6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt. (Nguồn: Vnxpress) |
Ngày 1/8, Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực.
Du lịch Hà Nội “thay áo mới”
Hà Nội đã chủ động phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội. Điển hình, du lịch trên địa bàn Thủ đô được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2020 và 2021, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nên khách du lịch suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa.
Thành phố đã công nhận thêm 10 điểm đến, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến "làn gió mới" cho du lịch. Đồng thời, ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập "hành lang xanh" du lịch. Tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức các lớp tập huấn nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý du lịch, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các trọng điểm du lịch.
Hà Nội cũng được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Những con số ấn tượng
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, năm 2019, Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025).
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%. Trong đó, khách quốc tế 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần; khách nội địa 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3%.
Trải qua 15 năm, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch, sự phát triển của ngành du lịch đã đóng góp đẩy mạnh tái cơ cấu nội ngành kinh tế. Các ngành dịch vụ dịch vụ được chú trọng phát triển, tập trung mạnh vào số hóa, đồng thời đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển ngành du lịch sau đại dịch Covid - 19.
Ở giai đoạn 2011 - 2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm, cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%). Trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục khẳng định đà phục hồi, mức tăng đạt 7,54% - gấp 1,26 lần mức tăng chung của GRDP (5,97%).
Dự kiến năm 2023, Hà Nội thu hút trên 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế trên 3 triệu lượt. Theo bà Đặng Hương Giang, để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch đang tập trung quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn. Đồng thời, triển khai chương trình chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, quản lý du lịch, khai thác giá trị văn hóa lịch sử cả ở trung tâm và các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội.
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tổng cục Du lịch) |
Tạo diện mạo mới cho Thủ đô
Du lịch là ngành kinh tế liên ngành, có kết nối chặt chẽ, tác động qua lại với các ngành kinh tế khác. Do vậy, phát triển du lịch sẽ thúc đẩy các ngành lĩnh vực khác “tăng tốc” như ăn uống, giao thông vận tải, tiêu dùng, y tế... Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch quốc tế còn giúp củng cố và phát triển quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.
Không chỉ vậy, du lịch còn mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, cải thiện đời sống và mang đến cơ hội nghề nghiệp cho người dân tại các địa điểm tham quan. Người dân có thể lựa chọn kinh doanh các loại hình du lịch như lưu trú, vận chuyển, ăn uống, tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm để ổn định đời sống ngay tại địa phương.
Có thể nói, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính đã tạo cơ hội cho ngành du lịch phát triển cũng như khai thác nét đẹp thiên nhiên, văn hóa xây dựng tour mới. Qua đó, nâng tầm cao, vị thế mới cho du lịch Thủ đô cũng như mang lại lợi ích kinh tế.
Hà Nội còn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch làng cổ, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống như: tham quan du lịch làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái; Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch còn thúc đẩy, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền trong nước, có tác dụng bảo tồn các di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Ngành du lịch cũng góp phần giảm đô thị hóa bằng cách giúp tái cân bằng phân bố dân cư và hệ thống cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn trong quá trình phát triển du lịch.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển loại hình sản phẩm du lịch tăng trưởng, phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch tạo nên tầm vóc, diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.
Bà Đặng Hương Giang cho biết, để thu hút du khách đến Hà Nội trong dịp hè năm nay, Sở Du lịch Hà Nội đã đề ra những chiến lược cụ thể. Về ngắn hạn, Hà Nội tập trung thực hiện nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, khác biệt. Trong đó, chú trọng vào các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa - trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đêm, du lịch thể thao.
Nửa cuối năm 2023, Sở sẽ tạo đột phá trong quảng bá du lịch, phối hợp với các đơn vị, quận huyện tổ chức 50 sự kiện quảng bá du lịch Thủ đô như: Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng, Festival thu Hà Nội…
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu điểm đến. Triển khai đa dạng các chiến dịch quảng bá trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của thành phố và Sở Du lịch, các nền tảng mạng xã hội. Liên kết các hiệp hội, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai các chương trình xúc tiến du lịch thực sự hiệu quả, thực chất tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn.
Trong dài hạn, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh tái cơ cấu, bảo đảm phát triển toàn diện, bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án công viên chuyên đề, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm mua sắm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả 4 mùa.