Addis Ababa có nghĩa là “bông hoa mới” trong tiếng Amharic. Năm 1886, Hoàng hậu Taytu Betul đã đặt tên cho thành phố này khi bà nhớ đến một loài hoa đẹp hiếm có mà bà từng thấy.
Những người bán hàng thời trang tại khu chợ trước Phủ Tổng thống tại thủ đô Addis Ababa. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Qua những ô cửa kính
Sau khoảng 10 tiếng đồng hồ bay từ Hà Nội, chúng tôi đã đến thủ đô Addis Ababa lúc 14h (giờ địa phương). Ghé nhìn qua ô cửa kính máy bay, một màu nâu hiện ra dưới mắt tôi. Lúc này, ngoài trời đang là 19 độ, se lạnh như một đợt gió mùa Đông Bắc mỗi độ cuối Thu đầu Đông. Addis Ababa - thường được gọi tắt là Addis - nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, nhờ vậy khí hậu nơi đây luôn mát mẻ và dễ chịu. Sân bay quốc tế Bole tương đối rộng rãi và được giữ gìn sạch sẽ dù khá cũ kỹ. Trong sân bay có cả chỗ cầu nguyện cho người đạo Hồi. Leo lên chiếc xe bus đã chờ phía ngoài, tôi chọn chỗ ngồi cạnh ô cửa kính để ngắm nhìn Addis.
Dọc con đường dài chừng 7km từ sân bay quốc tế Bole về khách sạn Sheraton Addis - nơi được ví von là chốn thiên đường của châu Phi với không gian mát rượi và thức uống hảo hạng, tôi nhận thấy, trên các tòa nhà cao tầng hay những căn nhà nhỏ đều có một chảo antena. Phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô, phần lớn rất cũ, thỉnh thoảng có sự xuất hiện của “chuyên gia vận chuyển” là các chú lừa. Đặc biệt, ở thủ đô gần như không có sự xuất hiện của xe máy và xe đạp. Trên vỉa hè, người dân đứng vẫy những chiếc xe bus xanh trắng chạy ngang dọc khắp các con phố. Bên trong xe, những hành khách chen chúc nhau ngồi, hàng hóa chất đầy nóc.
Là một trong những quốc gia có nền độc lập lâu đời nhất trên thế giới, có vị trí địa lý là trục nối giữa các nền văn minh Bắc Phi, Trung Đông và châu Phi cận sa mạc Sahara, Ethiopia không chỉ nổi tiếng bởi những vẻ đẹp độc đáo do thiên nhiên ban tặng cùng các di sản lịch sử, mà còn về sự đa dạng chủng tộc. |
Đường phố Addis tương đối rộng với nhiều làn xe, tuy nhiên, rất ít đèn tín hiệu giao thông. Khác với phong cách “điền vào chỗ trống” mà nhiều lần tôi đã chứng kiến ở Việt Nam, cánh tài xế Addis kiên nhẫn chờ đợi để di chuyển và nhường đường cho người đi bộ.
Trung tâm thủ đô Addis Ababa như một công trình xây dựng khổng lồ, nhiều khu đô thị mới mọc lên, trong đó, có lẽ nhiều công trình do Trung Quốc xây dựng bởi có những biển hiệu, cảnh báo bằng tiếng Trung rất to. Những chiếc đèn lồng đỏ được treo ngay lối vào mỗi tòa nhà, những khu phức hợp với các tòa tháp hiện đại, tôi thấy Addis giống như một khu phố sầm uất ở Thâm Quyến hay Trùng Khánh của Trung Quốc vậy. Cũng tại thành phố này, vào năm 2020, một tòa tháp 46 tầng sẽ được hoàn tất, trở thành tòa nhà cao nhất Ethiopia. Công trình này được các doanh nghiệp Bắc Kinh tài trợ toàn bộ kinh phí và có thể sẽ trở thành trụ sở của Liên minh châu Phi (AU) trong tương lai.
Tác giả trên đường phố Addis Ababa. (Ảnh: VNCC) |
Theo CNN, trong gần hai thập kỷ qua, các công ty của Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt công trình ở thành phố lớn nhất Ethiopia này như: tuyến đường sắt dài 750 km nối Addis với cảng Djibouti ở Biển Đỏ, Giao lộ Gotera trị giá 12,7 triệu USD, tuyến cao tốc 6 làn trị giá 800 triệu USD cùng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở châu Phi…
Một Ethiopia mến khách
Buổi sáng duy nhất tại Addis, tôi tranh thủ thời gian ngắn ngủi dạo quanh khu chợ địa phương gần khách sạn đang ở. Trước đó, tôi được cảnh báo không nên ra ngoài nếu không có nhiệm vụ để đảm bảo an toàn. Nhưng sự tò mò chiến thắng, tôi đánh liều bước ra phố, khám phá Addis và ghi lại những hình ảnh ấn tượng về cảnh quan và con người nơi đây. Thấy tôi, anh chàng bản địa đang nhặt cỏ trong vườn hoa trước cổng khách sạn cất lời: “Việt Nam?”. Anh đưa cánh tay vẫy chào và ra hiệu rằng tôi nên giữ máy ảnh cẩn thận.
Con đường từ khách sạn đến khu chợ không xa nhưng vắng vẻ đủ để tôi cảm thấy “loạn nhịp”. Cố gắng gạt bỏ những lo lắng, tôi chậm rãi bước đi và tận hưởng đất trời, con người Addis. Trời nắng nhẹ, hơi se lạnh. Một người vô gia cư cuộn mình trong chiếc chăn mỏng. Chú chó nhỏ nằm kế bên, đôi mắt lim dim ngủ ngon lành. Những đứa trẻ đang đùa nghịch và chạy nấp vào nhau khi nhìn thấy máy ảnh. Phía bên đường, chừng 5m tôi lại thấy một cảnh sát cầm súng và luôn trong tư thế sẵn sàng. Trên phiến đá cạnh đường, hai nữ cảnh vệ ngượng ngùng quay khỏi ống kính máy ảnh, rồi tủm tỉm cười. Sự xuất hiện của họ khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn.
Các em nhỏ trên đường phố Addis Ababa. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Xung quanh chợ, những chiếc ô tô cũ kỹ, nhiều màu sắc nằm im lìm. Tôi bỗng nhớ đến Việt Nam những năm tháng trước đây mà tôi vẫn thường thấy qua những bức ảnh. Trên con đường dẫn vào chợ, bất thình lình một người đàn ông đứng ngay trước mặt tôi. Tôi giật mình lùi về phía sau. Anh ta cười lớn và hỏi rằng tôi có phải đại biểu từ Việt Nam đến không. Không đợi tôi trả lời, anh ta tiếp tục: “Tôi rất yêu các bạn Việt Nam. Các bạn là những anh hùng trong chiến tranh, các bạn đã đánh thắng Mỹ”.
Trong chợ có những cửa hàng tạp hóa, những quán ăn nhỏ với những bộ bàn ghế màu sắc sặc sỡ, người dân bản địa đang trò chuyện rôm rả và hướng ánh nhìn về phía tôi. Tôi nghĩ mình có nên chụp một bức ảnh với họ hay không? Bỗng một bàn tay đặt lên vai tôi.
Một tên cướp, bắt cóc mình sao, kẻ khủng bố…? Thì ra là hai nữ cảnh vệ mà tôi vừa gặp. Họ cảnh báo, tôi nên quay về khách sạn để bảo đảm an toàn. Thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi trước khi bắt tay vào việc cũng đã hết, tôi trở về khách sạn, tạm dừng hành trình khám phá Addis.
Cái vẫy tay chào hỏi của anh chàng làm vườn trong khách sạn, nụ cười dễ mến của hai nữ cảnh vệ, đôi mắt tinh nghịch của cậu bé tóc xoăn bên đường… cho tôi thấy một đất nước mến khách. Tôi bỗng nhớ lại câu truyện dân gian Ethiopia Đất quý, đất yêu đã từng đọc. Hai vị khách nước ngoài sau khi thăm thú Ethiopia đã được Nhà vua tặng rất nhiều quà quý. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi Ethiopia, họ được yêu cầu cạo sạch đất ở đế giày với lời giải thích rằng: “Đây là mảnh đất yêu quý của chúng tôi. Chúng tôi sinh ra ở đây, chết cũng ở đây. Trên mảnh đất này, chúng tôi trồng trọt, chăn nuôi. Đất Ethiopia là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt của chúng tôi...”.