Quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài ở nước ta có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động...
Tuy nhiên, với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục.
Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.
Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. (Nguồn: TTXVN) |
Nền kinh tế đảo chiều trong năm 2021
Năm 2021, Việt Nam thực sự đối mặt với Covid-19 ở một quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề cả trong ngắn và trung hạn. Kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chia làm hai giai đoạn rõ rệt.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh từ nền tảng bị ảnh hưởng vừa phải trong quý II/2020 và sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước cũng như các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, các gói an sinh và hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. GDP tăng trưởng 6,61% so với mức cùng kỳ 0,39% của năm 2020. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp, xuất khẩu và thu hút đầu tư đều đạt khá.
Kể từ quý III/2021, nền kinh tế đảo chiều với nhiều điểm tối, phần lớn do tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong nước khi các đầu tàu kinh tế đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất công nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng trong nước đứt gãy, tiêu dùng dân cư suy giảm, xuất khẩu tăng chậm (2,51%). Tỷ lệ sử dụng lao động bị sụt giảm ở hầu hết các ngành động lực cho xuất khẩu.
Trên 90% doanh nghiệp khai báo bị ảnh hưởng, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa, tạm thời dừng hoạt động tăng đột biến (14,1%), tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn phải đóng cửa cũng tăng lên cho thấy Covid-19 đã ảnh hưởng khá sâu và sức chống chịu của doanh nghiệp là rất mỏng.
Không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy khả năng ảnh hưởng tới một số yếu tố dài hạn của tăng trưởng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành, vốn đầu tư sụt giảm do đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và FDI đều tăng chậm. Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% xuống còn 2,5%.
Năng suất lao động (NSLĐ) cũng có sự thay đổi. Năm 2020, Covid-19 đã ảnh hưởng tới cả năng suất lao động (NSLĐ) và số lượng lao động qua đó làm giảm tăng trưởng. Tốc độ tăng NSLĐ giảm còn 5,5% so với 6,4% trong năm 2019. Tỷ lệ đóng góp của các ngành trong tăng NSLĐ cũng đã thay đổi theo hướng vai trò của công nghiệp và dịch vụ giảm đi (4 và 7 điểm %).
Phân tách NSLĐ cũng cho thấy tác động của chuyển dịch cơ cấu tĩnh giảm mạnh từ 43,7% xuống 9%, tác động của chuyển dịch cơ cấu động mang dấu âm, tức là có sự chuyển dịch từ ngành có NSLĐ cao sang ngành thấp hơn. Đây là những xu hướng tiêu cực trong chuyển dịch lao động. Phần lớn tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn là do tăng NSLĐ nội ngành.
Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức. |
Những rủi ro, thách thức trong năm 2022
Thời gian tới, nền kinh tế đối mặt với một số cơ hội và khá nhiều thách thức, rủi ro đe dọa khả năng phục hồi nhanh.
Trong đó, cơ hội tập trung ở một số điểm: Kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhanh do tỷ lệ tiêm vaccine ở các động lực kinh tế toàn cầu khá cao đặc biệt là tại EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Dòng đầu tư FDI đang phục hồi khá nhanh và kỳ vọng sẽ trở về mức trước Covid-19 (1,4 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022.
Các FTA, đặc biệt ba hiệp định lớn bao gồm CPTPP, EVFTA và RCEP đi vào thực hiện ở những năm đầu tiên với mức độ cắt giảm thuế quan lớn giúp phục hồi xuất khẩu và sản xuất.
Các quốc gia và ngay cả Chính phủ Việt Nam đã thay đổi cách thức, quan điểm chống dịch, theo đó các biện pháp giãn cách, phong tỏa được giảm thiểu, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa và con người, qua đó phục hồi về cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một loạt rủi ro cũng đang đặt ra trong ngắn và trung hạn, cả từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế.
Các rủi ro bên trong bao gồm:
Rủi ro từ chuyển dịch các dòng vốn trong nước mà đáng ngại nhất là việc dòng vốn có thể rò rỉ sang các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán trong khi vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang thiếu hụt.
Nguy cơ nợ xấu đang tăng cao, ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng. Nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2021 tăng lên 1,73% (so với 1,18% giữa năm 2020).
Thu - chi ngân sách nhà nước khó khăn do các khoản thu có tính bền vững từ thuế giảm, trong khi đó nhu cầu chi tăng lên nhanh do các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Phục hồi lao động tại các vùng sản xuất động lực có thể chậm, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng trong ngắn và trung hạn.
Từ bên ngoài, các rủi ro cũng đe dọa khả năng phục hồi nền kinh tế trong năm 2022. Trong đó, biến động giá cả nguyên liệu, dầu, lương thực thực phẩm là rất lớn kể từ đầu năm 2020, đe dọa giá nhập khẩu gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất do Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài. Nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu, đặc biệt sức ép lạm phát từ bên ngoài sẽ tăng mạnh trong các quý IV/2021 và hai quý đầu năm 2022.
Trong ngắn hạn, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới cả xuất và nhập khẩu, đồng thời cũng tạo sức ép lên lạm phát. Trong dài hạn, nếu chi phí logistics tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, có thể làm tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh năng lực cạnh tranh và hạ tầng logistics ở Việt Nam kém phát triển, vì vậy có thể ảnh hưởng dài hạn tới đầu tư.
Các gói hỗ trợ “chưa từng có” của các quốc gia như EU, Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là có tác động khá tích cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như có ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tuy nhiên, tùy vào quan hệ thương mại, độ mở thị trường và tài chính, cũng như hình thức hỗ trợ, ảnh hưởng của các gói này là khác nhau, dù vậy tác động tích cực cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2024.
Quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài ở nước ta có thể phải đối mặt với một số trở ngại, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những nút thắt về logistics, thiếu hụt lao động... |
Điều kiện để phục hồi kinh tế năm 2022
Trước những cơ hội và rủi ro cả bên trong và bên ngoài, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, vì vậy tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5-2%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7%. Để phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế, trong thời gian tới, đặc biệt là quý đầu năm 2022 cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về kiểm soát dịch bệnh. Đây là tiền đề để phục hồi tăng trưởng trong quý IV/2021 và năm 2022. Bên cạnh việc ban hành Nghị quyết với phương châm thích ứng an toàn với Covid-19 thì việc đẩy nhanh bao phủ vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, về hỗ trợ an sinh xã hội. Cần chú ý là thời điểm hỗ trợ an sinh rất quan trọng. Gói hỗ trợ năm 2021 theo Nghị quyết 68/NQ-CP nhìn chung đã được thực hiện tốt hơn so với gói hỗ trợ năm 2020. Các biện pháp hiện nay đang đi đúng hướng, trong đó đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận hỗ trợ từ cách hỗ trợ theo mục tiêu sang hỗ trợ diện rộng và thực chất hơn so với thời điểm năm 2020.
Tuy nhiên, quy mô hỗ trợ vẫn còn tương đối thấp và đặc biệt chưa có những đánh giá, tổng kết được công bố nhằm xem xét mức độ tiếp cận hỗ trợ của người dân cũng như tác động của các gói hỗ trợ này. Vì vậy, cần nghiên cứu để đưa ra chiến lược phối hợp giữa hỗ trợ an sinh và kích cầu tiêu dùng nhằm hồi phục nhanh ngành dịch vụ thương mại và kích thích các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ.
Cũng liên quan đến an sinh, một khía cạnh khá quan trọng là duy trì, bình ổn giá cả và lạm phát. Dấu hiệu lạm phát thấp trong các tháng gần đây không phản ánh lạm phát trong tương lai do lạm phát thấp chủ yếu vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và đặc biệt là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hương của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Thứ ba, về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Trong ngắn hạn, giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết. quý IV/2021 và quý I-II/2022 cần được coi là thời điểm tiên quyết cho phục hồi, không chỉ trong ngắn mà cả trung hạn. Số lượng doanh nghiệp biến động nhanh trong năm 2021 so với thời điểm trước Covid-19, đặc biệt quy mô trung bình của doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm dừng đã tăng lên, cho thấy ảnh hưởng tích lũy của Covid-19 đã sâu hơn, không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Điều này cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp đã giảm nhanh. Cần những đột phá trong thực thi, triển khai hỗ trợ của các ngành và địa phương. Chi phí phục hồi có thể sẽ cao hơn nếu không triển khai phục hồi sớm nhất. Trong điều kiện gói phục hồi tăng trưởng còn đang nghiên cứu để ban hành một khung hỗ trợ tổng thể, những gói hỗ trợ khẩn cấp vẫn cần được ban hành sớm.
Thứ tư, về chi phí lãi vay và tiếp cận tín dụng. Về nguyên tắc, sử dụng gói hỗ trợ để bảo lãnh khoản vay hoặc giảm chi phí lãi vay cho các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp có thể là công cụ tốt giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, cơ chế “xin cho” có thể là rào cản lớn trong việc thực hiện bảo lãnh hoặc hỗ trợ lãi suất.
Chính vì vậy việc sử dụng các biện pháp gián tiếp có thể hiệu quả hơn, ví dụ việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng cần đi kèm với điều kiện hạ lãi suất dài hạn. Mặt khác, các biện pháp kiểm soát mục đích vay trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt chú ý. Các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoặc không giúp phục hồi trực tiếp sản xuất kinh doanh cần được kiểm soát.
Những lĩnh vực ưu tiên trong trung hạn có thể là sản xuất, lưu thông nhu yếu phẩm, sản xuất cho xuất khẩu, hoặc những nhóm ngành thâm dụng lao động. Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng chính sách cũng cần tiếp tục chính sách cho vay hỗ trợ trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/QĐ-TTg trong bối cảnh dịch bệnh vẫn không hoàn toàn được kiểm soát.
Dự kiến trong thời gian tới nhập khẩu đầu vào sẽ khó khăn hơn do giá nhập khẩu và chi phí thương mại vẫn đang tăng. Cần hỗ trợ doanh nghiệp trong khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch.
Thứ năm, về đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Năm 2022 công cụ này vẫn là công cụ hữu hiệu để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, đầu tư công nên lựa chọn tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng nhỏ, thu hút nhiều lao động hoặc có tính lan tỏa cao để chuẩn bị cho các bước phục hồi nền kinh tế trong dài hạn.
Nhiệm vụ trước mắt trong các quý đầu năm 2022 là tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… đặc biệt cần sớm ban hành luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, đấu thầu, xây dựng; nhất là vốn ODA; rà soát, giảm số lượng dự án khởi công mới, cắt bỏ những dự án chưa cần thiết.
* Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia.
| WB hỗ trợ Việt Nam khoản tín dụng hơn 221 triệu USD để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 Khoản tín dụng do WB hỗ trợ sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn ... |
| Du lịch Việt Nam: Phục hồi và phát triển hậu đại dịch Covid-19 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước ... |