📞

4 ngày bận rộn ở San Francisco, bờ Tây nước Mỹ

Tuấn Anh 20:30 | 11/02/2024
Khi lên đường đi San Francisco - trung tâm văn hóa, thương mại và tài chính ở tiểu bang California, tôi hơi có chút căng thẳng trong lần đầu tiên đến Mỹ. Sau vài câu hỏi về mục đích tôi nhập cảnh, khi biết là phóng viên đến đưa tin tại Tuần lễ cấp cao APEC 2023 (tháng 11), nụ cười dễ thương của nữ sĩ quan tại sân bay quốc tế San Francisco khiến tôi tự tin hơn để khám phá.
Nob Hill, San Francisco.

Trước khi đi, tôi tìm hiểu và được biết San Francisco lừng danh với hơn 50 ngọn đồi bên trong địa giới thành phố. Một số khu dân cư được đặt tên của ngọn đồi mà chúng nằm trên đó như: Nob Hill, Potrero Hill hay Russian Hill (Hill có nghĩa là đồi). Trên đường về khách sạn, tôi vẫn bất ngờ về độ dốc của những con đường cũng như sự kỳ lạ của các tòa nhà khi nhìn qua kính xe ô tô, cứ như một bức tranh uốn lượn vậy.

Kể thì nhìn đường phố từ trên đỉnh đồi cũng thú vị do San Francisco có sự kết hợp đa dạng của nhiều nền kiến trúc khác nhau nhưng với hơn 10 kg máy móc lỉnh kỉnh trên người mà phải đi bộ leo lên rồi lại “lao” xuống trong quãng đường gần 1,5km từ khách sạn đến Trung tâm Moscone - nơi diễn ra các sự kiện chính của APEC 2023 cũng khá vất vả với người chăm thể dục như tôi. Được cái, thời tiết của San Francisco thời điểm ấy hơi lạnh và gió nhiều do ba bên của thành phố đều giáp biển nên cũng không đến nỗi mướt mồ hôi.

Là địa điểm du lịch nổi tiếng, San Francisco được biết với các địa danh: cầu Cổng Vàng, tàu điện cáp treo, nhà tù Alcatraz, bến Ngư Phủ và khu phố Tàu. Thành phố còn là nơi đặt trụ sở chính của các công ty đa quốc gia nổi tiếng như: Wells Fargo, Twitter, Square, Dropbox, Pacific Gas and Electric Company, Uber và Lyft... Đây cũng là trung tâm khoa học và nghệ thuật mang tầm thế giới với Bảo tàng de Young, Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco, Nhà hát giao hưởng San Francisco, Bảo tàng nghệ thuật châu Á. Cũng là nơi có nhiều cơ sở giáo dục thu hút đông sinh viên quốc tế như: Đại học California, San Francisco (UCSF), Đại học San Francisco (USF), Đại học Liên bang San Francisco (SFSU), Học viện Khoa học California…

Tuy biết các địa danh này nằm trong thành phố, nhưng cánh phóng viên trong đoàn chẳng ai đến được vì lịch trình làm việc trong bốn ngày dày đặc cũng như an ninh thắt chặt. Tôi tranh thủ lúc tác nghiệp, được đến vài địa danh kể trên.

Ngắm Bảo tàng nghệ thuật châu Á

Điểm đến đầu tiên của tôi là Bảo tàng Nghệ thuật châu Á tọa lạc ở khu Civic Center - nơi có nhiều tòa nhà cơ quan chính quyền và trung tâm văn hóa lớn nhất thành phố. Đây cũng là nơi có hai quảng trường lớn: Civic Center Plaza và United Nations Plaza cũng như một số tòa nhà theo phong cách kiến trúc cổ điển. Tiếng là đến Bảo tàng, tôi chỉ được vào và tác nghiệp trong 30 phút, không kịp ngắm bất cứ tác phẩm nào trong số bộ sưu tập hơn 18.000 tác phẩm nghệ thuật và vật phẩm: tranh, đồ gỗ, áo giáp… đa dạng nhất thế giới đến từ khắp châu Á. Có chăng, trong lúc chờ đợi, tôi được ngắm kiến trúc rất đẹp bên ngoài với quảng trường và tòa Tòa thị chính San Francisco tuyệt đẹp ở phía đối diện.

Dù nhìn qua quảng trường, vẫn có thể thấy sự đồ sộ của Tòa thị chính mà sách báo tả là rộng tới 46.000 m², dài 119m dọc theo đại lộ Van Ness và phố Polk. Mái vòm của tòa nhà cao tới 94m, có kiến trúc giống vòm Tòa nhà Baroque Les Invalides ở Paris, Pháp.

Tác giả tác nghiệp tại Hội nghị cấp cao APEC 2023.

Đến cầu Cổng Vàng có... màu cam đỏ

Ở điểm đến thứ hai, tôi có cơ hội đi trên cây cầu nổi tiếng thế giới: cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) - cửa ngõ vào vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Nổi tiếng bởi lẽ, khi được hoàn thành vào năm 1937, Cổng Vàng là cây cầu treo dài nhất trên thế giới, được lấy làm bối cảnh cho nhiều bộ phim như: It Came from Beneath the Sea, Superman: The Movie, X-Men: The Last Stand, Monsters vs Aliens... Hơn nữa, do có sự pha trộn hoàn hảo giữa kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng, nó trở thành biểu tượng quốc tế của San Francisco, California.

Có điều khi đến gần, màu thực tế của cây cầu lại là cam đỏ dù gọi là cầu Cổng Vàng do sương mù nên không có nắng chiếu vào cầu tạo thành màu vàng huyền ảo như phim ảnh. Hơi tiếc là lúc đến, sương mù dày đặc khiến tôi không thể phóng tầm mắt quan sát được vẻ đẹp của vịnh San Francisco. Vậy nên nếu đến đây, bạn có thể đi vào mùa Hè sẽ mãn nhãn hơn. Đi trên cầu thấy khá hẹp, chỉ đủ hai làn xe mỗi bên, không có cảm giác “hầm hố, to lớn” như trên phim. Dù sao tôi cũng khá sung sướng được đến một trong những biểu tượng nổi danh của nước Mỹ.

* * *

Tuy vậy, một ấn tượng không mấy dễ chịu khi đi trên đường phố San Francisco thời điểm này là tình trạng người vô gia cư đông đúc (năm 2022 ước khoảng 7.700 người vô gia cư với hơn 4.300 người không có nơi trú ẩn) khiến tình hình an ninh phức tạp và vệ sinh đường phố bị ảnh hưởng. Không dưới hai lần tôi được người đi đường chỉ vào đống máy móc lỉnh kỉnh đeo trên người với lời nhắc nhở “Be careful!”.

Trước đại dịch Covid-19, đường phố San Francisco nhộn nhịp khách du lịch (25 triệu người/năm), các nhà hàng chật cứng và trung tâm thương mại đông đúc người mua sắm. Dịch dã đã khiến ngành du lịch, lưu trú đóng băng, khối doanh nghiệp công nghệ sa thải hàng loạt nhân viên và ngành bán lẻ điêu đứng… Vô hình trung, người vô gia cư, cộng với trời đầy sương mù và ẩm ướt của mùa đông khiến khung cảnh San Francisco trông hơi vắng vẻ, tiêu điều.

Để vực dậy nền kinh tế thành phố, chính quyền liên bang đã chọn San Francisco là địa điểm tổ chức APEC 2023, một trong những sự kiện ngoại giao - theo báo chí Mỹ là lớn nhất mà người dân thành phố này từng chứng kiến trong 80 năm qua. Theo Hiệp hội Du lịch San Francisco, Tuần lễ cấp cao APEC mang lại 52,8 triệu USD cho kinh tế địa phương và du khách đã đặt tổng cộng 55.000 chỗ tại khách sạn.

Dù chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” ở San Francisco, nhưng với lịch sử phát triển của thành phố, tôi cho rằng địa danh nổi tiếng này sẽ sớm lấy lại vị thế là một trong bốn thành phố hàng đầu nước Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tiếp tục trở thành điểm nóng thu hút khách du lịch trong tương lai rất gần.