“Nắm bắt cơ hội, định hình tương lai”
Đây là chủ đề, cũng là nội dung chính của Hội nghị cấp cao (HNCC) CLMV lần thứ 8.
Thảo luận tại Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo đã chia sẻ đánh giá về môi trường phát triển mới của khu vực Mekong, khẳng định các nước CLMV đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Các cơ hội này đến từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới, tiến trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ của khu vực, đặc biệt là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nước CLMV cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh quan trọng như vị trí địa kinh tế chiến lược gần các thị trường lớn, nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động lớn và trẻ, giá cả cạnh tranh, các chính sách thương mại và đầu tư thuận lợi.
Tham dự HNCC CLMV 8 và HNCC ACMECS 7 có Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Phó Thủ tướng Thái Lan Tanasak Patimapragon, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc – Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế – Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) Shamshad Akhtar, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều đối tác phát triển trong khu vực và thế giới.
Lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Quang Hoà/TGVN) |
Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng cho rằng, khu vực Mekong đang phải đối mặt với không ít thách thức như hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn định của kinh tế khu vực và toàn cầu, tính dễ tổn thương của các nền kinh tế mở và nhỏ.
Để duy trì động lực tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà Lãnh đạo nhất trí vừa tiến hành cải cách kinh tế trong nước, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Các nhà Lãnh đạo cũng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường gắn kết nền kinh tế và thị trường của bốn nước, hướng tới một khu vực kết nối thông suốt. Một số điểm nổi bật gồm:
Thứ nhất, về kết nối giao thông, đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc – Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vientiane và Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hoá và con người giữa hai thủ đô; triển khai nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar – Lào – Việt Nam.
Thứ hai, về tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục thông quan và tiếp tục phát triển các khu công nghiệp dọc các tuyến hành lang kinh tế; đẩy thương mại biên giới thông qua hài hòa hóa các quy định về thương mại biên giới và phát triển hệ thống chợ biên giới; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư; và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước CLMV đầu tư vào thị trường của nhau. Các nhà Lãnh đạo cũng thông qua kiến nghị của các Bộ trưởng Kinh tế về xây dựng Khung phát triển CLMV nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường năng lực, tận dụng các lợi ích từ hội nhập khu vực và nâng cao đời sống người dân.
Thứ ba, về hợp tác công nghiệp, tăng cường hợp tác trong xây dựng, tiêu chuẩn hóa và hợp chuẩn hóa chính sách công nghiệp, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Thứ tư, về hợp tác du lịch, triển khai Kế hoạch hành động 2016 - 2018 về hợp tác du lịch, đặc biệt là các hình thức du lịch bền vững và có trách nhiệm; khuyến khích hơn nữa hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các nước thành viên; tạo điều kiện cho các công ty lữ hành, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp CLMV tham gia vào các sự kiện, hội chợ du lịch của khu vực và thúc đẩy hợp tác công tư, đặc biệt là trong các hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
Thứ năm, về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai Chương trình học bổng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016-2020; thiết lập cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, về đào tạo nghề giữa các nước CLMV; thúc đẩy các chương trình chung giữa các trường đại học, viện đào tạo ngoại ngữ của các nước CLMV và các chương trình trao đổi giữa lãnh đạo các trường, chuyên gia, giảng viên, quản lý và sinh viên và thúc đẩy công nhận lẫn nhau về bằng cấp giữa các nước CLMV.
Kết thúc HNCC CLMV 8, lãnh đạo các nước nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức HNCC CLMV 9 trong năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc trên nhiều phương diện, đòi hỏi các quốc gia phải điều chỉnh kịp thời để nắm bắt xu thế mới và tránh tình trạng tụt hậu. Trong môi trường mới, các nước CLMV không thể tiếp tục theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu mà cần tạo động lực phát triển mới dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng “chính phủ kiến tạo” để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Việt Nam sẽ nỗ lực bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực theo hướng tăng cường đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Tiếp tục triển khai ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, đồng thời xoá bỏ rào cản về thủ tục hành chính để tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của 4 nước, Thủ tướng cũng đề xuất thúc đẩy kết nối giữa 4 nước về hạ tầng giao thông, thương mại và đầu tư, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Các đề xuất của Thủ tướng được các nước đánh giá cao và nhất trí phối hợp triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sự hỗ trợ mà các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác phát triển dành cho CLMV thời gian qua và đề nghị các đối tác tiếp tục đồng hành cùng 4 nước CLMV trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập khu vực và phát triển bền vững.
“Hướng tới Tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng”
Đây là chủ đề của HNCC ACMECS lần thứ 7. Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ACMECS đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bền vững tại khu vực Mekong.
Ghi nhận các thành tựu đã đạt được của Hợp tác ACMECS trong thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại - đầu tư, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, song các nhà Lãnh đạo ACMECS cũng nhận định khu vực Mekong đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bảo đảm nguồn tài chính cho các dự án phát triển chung, ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Quang Hoà/TGVN) |
Các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Hà Nội của HNCC ACMECS 7 với mục tiêu đưa khu vực Mekong trở thành trung tâm kinh tế năng động và phát triển bền vững. Theo đó, trong thời gian tới, các nước ACMECS sẽ tập trung thúc đẩy các nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực giao thông: Tăng cường hợp tác hoàn thiện kết nối vận tải đa phương thức, xây dựng các tuyến đường còn thiếu đi đôi với cải thiện chất lượng các tuyến đường bộ; phát triển các tuyến vận tải mới kết nối các nước thành viên; khuyến khích khu vực doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng giao thông.
Thứ hai, trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại - đầu tư và phát triển công nghiệp: Hợp tác hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục thông quan; thúc đẩy thương mại biên giới; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, các nguồn tài chính, công nghệ; thúc đẩy phát triển các cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, trong lĩnh vực du lịch: Thúc đẩy du lịch xanh và du lịch có trách nhiệm; phát triển sản phẩm du lịch, phát triển đa dạng các tuyến du lịch; thực hiện sáng kiến du lịch “Năm quốc gia, một điểm đến”; tạo điều kiện cho các hiệp hội lữ hành tham gia vào các hội chợ và triển lãm lớn trong khu vực.
Thứ tư, trong lĩnh vực nông nghiệp: Thúc đẩy thương mại hàng nông sản; khuyến khích thiết lập kênh thông tin về sản xuất và mua bán gạo; xây dựng các chương trình hợp tác về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, công nhận lẫn nhau về chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa; hợp tác về quản lý nguồn nước trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, trong lĩnh vực hợp tác về môi trường, phối hợp huy động nguồn lực và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 phù hợp vào các dự án phát triển kinh tế; củng cố hợp tác giữa các nước thành viên về bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên của các dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong; tăng cường phối hợp giữa ACMECS với Uỷ hội sông Mekong và các cơ chế khu vực khác, cùng quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới và các nguồn tài nguyên liên quan.
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức HNCC ACMECS lần thứ 8 tại Thái Lan trong năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các ưu tiên chính của Hợp tác ACMECS trong thời gian tới là: (i) thúc đẩy kết nối các nền kinh tế ACMECS; (ii) tăng cường gắn kết giữa ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác trong khu vực; (iii) phối hợp gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế; và (iv) hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Về thúc đẩy kết nối các nền kinh tế ACMECS, Thủ tướng cho rằng các nước cần phát triển kết nối hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển hạ tầng đường bộ, nhất là hạ tầng tại các địa phương nghèo vùng biên giới. Để tạo không gian phát triển cho các doanh nghiệp, các nước ACMECS cần thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác thương mại và đầu tư, du lịch đã ký kết, thiết lập kênh trao đổi thông tin thực chất, hiệu quả để tăng cường đối thoại công – tư.
Về gắn kết giữa ACMECS với ASEAN và các cơ chế hợp tác trong khu vực, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh kết nối giữa ACMECS với các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác thông qua phát triển vận tải đa phương thức, nỗ lực phát triển các hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế, gắn với hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Để tận dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển, cần gắn kết các chương trình, dự án của ACMECS với chương trình hành động ASEAN và hợp tác khu vực.
Về phối hợp gia tăng năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh các nước ACMECS cần gắn kết và mở rộng quy mô thị trường; khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp ACMECS phát triển và tham gia vào “chuỗi cung ứng xanh”; đón đầu cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, tạo động lực mới và bước nhảy vọt trong phát triển.
Về hợp tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng đề xuất các nước ACMECS triển khai bốn biện pháp là đẩy mạnh hợp tác quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có các nguồn nước chung; khuyến khích hợp tác chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển và sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; cùng các đối tác quốc tế hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên trong khuôn khổ các HNCC ACMECS và CLMV đã diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong với sự tham gia của nhiều đối tác phát triển quan trọng. Các sáng kiến này giúp thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp khu vực Mekong với nhau và với các tập đoàn lớn trên thế giới, tăng cường đối thoại giữa khu vực doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, và gia tăng tham gia của các đối tác phát triển vào các chương trình hợp tác CLMV và ACMECS. Các sáng kiến của Việt Nam đã được các nước thành viên đánh giá cao và nhiệt liệt ủng hộ.