📞

5 dấu ấn ngoại giao kinh tế trong chuyến công du Đông Á của Tổng thống Indonesia

Lan Phương 16:00 | 04/08/2022
Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có chuyến công du tới 3 đối tác Đông Á quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến thăm thể hiện chính sách ngoại giao kinh tế của Indonesia trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng.
Chuyến công du 3 nước Đông Á của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thu được nhiều lợi ích kinh tế. (Nguồn: Nikkei Asia)

Trong chuyến công du châu Âu vào tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tìm kiếm cơ hội làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Song, chuyến đi bốn ngày của ông Widodo tại ba nước Đông Á lại tập trung nhiều hơn vào các lợi ích kinh tế.

Với chuyến công du này, Tổng thống Indonesia trao đổi với các đối tác về biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế, đồng thời nhận được hàng loạt các cam kết đầu tư. Đáng chú ý, Indonesia cũng nhận được sự hỗ trợ trong siêu dự án di dời thủ đô, một trong những quyết sách quan trọng của ông Widodo.

Với vai trò Chủ tịch luân phiên của G20 trong năm 2022, Tổng thống Widodo cũng tìm cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác kinh tế trong nhóm, bất chấp những chia rẽ liên quan đến xung đột Nga-Ukraine. Ông Widodo đã mời nhiều nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm nay và tích cực làm việc vì sự thành công của sự kiện.

Dưới đây là 5 kết quả nổi bật trong chuyến công du của Tổng thống “xứ sở vạn đảo” tới ba nước Đông Á.

Đầu tư xây dựng thủ đô mới và các dự án cơ sở hạ tầng

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bày tỏ quan tâm đến việc hỗ trợ xây dựng thủ đô mới của Indonesia mang tên Nusantara nằm trên đảo Kalimantan. Indonesia đặt mục tiêu di dời thủ đô mới vào năm 2024.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự ủng hộ của mình đối với việc xây dựng thủ đô mới của Indonesia. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh mong muốn sẽ đóng góp tích cực vào đầu tư dự án này.

Tại Seoul, Tổng thống Widodo phát biểu trong họp báo rằng Hàn Quốc đã bắt đầu hợp tác cùng Indonesia để phát triển tân thủ đô Nusantara, trong đó có hệ thống cung cấp nước uống và xây dựng thành phố thông minh.

So với Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản dường như ít nhiệt tình hơn với những cam kết hỗ trợ phát triển thủ đô mới. Trong thông báo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio không đề cập dự án này.

Mặc dù vậy, ông Kishida Fumio cho biết Tokyo sẽ cung cấp một khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức trị 320 triệu USD cho một nhà máy thủy điện ở Indonesia.

Bên cạnh đó, Indonesia và Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung theo đúng tiến độ.

Nhiều cam kết đầu tư từ các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc

Một kết quả đáng chú ý của chuyến công du của Tổng thống Widodo là nhận được cam két đầu tư từ các nhà sản xuất để giúp mở rộng ngành công nghiệp xe điện của Indonesia.

Tại Tokyo, Bộ Kinh tế Indonesia đã công bố kế hoạch đầu tư của Toyota Motor trị giá 1,8 tỷ USD trong 5 năm tới để sản xuất xe điện tại Indonesia.

Mitsubishi Motors sẽ đầu tư khoảng 0,66 tỷ USD vào Indonesia từ năm 2022 đến năm 2025 để sản xuất ôtô hybrid và xe điện.

Trên Twitter, Tổng thống Widodo cho biết đã gặp giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics, Lotte Chemical, Posco và LG, để thảo luận về việc đầu tư vào Indonesia.

Theo chính phủ Indonesia, tập đoàn Krakatau Steel thuộc sở hữu nhà nước Indonesia và Posco Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận đầu tư sản xuất thép trị giá 3,5 tỷ USD, hướng tới việc sản xuất xe điện.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bày tỏ quan tâm đến việc hỗ trợ xây dựng thủ đô mới của Indonesia mang tên Nusantara. (Nguồn: AFP)

Sự ủng hộ với Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali

Trong chuyến công du, Tổng thống Widodo liên tục nhấn mạnh việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Bali, sự kiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi lập trường khác nhau của các nước về khủng hoảng Ukraine.

Ba nhà lãnh đạo Đông Á đều thể hiện sự ủng hộ, nhưng chỉ có Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol xác nhận tham gia.

"Tôi thực sự mong đợi đến tháng 11 năm nay để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali", Tổng thống Yoon phát biểu trong cuộc họp báo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng về sự thành công của hội nghị, song không nói rõ liệu ông có tham dự hay không.

Cam kết hợp tác về lương thực và y tế

Trong bối cảnh các lo ngại ngày càng tăng về lạm phát toàn cầu, ông Widodo tái khẳng định với ba nhà lãnh đạo Đông Á về sự cần thiết phải hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng.

“Cả hai bên sẽ định hướng phát triển và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực”, tuyên bố chung về cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ.

Cũng trong tuyên bố, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Indonesia trong nỗ lực thiết lập một trung tâm vaccine của khu vực.

Trong khi đó, ông Widodo đề nghị Thủ tướng Nhật Bản hỗ trợ Indonesia các công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thực phẩm.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết hai nước sẽ "hợp tác sâu rộng" để giải quyết tình trạng lạm phát lương thực và năng lượng.

Tăng cường hợp tác an ninh khu vực

Bên cạnh ưu tiên kêu gọi hòa bình liên quan đến căng thẳng ở Ukraine, trên cương vị chủ tịch G20, Tổng thống Widodo cùng các nhà lãnh đạo Đông Á thể hiện sự quan tấm đến vấn đề an ninh khu vực.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo xác nhận rằng họ sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong vấn đề Triều Tiên cũng như tình hình ở Myanmar và hợp tác trong Hội nghị đánh giá hoạt động của Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Tương tự, Tổng thống Indonesia và Tổng thống Hàn Quốc đồng ý tiến tới hợp tác về các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

(theo Nikkei Asia)