2022 là một năm đặc biệt với ASEAN khi các thành viên đảm nhận vai trò chủ tịch các tổ chức quan trọng. (Nguồn: TTXVN) |
Đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng
Indonesia chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của mình vào cuối năm ngoái và tổ chức hội nghị ngoại trưởng vào ngày 7-8/7 vừa qua tại đảo Bali. Hội nghị này là bước chuẩn bị quan trọng cho hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến vào ngày 15-16/11 cũng tại Bali.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn trên nhiều mặt, nhờ nỗ lực tham vấn và kết nối tích cực của nước chủ nhà Indonesia, tất cả thành viên G20 đều cử ngoại trưởng tham dự hội nghị lần này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng khẳng định rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này đóng góp nhiều hơn cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy các nước G20 hành động thực chất nhằm tạo ra các bước đột phá lớn.
Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia tập trung vào ba vấn đề, bao gồm chăm sóc sức khỏe toàn diện, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và năng lượng bền vững.
Trong khi đó, Thái Lan cũng chính thức trở thành Chủ tịch APEC 2022 với chủ đề "Mở, kết nối, cân bằng”. Hội nghị Cấp cao APEC dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha giải thích chủ đề này là APEC "mở” cho mọi cơ hội, "kết nối" trong mọi khía cạnh và "cân bằng" trong mọi lĩnh vực. Là nước chủ nhà của APEC 2022, Thái Lan cam kết thúc đẩy các ưu tiên phát triển khu vực theo hướng tăng trưởng đồng đều và bền vững, đồng thời thúc đẩy APEC hướng tới một kỷ nguyên bền vững và cân bằng sau Covid-19 thông qua khái niệm nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (mô hình kinh tế BCG).
Với những thành tựu trong duy trì ổn định khu vực Đông Nam Á và xây dựng mạng lưới liên minh đa dạng toàn cầu, ASEAN có thể sẽ đảm nhận vai trò mang tính quốc tế hơn trong những năm sắp tới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo từng khẳng định rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là cơ hội để Indonesia đóng góp nhiều hơn cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Cơ hội cho những vai trò cao hơn
Trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Thái Bình Dương, lập trường trung lập của ASEAN có thể giúp khối này đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn trong việc điều phối các nỗ lực hòa giải hòa bình ở cấp độ toàn cầu.
Trong ASEAN, một số nước như Singapore và Việt Nam từng đóng vai trò trung gian tổ chức các cuộc gặp nhằm giảm leo thang căng thẳng.
Vào năm 2018, đảo quốc sư tử từng được lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhờ tính trung lập, an ninh đảm bảo và mối quan hệ ngoại giao tốt với cả hai nước. Tương tự, thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) vào năm 2019.
Tiếp tục duy trì vị thế cân bằng và trung lập trên trường quốc tế, ASEAN có thể mở rộng hợp tác qua các thỏa thuận kết nối phía Nam bán cầu và các nền kinh tế tiên tiến. Khối này đã đạt được những bước tiến đáng kể thông qua việc xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tiềm năng tăng cường các liên kết ASEAN-EU có thể được khai thác nhờ sự tham gia nhiệt tình của các nước Đông Nam Á trong các cơ chế của các nước phía Nam bán cầu.
Đặc biệt, ASEAN có thể trở thành một trong những trụ cột quan trọng của cơ chế BRICS+ thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), cũng như đóng vai trò tiên phong trong việc tạo ra một cơ chế gồm những nền kinh tế đang phát triển Á-Âu.
Hơn nữa, ASEAN cũng có thể là lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các thỏa thuận hội nhập khu vực. Điều này đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế thế giới khi vẫn chưa có cơ chế toàn cầu nào thúc đẩy hợp tác theo chiều ngang giữa các khối hội nhập khu vực và thiếu các liên kết ngoại giao ở cấp quốc gia.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018. (Nguồn: EPA) |
ASEAN có thể tạo ra một nền tảng như vậy nhờ khả năng hòa giải và lập trường trung lập, hướng tới gắn kết các tổ chức khu vực bao gồm cả G20 và ASEAN. EU (Liên minh châu Âu) hiện là tổ chức khu vực duy nhất của G20 và sự tham gia của ASEAN cũng như các tổ chức hội nhập khu vực khác hoàn toàn có thể mang lại tính toàn diện hơn cho nhóm này.
Một vài biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu mà ASEAN có thể theo đuổi bao gồm xây dựng “vòng tròn quan hệ" giữa các nền kinh tế khu vực và toàn cầu cùng chia sẻ những giá trị chung với ASEAN. Cách tiếp cận này có thể gọi là ASEAN+ tạo điều kiện xây dựng các cơ chế hợp tác, phát triển các mảng quan trọng như phát triển xanh, kinh tế số, giáo dục và y tế.
Trong không gian kỹ thuật số, ASEAN có thể tận dụng kinh nghiệm xây dựng các hiệp định kinh tế kỹ thuật số của Singapore và mở rộng quy mô các thỏa thuận đó lên cấp khu vực.
Đồng thời, ASEAN cũng có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong các tổ chức toàn cầu và đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt, ASEAN có thể xây dựng các liên minh trong khuôn khổ các thể chế toàn cầu với các nhóm khu vực khác, nhằm khuyến khích loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ và cởi mở hơn.
Đây là thời điểm mà các khu vực trên thế giới bắt đầu thúc đẩy tầm nhìn và chiến lược toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa không còn phụ thuộc vào một đất nước hay một tổ chức, mà xuất hiện ngày càng nhiều trên cộng đồng quốc tế. ASEAN có thể trở thành một trong những lực lượng đi đầu của tiến trình hướng tới toàn cầu hóa cân bằng, bao trùm và bền vững.