📞

30.000 hộ nông dân vùng Đông Bắc được hỗ trợ tài chính từ IFAD

09:32 | 25/03/2017
Ngày 24/3, Việt Nam và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã ký thỏa thuận về vay vốn, theo đó IFAD sẽ hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao thu nhập và mức sống cho 30.000 hộ nông dân ở vùng Đông Bắc của Việt Nam. 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện và Chủ tịch IFAD, ông Kanayo F. Nwanze đã ký thỏa thuận trên tại trụ sở IFAD ở Rome.

Người nông dân Bắc Kạn. (Nguồn: tinmoi)

Theo thỏa thuận, IFAD sẽ cung cấp 43 triệu USD trong khoản tín dụng 74,3 triệu USD để thực hiện Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ ở Bắc Kạn và Cao Bằng. Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp 20,6 triệu USD cho dự án, còn các địa phương thụ hưởng dự án cung cấp 10,7 triệu USD.

Mục tiêu của dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ ở Bắc Kạn và Cao Bằng là cải thiện khả năng tiếp cận của nông dân và người lao động ở nông thôn với các thị trường hàng hóa và lao động, cũng như tăng cường khả năng thích nghi của lớp người nghèo nông thôn trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Giám đốc Chương trình quốc gia IFAD tại Việt Nam Henning Pederson cho rằng Bắc Kạn và Cao Bằng nằm trong số những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Người dân ở hai tỉnh này chủ yếu sống dựa vào canh tác tự cung, tự cấp. Gần 90% trong tổng chi tiêu của mỗi cá nhân ở vùng nông thôn dành để đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Người dân ở đây dễ bị tổn thương trước những cú sốc về thời tiết và sự xuống cấp của nguồn nước và đất đai, cũng như khó xoay xở khi nảy sinh những khoản chi tiêu đột xuất.

Theo đại diện IFAD, Việt Nam đã được hưởng lợi nhiều nhờ mức tăng trưởng kinh tế cao - đưa gần 30 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng tạo ra bất bình đẳng thu nhập và tình trạng xuống cấp về môi trường. Thu nhập bình quân đầu người ở vùng nông thôn chỉ bằng gần một nửa so với vùng đô thị. Tại hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng, hơn 70% số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dự án nói trên sẽ hỗ trợ nông dân vùng nông thôn tiếp cận với nguồn tài chính, hoạt động kinh doanh, các khóa đào tạo về kỹ thuật, đồng thời giúp cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng như đường sá nông thôn, tạo thuận lợi để người nông dân tiếp cận với các thị trường và chuỗi hàng hóa, qua đó nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. 

(theo TTXVN)