Sau 3 ngày làm việc, ABAC đã thống nhất kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC thể hiện vai trò hơn nữa trong việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như về dòng chảy đầu tư. Đây là những vấn đề sẽ được thảo luận giữa các thành viên APEC trong đối thoại thường niên với các nhà lãnh đạo APEC vào ngày 10/11 tới đây.
Theo các đại diện thành viên ABAC, để làm được điều này, các nền kinh tế APEC cần cải thiện thể chế, xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới, tạo thuận lợi thực hiện các cam kết thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAA).
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC 2017 tại cuộc họp báo chiều tối 6/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chủ tịch ABAC 2017 Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh, sau khi tổng kết và xem xét 20 khuyến nghị, ABAC đã quyết định sẽ tập trung vào 3 khuyến nghị chính đó là: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại và đầu tư; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số; Tầm nhìn 2020 và các năm tiếp sau đó.
“Đây là những giải pháp để GDP của các nền kinh tế APEC tăng trưởng 3,7% trong năm tới và dòng chảy thương mại toàn cầu hồi phục”, ông Dũng khẳng định.
ABAC cũng khuyến nghị các nền kinh tế thành viên phải tạo ra những môi trường thuận lợi hơn nữa để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong khu vực, cải thiện thể chế mạnh mẽ hơn, cải thiện cơ chế tiền lương, nâng cao kỹ năng để người dân và doanh nghiệp có thể điều chỉnh phù hợp với xu thế toàn cầu, đặc biệt là sự tham gia của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo.
Báo cáo của ABAC cũng tập trung vào những giải pháp để giúp phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực kinh tế và đề cao những tiềm năng chuyển đổi của nền kinh tế số. Báo cáo chỉ rõ, tất cả người dân trong khu vực sẽ đều được hưởng lợi từ làn sóng phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số.
Đại diện nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế tham dự cuộc họp báo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Dù vậy, báo cáo cũng đề cập tới nhóm người dễ bị tổn thương trong các nền kinh tế, những người có thể bị toàn cầu hóa bỏ lại. Chính vì thế, đầu tư vào hạ tầng để đảm bảo khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai cho nhóm người dễ bị tổn thương, đảm bảo lưu chuyển vấn đề dữ liệu xuyên biên giới cũng như an ninh mạng sẽ tiếp tục là những ưu tiên của ABAC trong năm 2018
Được thành lập từ năm 1995 theo đề nghị của khu vực kinh tế tư nhân, ABAC có nhiệm vụ là tư vấn cho các nhà lãnh đạo APEC về những vấn đề lớn liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực như thúc đẩy thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi...
ABAC hiện gồm 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Mỗi nền kinh tế thành viên được cử 3 đại diện. Các đại diện của Việt Nam tại ABAC gồm: ông Hoàng Văn Dũng; ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) và ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Sovico Holdings.