Đại sứ Algeria tại Việt Nam Boubazine Abdelhamid. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ hãy điểm lại các dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Algeria trong 60 năm qua?
Mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Algeria đã được hun đúc trong những năm chiến tranh gian khổ chống chế độ thực dân và sự chiếm đóng của nước ngoài. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác song phương đã dần mở rộng sang lĩnh vực hợp tác kinh tế, kỹ thuật và tài chính. Nhiều hiệp định đã được ký kết, đặc biệt là trong những năm 1970 sau khi dân tộc Việt Nam giành được chiến thắng trước đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước năm 1975.
Kể từ đó, hai nước bắt đầu thiết lập các chuyến thăm song phương cấp cao và thực hiện trao đổi tiếp xúc trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. Tổng thống Houari Boumediene đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3/1974 và Tổng thống Liamine Zeroual và Abdelaziz Bouteflika lần lượt thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào tháng 10/1996 và tháng 10/2000.
Về phía Việt Nam, vào năm 1973, bà Nguyễn Thị Bình đã dẫn đầu phái đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam sang thăm Algeria ngay sau khi Hiệp định Hòa bình được kí kết tại Paris. Tiếp đến, Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ thăm Algeria vào tháng 8/1973 và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sang thăm Algeria năm 1976.
Giai đoạn 1980-1988, Algeria đã chào đón chuyến thăm của 10 quan chức Việt Nam cấp bộ. Về phía Algeria, hai Bộ trưởng đã tới Việt Nam vào năm 1982 để đồng chủ trì kì hợp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp Algeria-Việt Nam.
Kể từ năm 1990 trở đi, quan hệ giữa hai nước đã có một bước tiến triển mới vô cùng năng động. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Chí Công tới Algeria vào tháng 5/1990 đã đánh dấu sự thông qua của nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật và thương mại. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước lúc bấy giờ đã ở tại Algeria từ ngày 21-24/2/1994.
Thập kỷ tiếp theo, giai đoạn 2010-2018, đã chứng kiến bước phát triển quan trọng trong quan hệ song phương Algeria-Việt Nam, đặc biệt thông qua việc tổ chức các kỳ họp thứ 9, 10 và 11 của Ủy ban hỗn hợp Algeria-Việt Nam.
Cùng với đó là tần suất trao đổi dày đặc các chuyến thăm ở các cấp khác nhau, trong đó phải kể đến chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết sang Algeria vào tháng 4/2010, của các Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp, vào tháng 2/2011 và tháng 2/2014, tiếp đến là các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội nhân dân Algeria cũng như của các Bộ trưởng Bộ Công nghệ Bưu chính và Thông tin truyền thông, Bộ chiến binh Moudjahidines, Bộ Phát triển Công nghiệp và Xúc tiến đầu tư, Bộ Tư pháp và cuối cùng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (vào tháng 7/2018).
Năm 2015, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Algeria nhân dịp khánh thành sản xuất mỏ dầu liên doanh Bir Sbaa. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng thăm Algiers năm 2016. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thăm Algiers tháng 11/2017 để đồng chủ trì kỳ họp thứ 11 của Ủy ban hỗn hợp.
Trên cơ sở đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Algeria bắt đầu tăng trưởng qua từng năm, từ 82 triệu USD năm 2009 lên 281 triệu USD năm 2017. Do đại dịch Covid-19, các chuyến thăm và trao đổi thương mại giữa hai nước bị ảnh hưởng một thời gian.
Vì vậy, việc tổ chức kỳ họp thứ lần thứ 12 của Ủy ban hỗn hợp tại Hà Nội vào tháng 12 tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 suy yếu sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương.
Năm nay, hai nước chúng ta kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Hai nước đã và sẽ có những hoạt động gì chào mừng sự kiện trọng đại này?
Việc tổ chức kì họp thứ 3 tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội từ ngày 26-27/5 là một khởi đầu tốt đẹp cho dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria năm nay.
Hai nước đều mong muốn lễ kỷ niệm này sẽ đánh dấu "nấc thang mới" trong mối quan hệ song phương tốt đẹp, bằng chứng là cuộc điện đàm giữa Lãnh đạo hai bên đã được lên kế hoạch từ sớm.
Đại sứ quán Algeria tại Hà Nội cũng sẽ tổ chức một số hoạt động như Tiệc chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh (ngày 1/11); Triển lãm ảnh và gặp gỡ giao lưu với Hội hữu nghị Việt Nam-Algeria; Hội thảo nghiên cứu về mối quan hệ 60 năm giữa hai nước dự kiến tổ chức tại Học viện Ngoại Giao Việt Nam; Thi vẽ tranh và biểu diễn văn nghệ cho các em học sinh tại trường THPT Hữu nghị Việt Nam-Algeria; Lễ vinh danh các nguyên hiệu trưởng đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp đào tạo, giảng dạy của trường THPT Hữu nghị Việt Nam-Algeria; Vở kịch Người đi dép cao su của nhà viết kịch lừng danh người Algeria Kateb Yacine ca ngợi hình tượng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được công diễn tại Nhà hát kịch Việt Nam...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu và Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao và Cộng đồng người Algeria ở nước ngoài Chakib Rachid Kaïd đồng chủ trì cuộc họp Tham vấn chính trị lần thứ 3 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Cộng đồng người Algeria ở nước ngoài ngày 27/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo ông, hai nước sẽ cần làm gì để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp này và chúng ta nên ưu tiên phát triển lĩnh vực nào và tại sao?
Nếu như mối quan hệ chính trị giữa hai nước đạt được nhiều bước tiến vượt bậc hoàn hảo thì quan hệ kinh tế có phần chưa tương xứng với quan hệ chính trị đó.
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 262,54 triệu USD vào năm 2021. Nhập khẩu của Algeria lên tới 231,57 triệu USD và xuất khẩu của Algeria sang Việt Nam chỉ đạt 30,97 triệu USD.
Để giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước, cả Algeria và Việt Nam đang nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào việc thăm dò thị trường Algeria để mua các sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông sản (chà là, dầu olive), khoáng sản (phân bón và các sản phẩm làm giàu đất), khí đốt (LPG) và các nguyên liệu thô khác.
Ngoài ra, cần phải tiến hành đổi mới khuôn khổ pháp lý của hợp tác Algeria-Việt Nam vì trong số nhiều dự thảo và thỏa thuận hợp tác song phương cấp chính phủ, một số lĩnh vực cần phải được cập nhật thêm, đặc biệt là Hiệp định tương hỗ về bảo hộ đầu tư. Luật mới của Algeria về đầu tư cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho tiến trình đổi mới các hiệp định này.
Phiên họp thứ 12 của Ủy ban hỗn hợp sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm nay và đặc biệt là công tác chuẩn bị rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý của các hiệp định để hoàn thiện chúng vẫn đang được hai bên tiến hành tích cực.
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện chính sách nhằm duy trì ổn định kinh tế - xã hội. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách này?
Cần phải nhấn mạnh rằng ngay từ năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã khởi xướng các cách tiếp cận mới về đối nội và đối ngoại, thông qua chương trình cải cách toàn diện mang tên "Đổi mới".
Từ đó, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển không ngừng với tốc độ ổn định khoảng 7%/năm trong vòng 35 năm qua, trong khi GDP liên tục tăng trưởng và đạt 368 tỷ USD vào năm 2021.
Điều này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khối ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần lên 3.512 USD/năm. Việt Nam đã rời nhóm các nước có thu nhập thấp vào năm 2008.
Từ một nước thiếu lương thực triền miên, Việt Nam ngày nay không chỉ đảm bảo đầy đủ an ninh lương thực trong nước mà còn vươn lên là quốc gia xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp đứng đầu thế giới. Không chỉ đạt nhiều thành tự xuất sắc trong lĩnh vựng nông nghiệp mà ngay cả ngành công nghiệp của Việt Nam cũng đánh dấu sự phát triển bền vững.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới hiện nay với khoảng 70 hiệp định thương mại (song phương và đa phương) được ký kết. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD. Xuất khẩu vẫn là thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, giúp đóng góp vào tăng trưởng GDP; lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng kí đạt 395 tỷ USD.
Những con số tích cực trên khẳng định Việt Nam đang đi đúng con đường phát triển thịnh vượng và sẽ tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc qua từng năm tháng để trở thành một quốc gia phát triển như kỳ vọng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Algeria Abdelhamid Boubazine trình Quốc thư ngày 23/12/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Đã ở Việt Nam gần một năm, ông có cảm nhận gì về đất nước, văn hóa và con người nơi đây?
Thời điểm tôi đặt chân đến Việt Nam lại trùng với dịp đón Tết dương lịch, sau đó là Tết âm lịch cổ truyền của người dân Việt Nam.
Cũng vào dịp này, tôi đã phát hiện ra sự gắn bó bền chặt của người Việt Nam với văn hóa và truyền thống của tổ tiên đã được hun đúc qua nhiều thế kỷ. Lễ Tết chính là dịp để thể hiện sự gắn bó của người Việt Nam đối với gia đình, sự gắn kết giữa các thế hệ và sâu sắc hơn là nhớ về cội nguồn.
Ý nghĩa này cũng là điều mà tôi cảm nhận được ở nghề võ của Việt Nam, đặc biệt là môn Võ Cổ truyền (Vovinam) - môn võ có giải vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử được tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chính Algeria, đất nước anh em hữu nghị với Việt Nam, đã có vinh dự này. Vài ngày nữa tôi sẽ đến thăm trường Vovinam tại Hà Nội.
Tóm lại, Việt Nam là một điển hình của sự kết hợp thành công giữa truyền thống và hiện đại. Giống như hình ảnh một cái cây có rễ bám sâu vào lòng đất và tỏa ra vô số cành mảnh mai cao vút hướng lên trời cao.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Giải Vovinam Cúp Đại sứ lần thứ V tại Algeria vào ngày 21-22/10. (Nguồn: TTXVN) |
| Ngày hội Vovinam tại Algeria Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, Giải Vovinam Cúp Đại sứ lần thứ V tại Algeria đã chính thức khép lại với nhiều cảm ... |
| Cuộc đoàn tụ xúc động của một người Algeria gốc Việt với mẹ đẻ sau gần 60 năm Cuộc đoàn tụ của ông Ahmed với mẹ đẻ đã trở thành niềm vui của cả cộng đồng người Algeria gốc Việt tại đất nước ... |
| Khủng hoảng năng lượng: EU ‘bắt tay’ hợp tác với nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi Ngày 11/10, Diễn đàn Kinh doanh năng lượng Algeria-EU đã khai mạc tại thủ đô Algiers của Algeria nhằm mang lại nhiều cơ hội hợp ... |
| Algeria và Pháp họp Ủy ban Liên chính phủ, đẩy mạnh hợp tác kinh tế Ngày 10/10, Diễn đàn Kinh tế Algeria-Pháp đã khai mạc tại thủ đô Algiers (Algeria) với sự tham gia của các doanh nhân và nhà ... |
| Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam, các đại biểu và khách mời đã tham quan không gian trưng bày ... |