Chàng trai nuôi cá mú, tôm hùm nhờ Internet
Dáng cao gầy, khoẻ khoắn, Nguyễn Tấn Nghĩa đứng trước công trình lấn biển ở đảo Phú Quý, Bình Thuận rộng 800m2 với ước mơ: Nuôi tôm hùm đẻ.
17 tuổi, Nghĩa theo cha đi biển. Chuyến đi đầu tiên khiến nghĩa bị ám ảnh vì say sóng. “Cảm giác say sóng biển khó tả lắm. Khi ấy mình chỉ nghĩ mình không hợp với nghề biển”.
Thi đỗ cao đẳng Đồng Tháp, Nghĩa đi học với quyết tâm sẽ lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khi nhìn thấy ba mình nuôi tôm, cá bị bệnh nhưng khó chữa, 8x thay đổi ý định. “Em đi học, nhờ có Internet, tra cứu được thông tin, hướng dẫn cho ba. Ban đầu ba không nghe, ba bảo, làm theo cách của mày, nhỡ nó chết thì sao?”.
Để giúp ba mình, Nghĩa đáp tàu về quê. Riêng quãng đường đi biển từ Phan Thiết ra Phú Quý chỉ 120km đường biển nhưng thời điểm đó có khi mất 10 - 15 tiếng nếu đi tàu gỗ. Về nhà, Nghĩa kéo đường Internet và hướng dẫn cho ba “lên Internet coi hướng dẫn chữa bệnh cho tôm, cá”.
Nghĩa kể: “Trên youtube và các trang web, người ta hướng dẫn bắt con cá mú bị bệnh lên tắm nước ngọt. Ba bảo cá nước mặn mà tắm nước ngọt là vô lý nhưng em bảo ba cứ thứ vài con xem sao. Vài lần thấy nó ổn, giờ thì không chỉ nhà em mà các nhà khác đã biết cách tắm cho cá khỏi bị bệnh”.
Không chỉ dùng Internet cố định, Nghĩa sắm cho cha mình cái iPhone 5 và lắp sim 4G của Viettel để xem thông tin, kiến thức về nuôi trồng hải sản hàng ngày.
Nghĩa cùng gia đình đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để kè biển thành ao nuôi cá và tôm hùm. Vào lúc cao điểm, ao có khoảng vài nghìn con cá, vài nghìn con tôm. Giá cá, tôm mấy năm trước cao, nay hạ hơn nhưng cũng vẫn ở mức trên 350 ngàn/kg cá mú (mỗi con 3-5kg), 700 - 900 ngàn/kg tôm hùm.
“Mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí thì nhà em cũng để ra được khoảng 200 triệu đồng. Mỗi năm làm hai vụ, thu nhập của gia đình khoảng 400 triệu đồng”.
Nghĩa bảo, trước đây, khi chưa có Internet, việc đoán bệnh cho cá rất khó khăn. Do không có kiến thức nên phải lặn xuống ao, bắt từng con cá, con tôm lên kiểm tra rồi chữa. Từ ngày tra cứu được Internet, các phương pháp trị bệnh cho cá được cập nhật, có biện pháp xử lý đồng loạt nên rất nhanh chóng.
Nghĩa cũng đã hướng dẫn cho các gia đình có ao nuôi cá khác trên địa bàn xem thông tin về nuôi trồng hải sản hàng ngày.
Cá mú thì hiện đang tạm ổn nhưng con giống tôm hùm đang ngày càng hiếm. Em đang nghiên cứu cách nuôi tôm hùm đẻ từ Internet. Em hy vọng một ngày không xa, sẽ làm được điều này trên đảo Phú Quý”, Nghĩa nói.
Ước mơ của chàng trai làm home stay
Cũng như Nghĩa, Nguyễn Văn Giỏi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và từng ở lại Sài Gòn. Nhưng rồi khi đảo Phú Quý có Internet, Giỏi về nhà làm kinh doanh du lịch.
“Em thấy các địa danh du lịch khác người ta biết nhiều, còn nhắc đến Phú Quý thì nhiều người vẫn nhầm với Phú Quốc nên tự ái nổi lên. Em nghĩ là mình cần làm cho nhiều người biết đến Phú Quý hơn”, Giỏi chia sẻ.
Nhà của Giỏi có thể chứa cùng lúc 12 khách. “Mỗi khách em chỉ thu 50 ngàn/ngày đêm thôi. Ai đặt cơm thì ba mẹ em sẽ nấu nướng phục vụ luôn”.
Thanh niên 8x này chia sẻ, rất ít người trẻ học xong đại học lại muốn về lại đảo Phú Quý vì… buồn. Nhưng khi mạng 3G và nay là 4G của Viettel phủ sóng đến từng centimet trên đảo thì mọi việc rất khác. “Chỉ cần một chiếc smartphone là mình có cả thế giới ngay cả khi sống tại đảo”, Giỏi nói vui.
Nhờ chiếc smartphone đầy sóng 3G và 4G Viettel, Giỏi có thể cập nhật thông tin bạn bè, fanpage Phượt Phú Quý, trao đổi online với khách hàng, quảng cáo… Smartphone với Internet băng rộng di động không chỉ là công cụ liên lạc, giải trí của Giỏi mà đích thực là một phương tiện để kinh doanh, kiếm sống. “Giờ mà một ngày thiếu smartphone với 3G là rất khó chịu”, cậu tâm sự.
Internet đã làm thay đổi Phú Quý ra sao?
Ông Cao Đình Trường, Giám đốc Trung tâm Viettel huyện đảo Phú Quý cho biết: Cứ 2 người dân Phú Quý thì có 1 người sử dụng mạng di động Viettel. Hiện có 17 nghìn thuê bao di động, trong đó có gần 6.000 thuê bao 3G, gần 2.500 thuê bao 4G.
“Người dân Phú Quý dùng Internet, đặc biệt là 3G, 4G để cập nhật thông tin thời tiết khi đi biển, kết nối và trao đổi thông tin về nuôi trồng hải sản, kinh doanh và giải trí”, ông Trường cho biết.
Khó có thể hình dung, một hòn đảo nhỏ với cư dân còn thưa thớt nhưng hiện có rất nhiều cửa hàng bán smartphone và có đủ các sản phẩm mới nhất của Apple, Samsung cho đến Oppo, Vivo...
“Nghề biển mang lại thu nhập khá tốt nên cứ sau mỗi chuyến đi đánh cá, một ngư dân có thể kiếm hàng chục triệu. Do đó họ thường xuyên nâng đời smartphone và sử dụng nhiều gói cước data di động”, ông Trường chia sẻ.
“Chúng tôi đã có 1 trạm viba truyền dẫn Internet tốc độ cao nhưng hiện nhu cầu của người dân tăng nhanh nên đang tiếp tục xây một trạm nữa. Khi trạm mới đi vào hoạt động thì Internet băng rộng trên đảo sẽ cực nhanh”, ông Trường khẳng định.
Trước đây, Phú Quý cách đất liền 10-15 tiếng đi tàu gỗ. Giờ đây thời gian được rút ngắn còn 4-6 tiếng đi tàu sắt trung tốc. Việc rút ngắn thời gian đi tàu vẫn diễn ra chậm.
Nhờ Internet, giữa Phú Quý và đất liền đã không còn khoảng cách. Hàng ngày, bà con có thể video call vào bờ hoặc gọi cho người thân ở mọi nơi nhờ kết nối 3G hoặc 4G của Viettel. Tuy nhiên, thông tin liên lạc dễ dàng chỉ là một phần lợi ích mà hạ tầng Internet băng rộng (đặc biệt là băng rộng di động đem lại). Giờ đây, với hạ tầng mạng 3G và siêu băng rộng 4G, những người như Nghĩa, Giỏi có thể sử dụng như một phương tiện làm việc. Cuộc cách mạng 4.0 như nhiều người bình luận, đã bắt đầu diễn ra ngay trên hòn đảo tiền tiêu xa xôi của Tổ quốc.
Phú Quý có diện tích 28 km2, với khoảng 28 ngàn dân, bốn bề là biển cả. Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120km) và muốn ra đảo phải đi tàu mất 4-6 tiếng (tùy loại tàu). Đây là một hòn đảo giàu tiềm năng về nguồn lợi hải sản cũng như du lịch.