Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương là một thắng lợi của Việt Nam, thể hiện sách lược biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. (Nguồn: TTXVN) |
Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo bước ngoặt cho thắng lợi ngoại giao
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đập tan cố gắng cao nhất và nỗ lực cuối cùng của chính phủ Pháp với sự giúp sức của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai; làm sụp đổ ý chí thực dân và tiêu tan hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự; làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; đồng thời tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneva.
Trong lịch sử các cuộc kháng chiến và giữ nước, quân dân Đại Việt thường kết hợp giành thắng lợi quyết định về quân sự bằng một trận hoặc một số trận quyết chiến chiến lược với giải pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh. Chiến tranh giải phóng dân tộc chỉ kết thúc khi chúng ta đánh bại hoàn toàn ý chí gây chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù quân chúng đang hùng, tướng chúng đang mạnh, vũ khí chúng đang đầy kho.
Việc kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) là sự kế thừa truyền thống đó. Chúng ta sẽ không giành được thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi về mặt quân sự trên chiến trường. “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.
Để làm thất bại hoàn toàn kế hoạch quân sự của Nava, quân và dân Việt Nam phải thắng Pháp ở Điện Biên Phủ. Nơi đây đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, trở thành “điểm hẹn lịch sử”, nơi cả hai bên đều dốc sức để giành phần thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chiến dịch này là chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, năm đại đoàn quân chủ lực của ta với hơn 40.000 quân, ngày 13/3/1954, chiến dịch tấn công vào Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu.
Ngày 26/4/1954, khi quân đội ta chuẩn bị mở tấn công đợt ba ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Geneva bắt đầu họp ở Thụy Sỹ.
Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đến chiều ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến chiến thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Toàn bộ Bộ Chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ ra hàng.
Ngày 8/5/1954, đoàn đàm phán của ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước vào Hội nghị Geneva với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Một ngày sau khi tiếng súng ở Điện Biên Phủ ngừng nổ, vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Hội nghị diễn ra trong sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp các nước lớn.
Hơn hai tháng đấu tranh trên bàn đàm phán trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn, giữa bên này phe kia vô cùng phức tạp, đan xen giữa đấu tranh và thỏa hiệp, giữa tiến và lùi. Có những mục tiêu ta đã giành được, có những mục tiêu do bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng, ta tạm thời phải gác lại và chấp nhận những điểm dừng. Mục tiêu lớn nhất mà ta đã đạt được trong Hiệp định Geneva là chính phủ Pháp và các bên tham gia cam kết là “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo lợi thế của Việt Nam trên bàn đàm phán, tạo thêm cơ sở thực lực về quân sự cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneva về Đông Dương.
Những bài học lịch sử về nghệ thuật biết chiến thắng từng bước
Giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ là cuộc chạy đua quyết liệt nhất giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược trên con đường đi đến đàm phán hòa bình ở thành phố Geneva. Để có thắng lợi quyết định trước ngày đàm phán và ký kết tại Geneva, chúng ta phải tiến hành nghệ thuật quân sự biết chiến thắng từng bước, vừa đánh vừa đàm, kết hợp song song đấu tranh quân sự trên chiến trường với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán.
Từ khi Hội nghị Geneva khai mạc (26/4/1954) đến khi Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954) là một hành trình của nghệ thuật biết chiến thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận đến đánh đổ hoàn toàn, từ việc làm phá sản về cơ bản “Kế hoạch Nava” trong Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đến đập tan hoàn toàn kế hoạch này bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954 - trận quyết định trước lúc hòa đàm.
Từ thực tiễn lịch sử của việc triệu tập và ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.
Thứ nhất, chúng ta luôn biết chủ động nắm chắc tình hình và diễn biến quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp và khó lường để xử lý khôn khéo trong quan hệ với các nước lớn. Diễn biến của quan hệ quốc tế 70 năm trước có những chuyển biến phức tạp bởi sự đấu tranh quyết liệt giữa hai phe trong Chiến tranh Lạnh.
Vào thời điểm đó, sau khi chiến tranh Triều Tiên đi vào đình chiến trên cơ sở gần như nguyên trạng đã xuất hiện xu hướng hòa hoãn giữa hai phe, nhất là các nước lớn của hai phe. Cuộc đấu tranh và thỏa hiệp giữa các nước lớn vì lợi ích chiến lược của mỗi bên, họ đã đi đến dàn xếp cho những nước nhỏ. Hội nghị Geneva chịu sự chi phối rất lớn của quan hệ và lợi ích nước lớn.
Hai là, bài học về độc lập tự chủ. Mặc dù Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước lớn và chịu tác động của nhiều nước lớn với mục tiêu và lợi ích khác nhau, nhưng chúng ta đã đến Hội nghị với tư thế ngẩng cao đầu, tư cách là một bên chiến thắng ở Điện Biên Phủ và chúng ta đã cố gắng cao nhất để giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định nguyên tắc và mục tiêu để tiến hành đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Geneva. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách đã giúp đoàn đàm phán của ta đứng vững ngay cả khi tình hình quốc tế đã xuất hiện không ít diễn biến và nhân tố bất lợi.
Ba là, bài học về tính chủ động, linh hoạt trong ngoại giao và đàm phán. Trong bối cảnh lúc đó, cuộc thương lượng đã được đặt trong quan hệ đấu tranh và hòa hoãn giữa các nước lớn, khi chúng ta không rõ những khả năng nhân nhượng của các nước lớn phe ta và các thủ đoạn mặc cả của đối phương.
Vì vậy, bài học khi đấu tranh ngoại giao là phải có phương án linh hoạt, vừa cứng rắn về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược, khôn khéo để bảo vệ những quan điểm và lợi ích cơ bản, hạn chế đến mức thấp nhất sự lèo lái của các nước khác theo quan điểm và lợi ích của họ.
Hiệp định Geneva 1954 đã khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến và phát huy được thế thắng của ta trên chiến trường sau trận Điện Biên Phủ. Nhưng trên hết, Hiệp định đã cơ bản thể hiện được lập trường đúng đắn của ta trong kháng chiến trường kỳ, anh dũng để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, tạo cục diện mới để ta có điều kiện tiếp tục đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
70 năm qua, ý nghĩa to lớn và những bài học quý báu của Hiệp định Geneva vẫn luôn tươi nguyên giá trị trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, xây dựng đất nước, hội nhập thế giới. Kinh nghiệm lịch sử bảy thập niên qua cho thấy, trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc luôn mãi là nguyên tắc bất di bất dịch.
Ngày nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc bằng biện pháp hòa bình đang là xu thế. Vì vậy, phát triển bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước trong Hội nghị Geneva là cơ sở quan trọng để đề ra giải pháp có khả thi cao nhằm phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thắng lợi thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.