📞

86% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng

Hồng Châu 17:45 | 25/06/2024
Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong danh sách Top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 (VIE50) và Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm (VIE10) cho thấy có đến 86% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề “Cách tân để phát triển”, ngày 24/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình. Hơn 70% các doanh nghiệp trong khảo sát cũng cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo trong ít nhất 2 năm tới.

Thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề “Cách tân để phát triển” trong khuôn khổ Lễ công bố Doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024, ngày 24/6 tại Hà Nội.

Đánh giá vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp, ông Trương Minh Tiến – Giám đốc Điều hành Viet Research khẳng định, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nó không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh, mà còn hỗ trợ thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường và nhu cầu khách hàng. Đồng thời, nó còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường vị trí thương hiệu, đảm bảo hiệu quả hoạt động và bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, chính sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với đổi mới sáng tạo đã giúp Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 được xếp hạng 46/132 quốc gia và nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2022. Đưa Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

“Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á”, ông Lê Trọng Minh cho biết thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đã chỉ ra 5 hướng đi lớn trong đổi mới sáng tạo gồm: lựa chọn giữa "bắt kịp nhanh" và "đột phá đi đầu"; nắm bắt nhạy bén các xu hướng toàn cầu trong dòng chảy đổi thay; lấy điểm yếu làm phương hướng trọng tâm ưu tiên đột phá; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của tổ chức; khai thác kho báu tri thức nhân loại, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Từ lý thuyết, ông Khương đã dẫn ra một số mô hình thực tế về các doanh nghiệp ưu tiên đối mới sáng tạo như Công ty Sữa Yili hay Samsung Electronics.

Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành-Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) phân tích: Việt Nam chưa bao giờ chịu nhiều áp lực phát triển như hiện tại để đạt các mục tiêu phát triển. Trong bối cảnh đó, vai trò của doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, đóng vai trò trung tâm.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có nhiều điểm mới đáng chú ý về doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh cần ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.