Lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế. (Nguồn: france24) |
Nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm 2021 nhưng bắt đầu chững lại vào cuối năm khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 bùng phát, cùng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động và việc chậm triển khai tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển.
Nền kinh tế thế giới phục hồi chậm khiến các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng chung toàn cầu năm 2021.
Triển vọng kinh tế năm 2022 tương đối lạc quan nhưng các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng, các biến thể Covid-19 có thể làm chệch hướng tăng trưởng. Việc phủ vaccine đồng đều và nhanh chóng cho người dân các quốc gia trên thế giới sẽ đóng góp quan trọng vào các nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế năm tới.
Mặc dù đại dịch vẫn là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng toàn cầu, nhưng nó không phải là mối đe dọa duy nhất có khả năng khiến các nhà đầu tư phải đau đầu trong năm 2022.
Các biến thể Covid-19 kháng vaccine
Vào tháng 11, thị trường tài chính dậy sóng với một nỗi lo sợ: Biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi. Biến thể này có khả năng lây truyền cao đã khiến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu chao đảo.
Ngay sau khi biến thể xuất hiện, các nhà đầu tư “cân não” để đánh giá tác động kinh tế của biến thể mới. Các chính phủ thắt chặt các hạn chế nhằm tránh sự lây truyền của Omicron, đe dọa sự phục hồi kinh tế.
Các bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron, mặc dù dễ lây truyền hơn biến thể Delta nhưng không gây bệnh nặng như các biến thể trước đó và không kháng vaccine và các thuốc điều trị Covid-19 hiện đang lưu hành.
Dù Omicron có thể chưa tác động mạnh đến sự phục hồi kinh tế nhưng những lo ngại về các biến thể khác xuất hiện trong tương lai, luôn khiến các nhà kinh tế đưa ra các dự báo dè dặt.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành và không có biện pháp phòng chống hiệu quả thì chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 kháng vaccine, khả năng dẫn đến các đợt phong tỏa mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
"Nếu Covid-19 có tác động kéo dài - trong trung hạn - nó có thể làm giảm 5,3 nghìn tỷ USD (4,6 nghìn tỷ Euro) GDP toàn cầu trong 5 năm tới so với dự báo hiện tại của chúng tôi", Kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết vào tháng 10.
Bà Gopinath nhấn mạnh, ưu tiên chính sách hàng đầu là đảm bảo 40% dân số trên thế giới được tiêm chủng đầy đủ vào năm nay và 70% vào giữa năm 2022. Cho đến nay, chưa đến 5% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ.
Các nút thắt của chuỗi cung ứng
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu trong năm nay. Những khó khăn trong vận chuyển, tình trạng thiếu container và nhu cầu phục hồi mạnh sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng, khiến nguồn cung linh kiện và nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất bị thiếu hụt.
Ngành sản xuất ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt ở khu vực đồng Euro trong những tháng gần đây. Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm mạnh sản lượng do thiếu thiết bị đầu vào, đặc biệt là chất bán dẫn.
Dù có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang được cải thiện, cùng với việc chi phí vận chuyển giảm và xuất khẩu chip tăng, các chuyên gia vẫn lo ngại những nút thắt về nguồn cung sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong năm tới.
Lạm phát tăng vọt
Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại, đặc biệt tính đến khả năng rằng các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá đang tăng vọt.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới. |
Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng, giá đã bị đẩy lên do các yếu tố tạm thời như thiếu hụt nguồn cung, giá năng lượng cao hơn và hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt khi sự cân bằng cung cầu toàn cầu giảm xuống.
Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài dai dẳng hơn so với dự đoán trước đó, lạm phát dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong phần lớn thời gian của năm 2022.
Tại Mỹ, lo ngại về lạm phát hiện hữu hơn do các gói kích thích kinh tế lớn được thông qua và tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lao động.
Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho biết sẽ cắt giảm kế hoạch kích thích mua trái phiếu và dự kiến tăng lãi suất vào năm 2022. Việc FED tăng lãi suất có thể ảnh hưởng mạnh đến một số nền kinh tế mới nổi, bao gồm Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia có thể gặp khó khăn về vốn.
Chính sách thắt chặt kiểm soát của Trung Quốc
Sự suy thoái ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chắc chắn sẽ gây thêm lo lắng cho các nhà đầu tư vào năm 2022.
Cường quốc kinh tế châu Á đã giúp thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020 nhờ nhu lớn đối với hàng hóa điện tử và y tế của họ. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong năm nay, trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất sau Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự phục hồi sau đại dịch đang bị cản trở do Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với các "ông lớn" công nghệ của nước này, bao gồm Alibaba và Tencent; các công ty bất động sản như Evergrande và Kais; và linh vực giáo dục tư nhân.
Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc tìm cách trấn an các nhà đầu tư bằng cách tuyên bố rằng ổn định nền kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ trong năm tới.
Tin liên quan |
Bài toán phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 |
Việc Bắc Kinh miễn cưỡng từ bỏ lập trường "không Covid-19", vốn đã khiến nước này bị cô lập trong hơn một năm và dẫn đến những hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19, sẽ vẫn là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Căng thẳng địa chính trị
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn nóng lên hằng ngày. Washington đã cảnh báo Moscow trong bối cảnh quân đội Nga đang được tăng cường ở biên giới Ukraine.
Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, bao gồm cả việc dừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của tập đoàn thương mại OANDA, cho biết: “Căng thẳng Mỹ-Nga là mối nguy lớn có thể ngày càng khiến các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phía Đông rơi vào nguy cơ chiến tranh. Nếu Mỹ và châu Âu dừng đường ống Nord Stream 2, điều đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khiến giá dầu tăng lên 100 USD / thùng ... Giá năng lượng tăng cao có thể buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ".
Quan hệ Mỹ-Trung cũng căng thẳng vì vấn đề Đài Loan, với việc Washington cảnh báo Bắc Kinh không nên đơn phương thay đổi hiện trạng đối với hòn đảo này.
Washington cũng khiến Bắc Kinh khó chịu hơn nữa khi tuyên bố rằng các quan chức Mỹ sẽ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 vì các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc cảnh báo rằng Mỹ sẽ "phải trả giá" cho quyết định của mình.
| Dự báo thế giới 2022: Những vấn đề kinh tế thế giới sắp phải đối mặt Cựu lãnh đạo mảng quản lý tài sản của Goldman Sachs, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O’Neill đã nêu quan điểm về một ... |
| Tấn công mạng và dự đoán những mối đe dọa trong năm 2022 Các nhà nghiên cứu tại Kaspersky đã đưa ra các dự đoán về các mối đe dọa về tấn công mạng trong năm 2022. Theo ... |