📞

70 năm vững vàng giữa dòng chảy thời đại

22:08 | 15/12/2016
Ngày 12/7/1946, tại biệt thự Royal Monceau, Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế đầu tiên để nói với thế giới về quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Bảy mươi năm sau, ngày 13/12/2016, Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao (TTBC) đã kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.

Trưởng thành cùng đất nước

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và công tác thông tin báo chí của chính quyền Cách mạng. Bởi chỉ ít tháng sau khi Bộ Ngoại giao được thành lập, ngày 7/4/1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 47 thành lập Phòng Thông tin và Phát ngôn và Phòng Tuyên truyền và Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao, tiền thân của Vụ TTBC ngày nay.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Vụ Thông tin Báo chí.(Ảnh: Quang Hòa)

Vụ TTBC hiện nay được thành lập với tiền thân là Phòng Tuyên truyền và Báo chí. Trước tình hình thực tế lúc bấy giờ, đất nước đang đương đầu với muôn vàn những khó khăn thử thách để bảo vệ nền độc lập non trẻ, kháng chiến chống thực dân Pháp. Cán bộ thuộc Phòng có nhiệm vụ xuất bản các báo chí, sách vở của Bộ bằng quốc văn và sinh ngữ ngoại quốc; Giao thiệp với báo giới và các cơ quan văn hoá ngoại quốc; Tuyên truyền cho dân tộc ngoại quốc biết nhiều về dân tộc Việt Nam… Cũng từ đó, Chính quyền Cách mạng có thêm tư liệu về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến, về các nước có quan hệ với Việt Nam. Giai đoạn này, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm và chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận dụng sức mạnh của thời đại, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bước vào những năm tháng kháng chiến chống Pháp, để giúp việc cho Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao chỉ có một Văn phòng gồm 4 phòng. Khi đó, Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 10/1949 phân công Phòng 3 theo dõi thông tin báo chí, có nhiệm vụ tập hợp tình hình và báo cáo Ban tham nghị của Bộ, hướng dẫn nội dung tuyên truyền đối ngoại cho các cơ quan ta ở nước ngoài. Đây là những tiền đề hình thành Vụ TTBC sau này. Các đồng chí Vũ Bội Quỳnh, Trần Văn Đức... ngày đêm phân công nhau đọc báo, nghe đài... để ghi chép, chọn lọc thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền đối ngoại lúc bấy giờ. Nhiều bộ tài liệu giới thiệu về tình hình trong nước, quốc tế liên tục được gửi đi cho cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam ở bên ngoài; tin tức và hình ảnh về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vượt qua vòng vây đến được với bạn bè quốc tế.

Cái tên lịch sử

Vào những năm 1954 – 1964, sau Hiệp định Geneve, tình hình đối ngoại diễn ra trong điều kiện mới, thuận lợi hơn. Hoạt động thông tin tuyên truyền cùng với công tác đối ngoại lúc này tập trung vào việc xây dựng và đề cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình, tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng ở miền Bắc và đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve ở miền Nam. Lúc này, Vụ TTBC chính thức được thành lập do đồng chí Phan Hiền là Quyền Vụ trưởng.

Sau đó một thời gian, Vụ TTBC được đổi tên thành Vụ Báo chí. Với các “mặt trận dư luận” quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước được hình thành và lan rộng trên thế giới, đấu tranh ngoại giao đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo đà thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Việt Nam mùa Xuân 1975. Đây cũng chính là lúc Vụ Báo chí hoạt động mạnh mẽ, phát huy được vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ cùng với Bộ Ngoại giao.

Sau thắng lợi mùa Xuân 1975, cả nước bước vào công cuộc xây dựng, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ và hợp tác quốc tế, đấu tranh chống thế bao vây, cấm vận. Lúc này, Vụ Báo chí được đổi về tên Vụ TTBC. Quãng thời gian 1975 – 1986 là thời kỳ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Vụ trong công cuộc giúp sức xây dựng đất nước.

Cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới 1986, trên con tàu chuyển hướng hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Vụ TTBC đẩy mạnh thực hiện giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, đấu tranh dư luận đối với các thông tin xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đến năm 2008, khi công tác đối ngoại có nhiều thay đổi, Vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quản lý nhà nước về thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong phạm vi trách nhiệm của Bộ với tổ chức hiện nay gồm: Phát ngôn, Phóng viên, Quan hệ công chúng, Nghiên cứu, Ban Biên tập hệ thống trang điện tử của Bộ Ngoại giao và bộ phận Văn thư.

Trước những thành quả và những mốc son phát triển ấy của Vụ, tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng một lần nữa khẳng định: “Công tác thông tin đối ngoại đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bà Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao từ năm 1987–1996 chia sẻ “Vụ TTBC lúc nào cũng ở giữa những dòng chảy với rất nhiều xoáy, nhiều gió và bão. Nhưng phải đứng giữa những dòng chảy như vậy và phải đứng vững thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. 70 năm qua, Vụ TTBC đã làm tốt những điều ấy”.

Kết nối những thế hệ

Giữa những thăng trầm lịch sử, những thách thức ngày càng lớn của thời đại, 70 năm trôi qua với nhiều thành quả xuất sắc và những nỗ lực hết mình của các thế hệ cán bộ Vụ TTBC trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ông Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ TTBC xúc động: “Đã có nhiều gian lao, đã có nhiều thăng trầm, bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu đã rơi”.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ cán bộ nhân viên Vụ Thông tin Báo chí. (Ảnh: Quang Hòa).

Ông cho biết các thế hệ cán bộ Vụ TTBC có lẽ đều đồng thuận rằng: Sáng tạo và năng động trong công việc, trách nhiệm hết mình hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao là những phẩm chất đáng quý của cán bộ trong Vụ. Với sự sôi động của mặt trận thông tin, 70 năm qua, một điều không bao giờ thay đổi là cán bộ Vụ TTBC luôn thường trực thâu đêm suốt sáng, để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của nhịp sống toàn cầu suốt 24h trong ngày.

Tú Uyên – Đại diện Đoàn Thanh niên Vụ TTBC không giấu niềm tự hào khi được trở thành một thành viên trong gia đình Vụ TTBC. “Tìm hiểu về lịch sử của Vụ, bản thân những thế hệ trẻ như tôi mới có thể thấm thía được vị trí “đứng giữa dòng chảy”, những khó khăn mà những thế hệ đi trước đã phải trải qua. Những lời dạy dỗ, chia sẻ từ thế hệ đi trước chính là ngọn lửa để tiếp bước cho thế hệ chúng tôi sau này”.

Cán bộ nhân viên của Vụ TTBC đã sát cánh cùng nhau và chung vai thực hiện các nhiệm vụ của đất nước từ những thời điểm cam go bảo vệ nền độc lập non trẻ, rồi chặng đường hơn 20 năm phục vụ công cuộc thống nhất nước nhà, góp phần tạo nên những làn sóng người xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam; đến những năm tháng thực hiện công tác thông tin tuyên truyền phá thế bao vây, cấm vận, bình thường hóa và thiết lập quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế; và chặng đường 30 năm xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước, củng cố và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Nếm trải nhiều năm thách thức có, thành công có, trên những cương vị khác nhau tại Vụ TTBC, bà Hồ Thể Lan tự hỏi, và tự trả lời: “Cái gì đã nối liền tất cả chúng ta lại, suốt 70 năm qua và cả ngày nay? Còn điều gì khác hơn là Vụ TTBC? Chính Vụ đã nối liền tất cả chúng ta”.