📞

4 năm sau phán quyết PCA: Trung Quốc vẫn hung hăng tại Biển Đông nhưng pháp luật sẽ được thượng tôn

17:49 | 13/07/2020
TGVN. Đã 4 năm kể từ khi PCA ra phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có các động thái khiêu khích nhưng phán quyết của PCA vẫn sẽ được nhắc đến như một sự ngợi ca tính thượng tôn pháp luật, như là phương thức để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và chỉ rõ ai là người sai lầm khi cố đeo bám những yêu sách đi ngược lại phán quyết này.
Đoàn đại biểu Philippines dự phiên điều trần trước PCA vào tháng 7/2015. (Nguồn: AP)

Phán quyết chỉ rõ "ai là người sai"

Ngày 12/7, Philippines đã một lần nữa kêu gọi tuân thủ phán quyết 4 năm trước của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye, trong đó vô hiệu hóa những yêu sách tham lam của Trung Quốc tại Biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử mà không có bất kỳ khả năng thỏa hiệp nào.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra lời kêu gọi nói trên nhân lễ kỷ niệm ngày 12/7/2016, ngày PCA ra phán quyết mà ông cho rằng đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề quyền lịch sử và các quyền hàng hải tại Biển Đông dựa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Locsin tuyên bố: "Phán quyết này là không thể đem ra thương lượng. Tòa án có thẩm quyền đã phán quyết rằng, những tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý". Đây là tuyên bố đanh thép nhất mà Philippines đưa ra cho tới nay trong việc đánh dấu bước ngoặt này.

Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án và đã từ chối tham gia vào tiến trình phân xử sau khi Chính quyền của tổng thống Philippines thời điểm đó, ông Benigno Aquino III, thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển này hồi năm 2013. Trung Quốc đến nay vẫn không tuân thủ phán quyết của PCA, tiếp tục có những động thái hung hăng dẫn tới các tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Philippines và Malaysia trong những năm gần đây.

Tổng thống Philippines đương nhiệm Rodrigo Duterte, người đã ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, nêu ra vấn đề này trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm ngoái, tuy nhiên nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thừng đáp rằng "Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường".

Ông Duterte từ lâu đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc và các nhóm cánh tả ở Philippines chỉ trích vì không ngay lập tức và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Ông Duterte ban đầu đã hạ thấp mức độ ưu tiên của phán quyết này nhằm khôi phục mối quan hệ với Trung Quốc, vốn đã trở nên căng thẳng do xảy ra các tranh chấp lãnh thổ kéo dài. Ông tìm tới Trung Quốc vì lý do thương mại, đầu tư và viện trợ, đồng thời thường xuyên đả kích các chính sách an ninh của Mỹ.

Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Mỹ không tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng nhiều thập kỷ qua đã triển khai tàu và máy bay chiến đấu để tuần tra và thúc đẩy quyền tự do hàng hải tại vùng biển đông đúc này.

Phán quyết của PCA cũng ủng hộ quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nơi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã khiến kế hoạch khai thác dầu mỏ và khí đốt của Manila bị trì hoãn nhiều năm.

Ngoại trưởng Locsin nhấn mạnh, PCA đã phán quyết rằng, các hành động diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là xâm phạm quyền chủ quyền của nước này và do đó "là bất hợp pháp".

Ông cũng nêu ra những vi phạm khác của Trung Quốc được PCA viện dẫn, trong đó có cải tạo quy mô lớn và xây dựng các đảo nhân tạo gây tổn hại môi trường nghiêm trọng. Ông nói: "Sự tuân thủ có thiện chí đối với phán quyết này sẽ phù hợp với những nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi kỷ niệm việc ban hành phán quyết này như một sự ngợi ca tính thượng tôn pháp luật, như là phương thức để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và chỉ rõ ai là người sai lầm khi cố đeo bám những yêu sách đi ngược lại phán quyết này".

Tiếp tục các động thái khiêu khích

Đã 4 năm kể từ khi PCA ra phán quyết về Biển Đông, song theo các nhà phân tích, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có các động thái khiêu khích và áp dụng chiến thuật sử dụng sức mạnh tại vùng biển này.

Theo trang mạng Times of India, nhằm khiêu khích các nước láng giềng cũng như phương Tây, Trung Quốc gần đây đã điều một tàu hải cảnh tới các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trang Express.co.uk đưa tin, tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc ngày 1/7 đã rời cảng Sanya ở tỉnh Hải Nam, các dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho thấy, con tàu này đã dừng ở Đá Subi- một trong số những căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV) ngày 2/7.

Andrew Scobell, nhà phân tích khoa học chính trị cấp cao của Tập đoàn RAND có trụ sở tại Mỹ, đồng thời cũng là giáo sư Đại học Thủy quân Lục chiến- đánh giá, đây là các động thái của Bắc Kinh nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình, sử dụng mọi sức mạnh của quốc gia.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và hung hăng khẳng định các tuyên bố chủ quyền này trong những năm gần đây. Ngày 23/4, trong một cuộc họp trực tuyến với ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến thuật hăm dọa ở Biển Đông trong khi cộng đồng quốc tế đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.

(theo AP)