TIN LIÊN QUAN | |
Hết dư cung, giá dầu thế giới bắt đầu tăng | |
Thị trường dầu mỏ thận trọng trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran |
Theo các con số thống kế, kể từ đầu tháng 5/2018, lần đầu tiên trong gần 4 năm qua, giá “vàng đen” đã tăng lên mức cao kỷ lục.
Trong phiên giao dịch vào ngày 21/5 tại thị trường New York, giá dầu thô của Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2018 đã tăng 96 Cent, tương đương 1,4%, lên mức 72,24 USD/thùng, sau khi đã chạm mốc 72,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2018 cũng tiến 71 Cent (0,9%) lên 79,22 USD/thùng. Vào tuần trước đó, giá dầu Brent cũng đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng.
Tính từ tháng 1/2018 đến nay, giá dầu thô tăng đến 20%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2014. (Nguồn: Small Caps) |
Phó Chủ tịch về nghiên cứu Gene McGillian của hãng chuyên tư vấn về năng lượng Tradition Energy ở Stamford, bang Connecticut (Mỹ) nhận định có khả năng thị trường dầu thô sẽ tiếp tục phá vỡ mốc này trong thời gian tới. Như vậy, tính từ tháng 1/2018 đến nay, giá dầu thô tăng đến 20%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Theo các chuyên gia phân tích, có 6 yếu tố chính tác động lên giá dầu thô hiện nay cũng như triển vọng tăng giá trong thời gian tới.
Mất cân bằng cung - cầu
Lý do đơn giản nhất đằng sau sự tăng giá của dầu mỏ là thị trường này vốn đã bị thắt chặt trong 18 tháng trở lại đây. Lượng dầu lưu kho trong suốt giai đoạn dư thừa dầu mỏ từ năm 2014 - 2016 đã được đem ra sử dụng phần lớn, do nhu cầu dầu tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ.
Chuyên gia năng lượng Olivier Jakob thuộc Petromatrix cho rằng thị trường dầu mỏ hiện dù không bị thắt chặt quá mức, song với việc lượng dầu dư thừa không còn, dầu thô đang đứng trước triển vọng tăng giá rõ rệt.
Kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC
Yếu tố thứ hai tác động đến giá dầu thô chính là kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Nỗ lực chung tay hạn chế sản lượng của OPEC và Nga nhằm giải quyết tình trạng dư thừa dầu mỏ trên thế giới kéo dài 4 năm qua đã làm mất đi yếu tố “giảm xóc” an toàn để đối phó với những cú sốc về nguồn cung. Cùng với đó, làn sóng cắt giảm đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ từ năm 2014 bắt đầu cho thấy những hệ quả, với việc các mỏ dầu đang dần cạn kiệt, nhưng lại không có các mỏ khác để thay thế.
Trong khi đó, sản lượng từ các mỏ dầu thông thường bắt đầu tăng lên, song chúng lại bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong năm nay, với sản lượng dự báo nhanh chóng giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran cũng là một trong những yếu tố đẩy giá dầu thế giới tăng cao. (Nguồn: AP) |
Những rủi ro địa chính trị
Nguy cơ rủi ro gần nhất hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng là chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran (ngày 8/5 vừa qua) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của nước này khiến sản lượng dầu của Iran sụt giảm.
Hiện sản lượng khai thác dầu của Iran đứng ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, chiếm 4% nguồn cung của thế giới. Trong đó, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày.
Khủng hoảng tại Venezuela
Yếu tố thứ tư là nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của Venezuela khiến sản lượng dầu của nước này giảm ít nhất 500.000 thùng/ngày.
Trong bối cảnh Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/5 và tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này thêm 6 năm nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Venezuela nhằm ngăn chặn nguồn tài chính của chính phủ nước này. Điều này được nhận định sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ của Venezuela, nhất là khi sản lượng dầu của Venezuela đã giảm 1/3 trong hai năm qua, xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ.
Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Venezuela được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng vào tuần trước lần đầu tiên kể từ năm 2014, và có khả năng thị trường sẽ tiếp tục phá vỡ mốc này trong thời gian tới.
Trong khi đó, xung đột giữa Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC, và lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn cũng là một nguy cơ không nhỏ có thể làm gián đoạn trực tiếp nguồn cung dầu mỏ của Saudi Arabia. Bên cạnh đó, một quốc gia khác là Libya thì vẫn trong tình trạng bất ổn lớn kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát cách đây 7 năm dù sản lượng của nước này đã hồi phục lên mức khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Tác động từ việc đầu cơ
Ngoài ra, việc đầu cơ cũng tác động tới việc tăng giá dầu hiện nay. Hiện các quỹ đầu cơ vẫn bị hấp dẫn bởi các thị trường dầu mỏ. Các quỹ đầu cơ đang thu được lợi lớn từ sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường bắt nguồn từ việc nguồn cung bị thắt chặt. Điều này góp phần đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục từ đầu năm nay.
Nguồn cung dầu đá phiến Mỹ
Cuối cùng, nguồn cung dầu đá phiến Mỹ được cho là yếu tố thứ sáu ảnh hưởng đến biến động của giá dầu. Mặc dù mức tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đang tăng mạnh hơn dự đoán, với mức tăng ước gần 10% (1,4 triệu thùng/ngày) trong năm 2018, song giới phân tích cho rằng sản lượng này vẫn chưa làm chệch đà tăng của giá dầu trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh.
Hơn nữa, những hạn chế về hạ tầng cung ứng dầu mỏ như việc thiếu hệ thống ống dẫn dầu cũng đã gây cản trở cho việc dẫn dầu từ các nơi khai thác dầu đá phiến ở khu vực Bắc Mỹ khiến sản lượng dầu đá phiến không kịp tăng để bù đắp.
Dự báo, năm 2019, giá dầu thô có thể chạm mức 100 USD/thùng. (Nguồn: Voice of People Today) |
Theo các nhà phân tích, tất cả những yếu tố trên đều có thể là những nguyên nhân dẫn tới một "cú sốc" dầu mỏ ngay trong năm 2019 với dự báo giá dầu thô có thể chạm mức 100 USD/thùng.
Trong bối cảnh lo ngại về giá dầu tăng cao, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - Saudi Arabia - mới đây đã tuyên bố nước này sẵn sàng tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng thiếu nguồn cung dầu mỏ. Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho hay, quốc gia vùng Vịnh này sẽ hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác cả trong và ngoài OPEC, cùng với các đối tác nhập khẩu dầu mỏ lớn khác nhằm hạn chế sự tác động của việc thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ khiến giá dầu tăng.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu nhằm đảm bảo lợi ích của cả nhà sản xuất và nhà tiêu thụ dầu mỏ, cũng như tính bền vững của kinh tế toàn cầu. Hiện tại, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia vào khoảng 10 triệu thùng/ngày, trong khi năng suất thực tế của nước này lên tới 12 triệu thùng/ngày.
Sắc xanh phủ khắp bản đồ chứng khoán thế giới Thị trường chứng khoán thế giới đã có một phiên giao dịch sôi động trong ngày 9/5 trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành ngân ... |
Khuấy đảo thị trường dầu mỏ, ông Trump lại muốn dồn Iran vào "chân tường" Thị trường dầu mỏ đã trở nên hỗn loạn, sau khi Tổng thống Trump chính thức tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận ... |
Nga bắt tay OPEC mong muốn đẩy giá dầu lên 80 USD Giá dầu đạt đỉnh hơn 3 năm, tình trạng dư cung gần như biến mất, nhưng tại Cuộc họp nhóm OPEC và các đối tác ... |