Đây được coi là nỗ lực của đảo quốc sư tử nhằm phát triển nền kinh tế vốn đang có tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Đưa ra 7 chiến lược phát triển kinh tế
Ngày 9/2, Ủy ban Kinh tế tương lai, một hội đồng có 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore, đã công bố một báo cáo bao gồm 7 chiến lược trình lên Thủ tướng Lý Hiển Long để thúc đẩy nền kinh tế nước này tiến bước.
Họp báo công bố 7 chiến lược phát triển kinh tế của Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE) Singapore. (Nguồn: Channel News Asia) |
Bảy chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Đào sâu và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới.
Đáng chú ý, CFE khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư, tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến như Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một Liên minh Đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy sự đổi mới.
Bên cạnh đó, những lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành, nhóm lại thành các cụm để làm cho sự chuyển đổi của một ngành công nghiệp có thể có tạo ra sự tác động lan tỏa tích cực đến những ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ Singapore cần thúc đẩy tạo lập một môi trường để hỗ trợ đổi mới và chấp nhận rủi ro trong khu vực tư nhân và công cộng.
Mặt khác, CFE cũng kêu gọi xem xét lại hệ thống thuế hiện hành, dựa trên nguyên tắc là đảm bảo áp dụng trên diện rộng, tiến bộ và công bang, cũng như duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng.
Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE lưu ý rằng sự tăng trưởng trên toàn thế giới bị chững lại cùng với chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi, công nghệ mới có thể thay thế công nhân thậm chí nhiều cơ hội mới được tạo ra...; trong đó đáng lo ngại nhất là chính sách bảo hộ thương mại gia tăng ở châu Âu và Mỹ.
"Xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho các nền kinh tế, nhất là đối với Singapore - một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn", báo cáo của CFE nhấn mạnh. Tuy môi trường toàn cầu đầy thách thức, song CFE cho biết vẫn có nhiều cơ hội để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới.
Bản báo cáo này đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng Lý Hiển Long khi ông cho biết chính phủ sẽ theo đuổi tất cả các mục tiêu mà bản báo cáo đề cập tới. Người đứng đầu Chính phủ Singapore nhấn mạnh thêm rằng điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện việc chuyển đổi nền kinh tế một cách thành công.
Bước đi kịp thời
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) ngày 6/2 cho biết đã ước tính tăng trưởng kinh tế của Singapore giảm xuống 1-1,5% trong năm 2016, thay vì từ mức 1-2% đưa ra trước đó. Nguyên nhân là do nền kinh tế Đảo quốc sư tử mặc dù tăng trưởng cao hơn mức dự kiến trong quý III-2016 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015, song so với quý II trước đó (tăng 2,2%), nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trong đó, các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và ngành dịch vụ công nghiệp cũng đã giảm lần lượt là 9,1%; 2,8% và 1,3%. Về xuất khẩu, xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Singapore giảm 9,9%, sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 5,8% và sang Mỹ giảm 3,2%. Tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu phi dầu mỏ của Singapore trong năm 2016 ở mức từ -5,5% đến -5%, so với ước tính trước đó từ -4% đến -3%.
Trong khi đó, theo Bộ Nhân lực Singapore (MOM), số người bị mất việc làm tại Singapore cũng ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 10/2016, số lao động bị sa thải đã lên tới 13.730 người, tăng khá cao so với con số 10.220 người của cùng kỳ năm 2015. Số người bị mất việc làm này chủ yếu là do tình trạng trì trệ trong các ngành sản xuất và xây dựng.
Số người bị mất việc làm tại Singapore cũng ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009. (Nguồn: The Straits Times) |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Cơ quan Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) cho biết kinh tế Singapore vẫn có một vài khởi sắc khi lĩnh vực chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng 14,6% trong quý IV/2016, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015, ghi dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014. Lĩnh vực dịch vụ của Singapore tăng 9,4% và thu hút được 9,4 tỷ SGD (6,6 tỷ USD) vốn đầu tư vào các tài sản cố định.
Trong năm 2017, mặc dù Singapore tiếp tục củng cố vị thế là một địa bàn chế tạo hàng hóa có giá trị cao thông qua việc nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực chế tạo nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo Singapore vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức bởi trong khi các nền kinh tế như Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN dự kiến tăng tốc trong năm nay thì khu vực đồng Euro và nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng chậm. Mặt khác, việc các công ty ở Mỹ và Trung Quốc đang đầu tư ít hơn và ngày càng tăng xu thế tìm nguồn cung ứng trong nước thay vì dựa vào nhập khẩu cũng có thể có tác động làm hạn chế kim ngạch xuất khẩu của quốc đảo sư tử.
Trước những khó khăn trên, việc Chính phủ Singapore thông qua kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế được cho là một bước đi kịp thời.