📞

25 năm GMS

14:02 | 30/03/2018
Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) đánh dấu 25 năm thành lập và hợp tác của GMS nhằm xây dựng khu vực sông Mekong thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững trong bối cảnh nhiều biến động của khu vực.

Tiếp sau thành công toàn diện của năm APEC Việt Nam 2017 mà đỉnh cao là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, GMS6 được tổ chức tại Hà Nội là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng nhất  trong năm 2018. Mặc dù Việt Nam đã là một nền kinh tế mở, mức độ hội nhập kinh tế khá cao, là thành viên của nhiều khu vực thương mại tự do ở cấp độ từ khu vực đến toàn cầu, nhưng hợp tác trong khuôn khổ GMS vẫn đóng vai trò rất quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và văn hóa- xã hội.

Định hướng 3 chữ "C"

Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các thành viên của GMS là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây). Mục tiêu dài hạn của chương trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các thành viên, đưa Tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

GMS ra đời cùng thời điểm Việt Nam tái nhận ODA, trước khi tham gia ASEAN 3 năm và sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc một năm. Vì thế, có thể nói việc tham gia GMS chính là bước đầu tiên của Việt Nam vào con đường hội nhập với khu vực và thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Mặc dù ADB giúp tạo thuận lợi cho tiến trình GMS, song sáng kiến này được định hướng bởi chính các quốc gia, với sự tập trung cao vào hành động chung để giải quyết những thách thức chung, được định hướng bởi 3 chữ C: kết nối (connectivity), cạnh tranh (competitiveness) và cộng đồng (community). Với cách tiếp cận bao quát này trong phát triển khu vực đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mekong, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. Hạ tầng giao thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, tập trung vào các hành lang kinh tế, là lĩnh vực hợp tác có kết quả nổi bật nhất, tập trung vào 3 hành lang chính: i) Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC); ii) Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC; iii) Hành lang kinh tế phía Nam (SEC).

Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 2 được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/1/2018.

Trong số 3 hành lang đó, Hành lang giao thông  Đông - Tây nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã hoàn thành từ năm 2007 hiện thực hóa giấc mơ “ăn sáng ở Việt Nam, ăn trưa ở Lào, ăn chiều ở Thái Lan. Các nước GMS đã bước đầu thực hiện thí điểm những quy định của Hiệp định GMS về kiểm tra hải quan tại một số cặp cửa khẩu dọc hành lang EWEC là Mukdahan - Savanakhet và Dansavanh - Lao Bảo.

Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành hạ tầng giao thông trên phần lãnh thổ Trung Quốc thuộc 2 hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng và đang mong muốn Việt Nam đẩy nhanh khơi thông 2 tuyến này. Trung Quốc đồng thời thúc đẩy hợp tác với một số nước thượng nguồn Mekong (Thái Lan, Myanmar) để chở dầu và mở một số tuyến giao thông đường sắt, đường bộ qua các nước này để kết nối với khu vực và thế giới. Nhận thức rõ tiềm năng to lớn của khu vực lưu vực sông Mekong, từ năm 2004 Trung Quốc đã tham gia tích cực chương trình GMS.

Phía Trung Quốc giáp biên giới với Việt Nam có 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Quảng Tây là tỉnh biên giới miền núi phía Nam của Trung Quốc có khoảng 50 triệu dân. Kinh tế Quảng Tây chưa phát triển, trình độ dân trí cũng thấp và không đồng đều giữa các khu vực. Tỉnh Vân Nam là một tỉnh phía Tây Nam, có diện tích 380.000km2, nằm trên cao nguyên Vân Quý với dân số trên 40 triệu người thuộc 24 dân tộc. Riêng Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam đã có diện tích 15.000km2 và số dân 3.200.000 người. Vân Nam là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh Tây Nam, Trung Quốc để mở cửa vào khu vực biển Đông và các nước Đông Nam Á. Tuy xa lưu vực Mekong nhưng Quảng Tây nằm ở trung tâm khu tự do mậu dịch Trung Quốc - ASEAN. Mặt khác, Quảng Tây có 8 huyện biên giới tiếp giáp với Việt Nam với 12 cửa khẩu, các tuyến đường sắt, đường bộ có thể đi thẳng tới Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho 2 bên mở rộng hợp tác đầu tư.

Ký nghị định thư.

Cần nỗ lực hơn, hợp tác chặt chẽ hơn

Với diện tích lên tới 2,6 triệu km2 và dân số trên 340 triệu người, GMS có tiềm năng kinh tế lớn và có vị trí địa chính trị quan trọng, tuy nhiên đây là khu vực phát triển thấp của các nước thành viên, trình độ phát triển không đồng đều và đang đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu bất lợi. Hiện nay GMS đang triển khai khung chiến lược hợp tác thời kỳ 2012-2022 được thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 tổ chức tháng 12/2011 tại Myanmar và chủ đề “Cam kết phát triển bền vững và bao trùm tiểu vùng Mekong” được thông qua tại Hội nghị cấp cao GMS lần thứ 5 tháng 12/2014 tại Bangkok.

Cho đến nay, GMS đã tổ chức 5 Hội nghị cấp cao và 22 Hội nghị cấp Bộ trưởng. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 22 được tổ chức tại Việt Nam tháng 9/2017 đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội. Đây là một kế hoạch có vai trò rất quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS đến năm 2022, kêu gọi mở rộng các hành lang kinh tế để tăng tính kết nối giữa các quốc gia, cũng như giữa vùng nông thôn và các trung tâm đô thị, nhằm bảo đảm những lợi ích của tăng trưởng được phân bổ đồng đều hơn.

Tại Hội nghị này, các bộ trưởng GMS đã thông qua một danh mục định hướng gồm 222 Dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 64 tỷ USD. Kế hoạch Hành động Hà Nội chính là định hướng khung cho 5 năm tới, sẽ được các nhà lãnh đạo các nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6. Để thực hiện có kết quả các nội dung hợp tác GMS, nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề, cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực và niềm tin cho hợp tác GMS trong thời gian tới.

Trong chiến lược Giao thông mới cần xây dựng một hệ thống giao thông GMS liền mạch, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc cải thiện các tuyến kết nối với Nam Á và những nơi khác ở Đông Nam Á, thúc đẩy giao thông xuyên biên giới, tăng cường kết nối giao thông liên phương thức và phát triển dịch vụ giao nhận hậu cần, đồng thời nâng cao an toàn giao thông đường bộ.

Về hợp tác Du lịch GMS 2016 - 2025 cũng được thông qua để tạo điều kiện cho việc phát triển các điểm đến cạnh tranh hơn, cân bằng và bền vững. Trong lĩnh vực nông nghiệp cần thực thi chiến lược thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường, cũng như một kế hoạch để tăng cường sự hội nhập vào chuỗi giá trị, với sự tham gia của các nông hộ nhỏ, phụ nữ nông thôn và các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp nhỏ và vừa.

Sau 25 năm ra đời, GMS đã đi được một chặng đường dài. Với vai trò Ban thư ký của hợp tác GMS, ADB đã điều phối và huy động đầu tư 20 tỷ USD, không tính các dự án đầu tư quốc gia, đã xây dựng được 10.000km đường cao tốc, 500km đường sắt, 2000 đường dây tải điện… và nhiều dự án khác.

Ngoài giá trị có thể tính bằng tiền, một khuôn khổ hợp tác liên vùng hiệu quả đã được hình thành làm động lực để các nước thành viên mở rộng hợp tác, phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

TS. Nguyễn Xuân Nho