Một sơ đồ bàn ăn có khách trong nước và khách nước ngoài được xếp ngồi xen kẽ nhau là cần thiết để tránh việc những người quen biết ngồi với nhau thành những nhóm riêng, hạn chế sự giao lưu. Trong ảnh là Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc tổ chức Lễ kỷ niệm và Tiệc chiêu đãi nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020). |
Sự kết hợp các nguyên tắc về ngôi thứ và các điều kiện cụ thể của sự xếp chỗ giúp xác định vị trí của mỗi người trong buổi lễ, bữa tiệc hay sự kiện đối ngoại nói chung.
Bên phải trước bên trái
Theo thông lệ, người quan trọng hơn được xếp ở bên phải của chủ nhà, rồi người tiếp theo ở bên trái và cứ thế xen kẽ tiếp theo. Trong một số trường hợp, nếu chủ nhà và khách dự vì lý do thể chất nào đó muốn ưu tiên theo chiều ngược lại, việc xếp chỗ sẽ được thực hiện theo đề nghị, đồng thời kín đáo thông báo cho các vị khách khác.
Xếp xen kẽ khách trong nước và khách nước ngoài
Một sơ đồ bàn ăn có khách trong nước và khách nước ngoài được xếp ngồi xen kẽ nhau là cần thiết để tránh việc những người quen biết ngồi với nhau thành những nhóm riêng, hạn chế sự giao lưu.
Mặt khác, người ta cũng chú ý mời khách trong nước nhiều hơn khách nước ngoài. Sự chênh lệch này tránh được việc xếp khách nước ngoài ngồi đầu bàn.
Xen kẽ nam nữ
Cần xếp xen kẽ nam nữ, đồng thời chú ý tránh việc xếp phụ nữ ngồi đầu bàn.
Tách các cặp vợ chồng
Quy tắc xen kẽ nam nữ đi cùng quy tắc tách các cặp vợ chồng tại bàn ăn để tránh việc vợ chồng chỉ nói chuyện với nhau trong bữa ăn, mà quên đi những người khác hoặc họ coi nhẹ nhau.
Theo tập quán, nếu điều kiện bàn ăn cho phép, không xếp các cặp vợ chồng đối diện nhau, mà ngồi vào một phía.
Chú ý đến những điểm tương đồng
Những người có những quan tâm chung hoặc những người khách trong nước đảm nhận nhiệm vụ giống nhiệm vụ của khách nước ngoài thường được xếp ngồi cùng bàn.