Chính phủ trung ương Trung Quốc đã sử dụng hỗ trợ tài chính và nới lỏng tiền tệ để xoa dịu những tổn thất do biện pháp bảo hộ của Mỹ gây ra. (Nguồn: CNN) |
Một năm trước, chuyên gia quốc tế Dan Steinbock dự đoán, tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc có thể đạt mức 6,2%, nếu các nhà hoạch định chính sách có thể duy trì tăng trưởng chất lượng cao (như dựa vào cải thiện năng suất và cải tiến công nghệ) trong khi cắt giảm nợ công. Đến nay, kịch bản này vẫn có cơ sở hợp lý.
Có tiềm năng tăng trưởng dài hạn
Các bài phân tích quốc tế mới đây dự đoán năm 2020, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có hạ nhiệt xuống dưới 6%” do sức tiêu thụ giảm sút, đầu tư tư nhân “dè dặt” và xuất khẩu thu hẹp. Các dự đoán này được cho là mang tính tiêu cực. Trên thực tế, sự giảm tốc của Trung Quốc đúng với các dự đoán mang tính dài hạn. Nửa thập kỷ trước, IMF dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 6,1 - 6,2% vào năm 2020. Sai số “nhỏ” này có thể do thương chiến với Mỹ.
Tuy nhiên, năm 2020, con số cuối cùng có thể dao động ở mức 5,8 - 6%. Hầu hết các dự đoán kinh tế hiện nay tập trung vào triển vọng tăng trưởng năm 2020. Hãy nhìn ra xa hơn và xem các triển vọng kinh tế vào năm 2020 có thể hỗ trợ cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn của Trung Quốc - đó là giảm nợ và cải cách cấu trúc vào năm 2020 - 2024 và tái cân bằng vào năm 2030 - hay không.
Nếu phớt lờ cam kết về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống và sự ổn định, chính phủ Trung Quốc có thể đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn, nhưng sẽ gây tổn hại tới đời sống của người dân và môi trường. Song, các nhà hoạch định chính sách cũng không thể chấp nhận sự giảm tốc quá mạnh. Nỗ lực để tăng gấp đôi tiêu chuẩn sống - được đánh giá qua GDP bình quân đầu người - trong giai đoạn 2010 - 2020 đòi hỏi Trung Quốc phải đạt mức tăng trưởng khoảng 6,1% vào năm 2019 - 2020.
Giả sử bối cảnh quốc tế được duy trì ổn định và cuộc chiến thương mại được kiểm soát, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm từ mức đỉnh là 14,3% vào năm 2007 xuống 5,5% vào năm 2024.
Tại Trung Quốc, chính phủ trung ương đã sử dụng hỗ trợ tài chính và nới lỏng tiền tệ để xoa dịu những tổn thất do biện pháp bảo hộ của Mỹ gây ra. Bởi vậy, nợ công của Trung Quốc đã được thu hẹp (64% GDP). Tuy nhiên, không giống các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt giảm nợ.
Trên thực tế, việc cắt giảm nợ và giảm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng đã kiềm chế sự gia tăng các rủi ro tài chính, dù vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. Trung Quốc cũng đang tiến hành các cải cách cấu trúc lớn, thậm chí giữa lúc cuộc chiến thuế quan của Mỹ diễn ra. Và không giống như các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc vẫn có tiềm năng tăng trưởng dài hạn lớn.
Thương chiến với Mỹ vẫn còn khó đoán định. (Nguồn: Daily Radiogk) |
Ba kịch bản của thương chiến Mỹ - Trung năm 2020
Bất luận thái độ lạc quan trong thời gian qua, đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa hoàn tất. Mặc dù các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1” tập trung vào vấn đề nông nghiệp, nhưng các bất đồng cốt lõi khác vẫn chưa được giải quyết, bao gồm các vấn đề như sở hữu trí tuệ và công nghệ, và tiếp cận thị trường tài chính.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2020 có thể đi theo 3 kịch bản. Thứ nhất, trong kịch bản “cuộc chiến thương mại được kiểm soát”, hai bên sẽ nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và định hướng đàm phán trong dài hạn về các bất đồng mang tính cốt lõi. Kịch bản này sẽ giúp thúc đẩy các triển vọng kinh tế toàn cầu, qua việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thế giới.
Thứ hai, trong kịch bản “chiến tranh công nghệ”, hai bên sẽ nhất trí về một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng không nhất trí về định hướng đàm phán dài hạn. Một “hiệp định đình chiến” sẽ là phần mở đầu của cuộc chiến thương mại dài hơi, mà ở đó Nhà Trắng sẽ viện tới “lý do an ninh quốc gia” để tận dụng các công cụ “chống cạnh tranh” nhằm làm xói mòn thành công 5G của Trung Quốc và sự bành trướng của Huawei. Kịch bản này sẽ dẫn tới các triển vọng u ám tại tất cả các nền kinh tế lớn.
Thứ ba, trong kịch bản “chiến tranh hỗn hợp”, thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" sẽ bị suy yếu, trong khi hai bên không đạt được định hướng đàm phán dài hạn. Thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở đầu tư nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu của các tổ chức đa quốc gia. Trong kịch bản này, thế giới sẽ phải hứng chịu các hậu quả tồi tệ nhất khi Mỹ sẽ viện tới các công cụ kinh tế, chính trị, quân sự và các biện pháp giấu diếm khác để kiềm chế sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc và nước này sẽ đáp trả.
Theo như lời cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào giai đoạn "giảm tốc đồng bộ". Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Mỹ và Trung Quốc không đi theo kịch bản “cuộc chiến thương mại được kiểm soát”.