1. Tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế, năm 2014, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại đa phương phục vụ thiết thực ba mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu được thành lập. Ngày 12/8, lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị "Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam". Quốc hội Việt Nam đã chính thức tiếp nhận đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 vào tháng 3/2015. Ngoài việc tham gia các diễn đàn đa phương theo thông lệ (ASEAN, APEC, ASEM), Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, chủ động đề xuất và thúc đẩy tổ chức thành công Hội nghị cấp cao không chính thức ASEAN-EU; lần đầu tiên tham gia các hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng Mỹ -ASEAN, Nhật Bản - ASEAN…
2. Sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 1/5, những nỗ lực đấu tranh ngoại giao kiên quyết và kiên trì của Việt Nam đã góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững hòa bình, ổn định và chủ động thúc đẩy đối thoại, duy trì quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
3.Hoạt động đối ngoại song phương của Đảng và Nhà nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, ổn định. Tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia; duy trì quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Quan hệ với Nhật Bản được nâng cấp thành quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh ở châu Á”; quan hệ với các đối tác đặc biệt, chiến lược và truyền thống được tăng cường với các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Việt Nam cũng đón nhiều chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Barroso, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha...
4. Năm đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam nỗ lực để đóng góp vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế. Chúng ta đã thực hiện thành công phiên Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người lần hai (UPR), giới thiệu với thế giới những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng. Ngày 28/11, Quốc hội thông qua hai nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cùng Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật.
5. Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc về căn bản tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan (VCUFTA) và Hàn Quốc (VKFTA). Dự kiến, cả hai Hiệp định này sẽ được ký kết vào đầu năm 2015, nâng số FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác lên con số 10. Ngoài ra, Việt Nam và EU cũng ra tuyên bố định hướng kết thúc đàm phán trong năm 2015. Việt Nam cũng nỗ lực đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) để có thể hoàn tất đàm phán sớm nhất trong năm 2015.
6. Lễ thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và lễ xuất quân tiễn hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã diễn ra ngày 27/5 tại Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện cam kết chính trị của một Việt Nam có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
7. Năm 2014 tiếp tục là năm Việt Nam được mùa di sản và ghi danh ở ba hạng mục. Ngày 14/5, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiếp đó, ngày 23/6, UNESCO đã ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Di sản Thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Và ngày 27/11, UNESCO công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
8. Công tác bảo hộ công dân được bảo đảm. Năm qua, chúng ta đã kịp thời sơ tán hầu hết trong tổng số 1.763 lao động Việt Nam làm việc tại Libya về nước; có nhiều biện pháp hỗ trợ người Việt Nam ở Ukraine trước tình hình bất ổn chính trị tại đây; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và bảo vệ ngư dân, tàu cá Việt Nam tiếp tục ra khơi, đánh bắt trên những ngư trường truyền thống…
9.Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức. Có thể thấy, trong năm 2014 Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản pháp quy quan trọng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài như: luật quốc tịch, đất đai, nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh… theo hướng ngày càng thuận lợi cho kiều bào. Vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú.
Ban Biên tập