📞

200 phút hội đàm cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Trung Quốc thẳng thắn vạch 'lằn ranh đỏ' với Hàn Quốc

Vy Anh 08:27 | 11/08/2022
Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin diễn ra trong bối cảnh khu vực nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đẩy quan hệ Hàn-Trung vào 'thế khó'.
Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bàn bạc về nhiều vấn đề quan trọng nổi lên trong khu vực. (Nguồn: Yonhap)

Chênh lệch về lập trường

Nội dung cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang là tâm điểm chú ý của dư luận bởi lẽ cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang diễn biến chưa từng có và quan hệ Hàn-Trung đang ở thời điểm có nhiều thách thức mới, đặc biệt là sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc).

Trong cuộc gặp kéo dài tới 200 phút tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày 9/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra yêu cầu "5 điểm cốt yếu" mà 2 nước cần tuân thủ là, đó là: Duy trì sự độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các trở ngại bên ngoài; cân nhắc đúng mức các mối quan tâm quan trọng của nhau; bảo vệ nguồn cung ứng và mạng lưới công nghiệp ổn định, thông suốt; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tôn trọng chủ nghĩa đa phương và giữ vững mục đích, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin lại nhấn mạnh vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đề nghị Trung Quốc đóng vai trò tích cực, xây dựng trong việc tác động Triều Tiên trở lại đối thoại thay vì tiếp tục các hành động khiêu khích. Ngoại trưởng Park cũng bày tỏ sự mong đợi về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc trong năm nay.

Rõ ràng là có sự chệnh lệch rất lớn về lập trường giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi Hàn Quốc đề cập đến việc duy trì hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập gì đến việc này.

Thay vào đó, Trung Quốc đã nêu rõ đề xuất 5 yêu cầu và nhấn mạnh đây là “yếu tố chung lớn nhất cho ý chí của người dân Hàn Quốc và Trung Quốc và là nhu cầu cần thiết của thời đại”. Rõ ràng, Trung Quốc đã đưa ra một “lằn ranh đỏ” và gây sức ép toàn diện với Hàn Quốc.

Các nguồn tin cho biết tại cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhiều lần đề cập đến việc Hàn Quốc và Trung Quốc phải bảo vệ nguồn cung ứng và mạng lưới công nghiệp thông suốt. Đồng thời, phía Trung Quốc đã thể hiện lập trường không thoải mái về việc Hàn Quốc xem xét việc tham gia vào cái gọi là liên minh “Chip 4” để lập ra chuỗi cung ứng bán dẫn do Mỹ đứng đầu.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Trung được xem như hoạt động khởi đầu cho kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc (24/8/1992- 24/8/2022).

Tuy nhiên, những căng thẳng đã nảy sinh khi xuất hiện nhiều vấn đề nhạy cảm quốc tế và khu vực, khiến nhiều vấn đề vốn dĩ tồn đọng trong quan hệ 2 nước được đưa ra thảo luận.

"Không đứng về phía Mỹ"

Trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gây sức ép với Hàn Quốc với thông điệp “không đứng về phía Mỹ” trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung gia tăng mạnh mẽ.

Yêu cầu đầu tiên, đó là "duy trì độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các trở ngại bên ngoài", được hiểu là không đứng về phía Mỹ và không tham gia các hoạt động kiềm chế Trung Quốc. Đây được xem là nội dung nhằm kiềm chế sự tham gia của Hàn Quốc vào Khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi tháng 5 vừa qua.

Yêu cầu thứ hai, đó là “cần xem xét đúng mực mối quan tâm quan trọng của nhau”, được hiểu là Seoul cần tuân thủ khi xem xét việc triển khai bổ sung Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và nguyên tắc “3 không" - không triển khai bổ sung hệ thống THAAD, không tham gia liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn và không mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh yêu cầu thứ 3 là “bảo vệ chuỗi cung ứng và mạng lưới công nghiệp ổn định và thông suốt”. Điều này cho thấy rõ sự lo ngại của phía Trung Quốc về sự tham gia của Hàn Quốc vào liên minh “Chip 4” do Mỹ khởi xướng và dẫn dắt.

Ngoại trưởng Park đã nỗ lực tận dụng cơ hội để giải thích lập trường của Hàn Quốc trong việc sẽ tập trung vào “ổn định chuỗi cung ứng”, khác biệt với việc Trung Quốc đang tập trung vào “bảo vệ chuỗi cung ứng”. Ngoại trưởng Park trấn an rằng việc Hàn Quốc quyết định tham gia Hội nghị sơ bộ về "Chip 4" do Mỹ dẫn đầu “không nhằm loại trừ một quốc gia cụ thể nào” và Hàn-Trung cũng đang thảo luận về phương hướng thúc đẩy các cuộc tham vấn hoặc đối thoại quy mô nhỏ trong khu vực về các vấn đề chuỗi cung ứng.

Yêu cầu thứ tư mà Trung Quốc đưa ra là “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau” được hiểu là không can thiệp vào vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), và yêu cầu cuối cùng về “duy trì chủ nghĩa đa phương và tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc” được hiểu là một thông điệp để kiềm chế Hàn Quốc không tham gia các lệnh trừng phạt khác nhau của Mỹ.

Mặc dù báo chí Hàn Quốc đều ghi nhận cuộc gặp giữa 2 ngoại trưởng Hàn Quốc và Trung Quốc diễn ra trong không khí thân mật, song phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rõ rằng việc giữ vững yêu cầu 5 điểm là điều cần thiết để duy trì quan hệ Trung-Hàn.

Trong vai trò là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Yoon Seok-yul sang thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Park đã bày tỏ hy vọng “với tư cách là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, Hàn Quốc và Trung Quốc nên tăng cường giao tiếp chiến lược ở cấp cao nhất”. Ông cũng đề nghị tổ chức đối thoại an ninh và ngoại giao cấp thứ trưởng 2+2 vào nửa cuối năm nay để tiếp tục thúc đẩy các liên lạc Hàn-Trung ở cấp cao.

(theo Donga Ilbo, Korea Times)