📞

Ba câu hỏi liên quan đến việc Fed tăng lãi suất

23:26 | 17/12/2016
Việc Fed vừa qua tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm, lên ngưỡng từ 0,5% đến 0,75%, đã đặc biệt thu hút sự chú ý của thế giới. 

Sau sự kiện Fed tăng lãi suất, các tờ báo đã đăng nhiều câu hỏi của các nhà nghiên cứu, phân tích về động thái mà được coi là “cuộc cách mạng” từ gần 10 năm nay Fed mới tiến hành. Dưới đây là 3 câu hỏi được đề cập nhiều nhất.

Việc Fed tăng lãi suất được coi là “cuộc cách mạng” bởi sau gần 10 năm Fed mới tiến hành. (Nguồn: Future Currency Forecast)

Tại sao Fed nâng lãi suất?

Trước tiên là vì kinh tế Mỹ hiện nay đã đạt tới điểm chín muồi. Trước đây, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng trung ương phải áp dụng lãi suất rất thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân của nền kinh tế giảm bớt gánh nặng khi vay vốn.

Tiếp nữa, thị trường lao động tại Mỹ hiện nay gần như được đáp ứng đầy đủ các yếu tố cần thiết để Fed tăng lãi suất. Cụ thể là, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ dưới 5%, thấp hơn 2 lần so với giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2009. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục, thậm chí hiện chỉ còn 4,6%. Đây là một trong những tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 9 năm qua. Chủ tịch Fed Janet Yellen đã luôn thận trọng với vấn đề thất nghiệp nên đã nhiều lần trì hoãn tăng lãi suất - một việc được coi là sự “bình thường hóa” chính sách tiền tệ của Fed.

Bên cạnh đó, còn một chỉ số thuận lợi khác cho Mỹ, đó là lạm phát. Gần giống như châu Âu, Mỹ đang phải tìm cách thúc đẩy giá cả tăng lên nhưng người Mỹ đã làm tốt hơn người châu Âu. Lạm phát tháng 11/2016 ở Mỹ đạt 1,4%, gần đạt mục tiêu 2%, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu vẫn dao động xung quanh 0,5%.

Như vậy, tất cả mọi đèn xanh đều đã được bật để Ngân hàng Trung ương Mỹ thu được thêm lợi nhuận.

Việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống?

Nhu cầu nội địa tại Mỹ sẽ được kích lên nhờ việc giảm thuế nằm trong chương trình của Tổng thống mới của Mỹ. Kế hoạch của ông Donald Trump về việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng cơ sở (1.000 tỷ USD), kết hợp với giảm thuế cho người dân và các doanh nghiệp, là những yếu tố chắc chắn đã được Fed tính đến. Điều này sẽ có tác động tới lạm phát và như vậy hiển nhiên dẫn tới tăng lãi suất.

Cũng như trong những tháng qua, Fed sẽ áp dụng bước đi thận trọng trong năm 2017 trong khi chờ đợi xem ông Donald Trump có thể sẽ thực sự làm những điều gì. Nhưng điều chắc chắn là đồng bạc xanh sẽ đắt đỏ hơn. Trong mọi trường hợp, từ nay đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, tức trong nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của bà Janet Yellen, chắc chắn tỷ lệ lãi suất mà Fed áp dụng sẽ là khoảng 2%.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của bà Janet Yellen, chắc chắn tỷ lệ lãi suất mà Fed áp dụng sẽ là khoảng 2%. (Nguồn: Celebrity Family)

Sự kiện này có gây hậu quả gì cho châu Âu?

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) có những hoạt động độc lập, nhất là chính sách mua lại ồ ạt các khoản nợ, thì chính chính sách tiền tệ của Mỹ mới là yếu tố quyết định. Về ngắn hạn, châu Âu, nhất là các ngân hàng cũng sẽ phải tăng lãi suất. Điều này càng gây khó khăn khi các nước châu Âu đang cố gắng cải thiện thâm hụt ngân sách bởi lãi suất càng tăng thì việc cải thiện ngân sách càng kém hiệu quả.

Một điều nữa cũng cần quan tâm, đó là gánh nặng về nợ cho các quốc gia châu Âu, nhất là Pháp vì nước này vẫn đang vay nợ với các khoản lãi suất âm, tuy nhiên không rõ là việc nay nợ này sẽ kéo dài được bao lâu. Nhìn chung, rất nhiều chuyên gia đang chỉ ra những rủi ro về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Âu do ảnh hưởng bởi việc đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.

(theo Financial Times)