Trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu những hậu quả ngày một khủng khiếp của biến đổi khí hậu thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Năm 2016 đang dần khép lại và các chuyên gia đã tổng kết danh sách 5 nỗ lực hàng đầu cho thấy hoạt động chống biến đổi khí hậu đang được tăng cường xúc tiến trên toàn thế giới trong năm qua.
Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại COP21. (Nguồn: UN News Center) |
Nhiều thỏa thuận đạt được
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu đã nhanh chóng có hiệu lực vào ngày 4/11. Việc thỏa thuận này nhanh chóng có hiệu lực là một tín hiệu đáng mừng, song việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hoài nghi về thỏa thuận làm dấy lên những lo ngại rằng ông có thể buộc quốc gia có lượng khí thải lớn thứ hai thế giới này rút ra khỏi Hiệp định quan trọng nói trên.
Dẫu vậy, điều đó càng khiến quốc tế quyết tâm xúc tiến việc phê chuẩn Hiệp định. Trong cuộc thảo luận của Liên hợp quốc (LHQ) về khí hậu hồi tháng 11, các chính phủ đã đặt ra thời hạn 2 năm để đưa ra những quy định về việc thực hiện Hiệp định Paris và xem xét các chương trình quốc gia nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu “phải ở dưới” 2 độ C.
Trước đó hồi tháng 10 vừa qua, 191 quốc gia trong Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) thống nhất kế hoạch giảm lượng carbon toàn cầu trong vận tải hàng không. Cũng trong tháng đó, 197 bên tham gia Nghị định thư Montreal về các chất phá hủy tầng ozone đã ký kết bản sửa đổi về cắt giảm lượng flohydric carbon (HFC) - một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất và tăng nhanh nhất được sử dụng chủ yếu trong công nghệ làm lạnh.
Đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch giảm
Hồi tháng 5/2016, nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới G7 lần đầu tiên đặt ra thời hạn chấm dứt các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch “không hiệu quả” và kêu gọi tất cả các nước cùng đạt mục tiêu này vào năm 2025. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cũng đề xuất gia tăng áp lực buộc các công ty phải chú ý tới hiệu quả tài chính của các dự án nhiên liệu hóa thạch của họ.
Một lực lượng đặc nhiệm quốc tế được thành lập nhằm ngăn chặn các cú sốc thị trường do tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ yêu cầu các công ty phải công khai cách thức xử lý các nguy cơ trong kinh doanh do biến đổi khí hậu, cũng như ảnh hưởng của việc cắt giảm khí thải. Và một chiến dịch toàn cầu thuyết phục các nhà đầu tư rút tiền đầu tư khỏi các dự án nhiên liệu hóa thạch đã được xúc tiến, với số lượng các thể chế cam kết tham gia đạt tới con số 688 và số tiền trị giá 5.200 tỷ USD.
Năng lượng tái tạo đã vượt qua than để trở thành nguồn năng lượng được sử dụng lớn nhất trên thế giới. (Nguồn: Technology Mag) |
Năng lượng tái tạo được chú ý
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã nâng dự đoán mức tăng trưởng năng lượng tái tạo trong 5 năm tới do có những hậu thuẫn chính sách mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico. Theo cơ quan này, năm 2015, năng lượng tái tạo đã vượt qua than để trở thành nguồn năng lượng được sử dụng lớn nhất trên thế giới. Năm 2016, năng lượng Mặt trời đã khẳng định được vị thế mới khi chứng kiến chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên sử dụng năng lượng Mặt trời, các dự án xây dựng đường lát bằng các tấm pin mặt trời ở 4 lục địa được công bố và Công ty Tesla Motors ra mắt những viên ngói điện mặt trời…
Vừa qua, nhóm 48 nước đang phát triển chịu nguy cơ lớn nhất từ biến đổi khí hậu cũng cho biết họ sẽ cố gắng thực hiện chuyển 100% việc sản xuất năng lượng sang thành năng lượng tái tạo trước năm 2050.
Tăng cường ứng phó
Các trận hạn hán nghiêm trọng có liên quan tới hiện tượng El Nino, ảnh hưởng tới hơn 60 triệu người, nhất là ở phía Nam châu Phi, đã khiến các chính phủ thấy được tầm quan trọng phải chuẩn bị ứng phó các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan bằng cách cải thiện hạ tầng, dịch vụ công và an ninh lương thực. Ở cấp độ quốc tế, các đặc phái viên LHQ đã soạn thảo một bản kế hoạch nhằm giảm bớt các thiệt hại từ các hiện tượng cực đoan đó trong tương lai.
Trong năm qua, các quốc gia đang phát triển cũng nỗ lực đưa ra các chương trình quốc gia nhằm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu – như thời tiết bất thường, nước biển dâng và băng tan – với sự hỗ trợ tới 3 triệu USD cho mỗi nước từ Quỹ Khí hậu Xanh vừa được thành lập.
Cùng chung nỗ lực
Năm 2016 chứng kiến một loạt những sáng kiến đối phó với biến đổi khí hậu được thực hiện hoặc phát triển ở các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phố và chính quyền địa phương cùng nhiều nơi khác.
Đơn cử như Liên minh Under2 - một câu lạc bộ gồm các chính quyền cấp vùng cam kết cắt giảm ít nhất là 80% lượng khí thải của mình vào năm 2020 - đã gia tăng số thành viên của mình lên 165, chiếm 1/3 nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Chương trình Mục tiêu dựa vào Khoa học cũng có hơn 200 công ty cam kết xác định mục tiêu cắt giảm khí thải tương thích với nỗ lực chung toàn cầu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ ở dưới mức 2 độ C.
Mới đây, Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển (ICCCAD) tại Dhaka, cũng nhận định: “Năm 2016 thực sự là một năm chuyển từ các cuộc thảo luận và đàm phán toàn cầu liên miên về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu sang thành những chương trình hành động thực tế của các chính phủ, các địa phương, các công ty, các nghị viện và các cộng đồng bị ảnh hưởng”.