📞

5 nhóm hàng tỷ USD sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trầm trọng

11:48 | 03/05/2023
Khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, nên cả 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD của Việt Nam đều ghi nhận mức sụt giảm từ 5,9 - 19,3% trong 4 tháng đầu năm nay.
4 tháng đầu năm, hàng dệt mayđạt 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%. Dây chuyền sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH dệt Phú Thọ. (Nguồn: TTXVN)

4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong số này có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhưng cả 5 nhóm hàng lớn nhất này đều chung cảnh sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trầm trọng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Điện thoại và linh kiện giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,425 tỷ USD; Điện tử, máy tính và linh kiện 16,134 tỷ USD, giảm 8,9%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phẫu thuật khác 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may 9,571 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%.

Theo đánh giá chung tại Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 hồi đầu năm nay, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.

Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp...

Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Thấy rõ nhất là hoạt động xuất khẩu trong nước vẫn đối diện suy giảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 tiếp tục giảm 7,3% so với tháng 3, đạt 27,54 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 6,9%.

Còn so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 giảm 17,1%, khu vực kinh tế trong nước giảm 19,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 16,4%.

Tính chung 4 tháng 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 108 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.

Trong bối cảnh thiếu vắng đơn hàng, xuất khẩu giảm, nên nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng khó mà tăng trưởng. Thực tế, nhập khẩu hàng hoá giảm trong 4 tháng đầu năm đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, giảm 17,4%.

Đáng nói, trong số có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, thì 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1% tổng kim ngạch nhập khẩu giảm rất mạnh (Điện tử, máy tính và linh kiện giảm 13,9%, đạt 25,4 tỷ USD; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 14%, đạt gần 12,5 tỷ USD). Cần phải nói thêm, đây vốn là nhóm hàng nguyên liệu sản xuất (nhóm hàng cần nhập khẩu).

Năm 2023, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch 393-394 tỷ USD. Sau chặng đường 4 tháng mới đạt trên 108 tỷ USD.

Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công thương tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với mức tăng trưởng thấp của những tháng đầu năm, nếu không kịp thời tìm giải pháp để tháo gỡ, khó đạt được mục tiêu xuất khẩu cho năm 2023 và cho cả chu kỳ 5-10 năm tiếp theo.

(theo Baodautu)