Để đảm bảo đời sống của người dân xung quanh lưu vực các con sông lớn và hơn thế, còn biến nó trở thành bàn đạp, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia, thậm chí, của cả vùng, thì xu hướng hiện nay của thế giới là chung tay hành động, hợp tác kịp thời.
Đoàn kết là sức mạnh
Mekong, Ayeyawady và Chao Phraya đều là những con sông lớn mang trong mình hơi thở của dân tộc, tiềm năng phát triển của quốc gia, của khu vực các nước Campuchia, Lào, Myanamar, Thái Lan, Việt Nam. Quá khứ, hiện tại và tương lai của lưu vực các sông này có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.
Hợp tác ACMECS và CLMV là hai trong số 12 cơ chế quan trọng để các nước Mekong phối hợp nỗ lực, củng cố lòng tin, đối thoại tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung như vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... trên cơ sở hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Việc tăng cường hợp tác và kết nối cũng giúp nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước Mekong trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Nếu dõi theo sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất năm 2016 mà Việt Nam tổ chức, đó là Hội nghị Cấp cao ACMECS 7, CLMV 8, và WEF - Mekong đang diễn ra, chúng ta có thể thấy những nỗ lực hết mình đến từ mọi cấp lãnh đạo các Chính phủ, các đối tác hợp tác phát triển, và cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả đang dồn sức vì một mục tiêu chung, thực chất hơn, cho mỗi quốc gia và cho toàn khu vực.
Chia sẻ quan điểm của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng, chính những nét tương đồng văn hóa truyền thống đã gắn bó các nước Mekong trong suốt chiều dài lịch sử. Trên nền tảng lâu bền đó, giờ đây, các nước Mekong tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa và mở rộng sự gắn kết với các quốc gia, dân tộc dọc các dòng sông lớn Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong trong phát triển kinh tế, hội nhập khu vực và cùng nhau gìn giữ hòa bình, hướng đến thịnh vượng chung cho người dân 5 nước.
Về phần mình Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, tại lễ khai mạc 2 HNCC đã khẳng định, 2 cơ chế hợp tác ACMECS và CLMV mang đến cơ hội thúc đẩy hợp tác và kết nối trong khu vực cũng như thúc đẩy tình đoàn kết trong cộng đồng chung ASEAN đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và tạo ra sinh kế cho người dân trong khu vực.
Lãnh đạo 5 nước tham dự HNCC ACMECS 7 và CLMV 8. (Ảnh: Quang Hoà/TGVN) |
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao vai trò tiên phong của nước chủ nhà Việt Nam trong việc đề xuất rất nhiều chương trình nghị sự quan trọng trong khuôn khổ 2 Hội nghị lần này. Ông cũng bày tỏ cảm ơn các đối tác, các tổ chức tài chính quốc tế và Ban Thư ký ASEAN đã hỗ trợ nhiệt tình cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw có cùng quan điểm rằng các nước khu vực Mekong từ lâu đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ và cùng chia sẻ với nhau giấc mơ về phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, các nước trong khu vực cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu. Dù vậy, Tổng thống Myanmar tin tưởng, bằng việc hợp tác chặt chẽ, các quốc gia trong khu vực có thể cùng nhau vượt qua. Ông nói: “Đoàn kết là sức mạnh. Không một quốc gia riêng rẽ nào có thể tự mình giải quyết được những thách thức trên”.
Con người là ưu tiên hàng đầu
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, hợp tác CLMV và ACMECS còn nhiều tiềm năng để phát huy hơn nữa. Yêu cầu trước mắt đặt ra là cần cải tiến phương thức và lựa chọn lĩnh vực hợp tác ưu tiên phù hợp với bối cảnh mới và nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.
Nhưng trước tiên, để tìm ra lĩnh vực ấy, bộ máy hợp tác chung giữa các quốc gia phải vận hành trơn tru, linh hoạt. Mong muốn tìm ra điểm cốt lõi của vấn đề, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho rằng, con người là nhân tố quan trọng nhất góp phần định hình tương lai phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong khu vực.
Hơn thế nữa, mục tiêu phát triển của khu vực cần phải đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân của tất cả các quốc gia. Việc cải thiện điều kiện sống cho người dân phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong phát triển khu vực một cách bền vững.
Cùng chung quan điểm với lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác trong khu vực như CLMV và ACMECS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực của các quốc gia ASEAN. Các cơ chế này giúp các nước trong khu vực phát triển sâu rộng, bền vững và thực thi hiệu quả các cam kết của mình nhờ sự gần gũi về khoảng cách địa lý.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương Shamshad Akhtar khẳng định, cơ chế hợp tác CLMV là “một ví dụ tiêu biểu” về việc các nước trong khu vực có thể đạt được những mục tiêu chung trong quá trình hợp tác. CLMV cũng đóng góp rất lớn vào sự năng động của ASEAN thông qua việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong khu vực.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Shamshad Akhtar phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hoà/TGVN) |
Đúng như các nhà lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức, đối tác quốc tế nhận định, khu vực Mekong đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội phát triển chưa từng có và không ít thách thức. Với tinh thần hợp tác cao như trên, chính sách đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ CLMV và ACMECS, các tiềm năng và lợi thế của khu vực chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy, góp phần bảo đảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả 5 nước tại khu vực.