Standard, công ty đã gửi mẫu thiết kế trang phục cho phi hành gia nhưng bị từ chối. Các nhân viên của Playtex sau đó đã lẻn vào trụ sở Hamilton Standard, lấy lại thiết kế của họ, gửi lại và giành được hợp đồng thiết kế trang phục lịch sử này.
Cũng kể từ đó, ILC Dover - bộ phận công nghiệp Playtex đã trở thành đơn vị thiết kế mọi bộ đồ vũ trụ của NASA.
4. NASA lo lắng tên lửa đẩy có thể nổ tung khi nó được phóng
Trong chuyến bay thử nghiệm Apollo 6 năm 1968, tên lửa đẩy Saturn V khổng lồ được sử dụng cho các nhiệm vụ trên Mặt trăng gần như đã bị rung chuyển, vì vậy, NASA biết rằng, một vụ nổ bệ phóng rất có thể xảy ra.
Trước đó, năm 1965, hai kỹ sư tại Trung tâm Tàu vũ trụ Manned Spacecraft tại Houston (nay là Trung tâm Vũ trụ Johnson) đã tính toán rằng, nếu Saturn V đầy nhiên liệu bị nổ, nó có thể tạo ra một quả cầu lửa rộng 1.400 feet (hơn 426m), với nhiệt độ lên tới 2.500 độ F (hơn 1.371 độ C), mảnh bom từ vụ nổ có thể ‘đi du lịch’ trong vòng bán kính 3 dặm (hơn 4,8km). Vì vậy, những khách VIP theo dõi vụ phóng tàu vũ trụ Apollo 11 như Phó Chủ tịch NASA Spiro Agnew, cựu Tổng thống Lyndon Johnson hay những vị khách quý khác chỉ có thể theo dõi sự việc ở một nơi cách xa địa điểm phóng tên lửa 3,5 dặm.
5. Những thứ đầu tiên con người để lại Mặt trăng
Ngày 20/7/1969, Neil Armstrong và Buzz Aldrin di chuyển vào Mô-đun Mặt Trăng có mật danh "Eagle - Đại bàng", tách khỏi Mô-đun Điều khiển và hạ cánh tại Biển Tĩnh Lặng (Sea of Tranquility) của Mặt Trăng, chuẩn bị cho việc hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng. Phi hành gia Michael Collins ở lại quỹ đạo Mặt Trăng, tiếp tục lái Mô-đun Điều khiển.
Vài phút sau khi Mô-đun Mặt trăng chạm xuống Biển Tĩnh Lặng, Aldrin đã quay trở lại Trái đất. Aldrin nói vào đoạn ghi âm: “Tôi muốn nhân cơ hội này để yêu cầu mọi người lắng nghe, bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào, hãy tạm dừng mọi công việc một lát và chiêm ngưỡng những sự kiện trong vài giờ qua và để cảm ơn theo cách riêng của mình”. Sau đó Aldrin đã tắt radio, mở những hộp nhựa đựng những mẩu bánh mì nhỏ và rượu.
Sau đó, phi hành gia này đã viết trên tạp chí Guideposts rằng, rượu và bánh mì chính là những đồ ăn uống đầu tiên loài người để lại trên Mặt trăng.
6. Một cây bút nỉ đã cứu sống các phi hành gia
Trong không gian chật chội của Mô-đun Mặt trăng, chiếc ba lô của Armstrong đã làm vỡ công tắc tăng áp - thứ có thể khởi động động cơ và thực hiện chuyến bay trở lại Trái đất.
Trong tình thế gay go ấy, Aldrin rút một cây bút nỉ từ trong túi áo ra. “Tôi đã cắm cây bút vào lỗ nhỏ nơi có công tắc ngắt mạch và đẩy nó vào; đủ chắc chắn, bộ ngắt mạch hoạt động”, Aldrin đã kể lại trong cuốn sách Magnificent Desolation phát hành vào năm 2009. “Sau tất cả, chúng tôi sẽ xuống Mặt trăng" - Aldrin nhớ lại.
7. Aldrin và Armstrong đã để lại “chất thải” trên Mặt trăng
Khi bạn có đủ nhiên liệu để đưa bạn ra khỏi Mặt trăng, bạn không muốn mang theo bất kỳ thứ gì ‘thừa thãi”. Theo Danh mục Vật liệu nhân tạo trên Mặt trăng của NASA, các phi hành gia của tàu Apollo 11 đã để lại nơi đây một túi nôn, hai túi đựng nước tiểu và một túi đựng đồ đại tiện. Bên cạnh đó là một số thiết bị mang tính kỹ thuật như thiết bị thí nghiệm địa chấn, đĩa tưởng niệm bằng silicon và những tờ giấy mang theo thông điệp thiện chí từ 73 quốc gia trên thế giới.
Theo NASA, trong những lần phóng tàu Apollo vào Mặt Trăng, tổng cộng con người đã để lại nơi đây 96 túi chất thải.
8. NASA cách ly các phi hành gia vì sợ mầm bệnh
Mặc dù các nhà khoa học của NASA nghi ngờ rằng có thể có sự sống trên Mặt trăng, nhưng với mục đích bảo vệ Trái đất khỏi những mầm bệnh có thể có, các phi hành gia Apollo 11 đã bị cách ly một thời gian sau khi trở về Trái đất.
Trong ba tuần sau khi trở về, phi hành đoàn tàu Apollo 11 sống trong một đơn vị với sự kiểm soát di động, trước tiên là trên tàu sân bay USS Hornet và sau đó là tại Trân Châu Cảng.
Tổng thống Nixon và các phi hành gia tàu Apollo 11 đang bị cách ly trong một cơ sở trên tàu USS Hornet. (Nguồn: NASA) |
Tổng thống Richard Nixon thậm chí còn chụp ảnh cùng những phi hành gia khi họ đang bị cách ly trong một căn phòng kín.
9. Tổng thống Nixon đã sẵn sàng để Apollo 11 kết thúc trong thảm họa
Hai ngày trước khi Mô-đun Mặt trăng hạ cánh, William Safire - Thư ký riêng của Tổng thống Nixon đã viết lời phát biểu cho Tổng thống trong trường hợp các phi hành gia không quay trở lại. Sau này, bài phát biểu được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ.
10. Những lá cờ nước Mỹ được đưa lên Mặt trăng bởi các phi hành gia Apollo vẫn đứng yên, ngoại trừ lá cờ từ tàu Apollo 11
Từ quỹ đạo quanh Mặt trăng, tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng của NASA có thể thấy rõ bóng rủ của những lá cờ các con tàu Apollo để lại, chứng minh rằng chúng có thể đứng thẳng. Tuy nhiên, duy nhất chỉ có lá cờ được đặt bởi Armstrong và Aldrin, những người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, là không đứng vững. Aldrin sau đó nói rằng anh ta đã nhìn thấy lá cờ chao đảo khi tên lửa từ Mô-đun Mặt trăng bay lên khỏi bề mặt Mặt trăng.
Và một chi tiết trùng hợp khá tình cờ, toàn bộ bộ cờ các phi hành gia Apollo đặt trên Mặt trăng đều được 3 thư ký của NASA qua các thời kỳ mua từ Công ty Sears vào giờ ăn trưa của họ.